Sản phẩm OCOP “cháy hàng” dịp Tết
Vừa soạn lại những hàng mẫu trên kệ, chị Mai Thị Vân, Giám đốc Hợp tác xã nông sản Vân Di (HTX nông sản Vân Di), có trụ sở và cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại xã Mai Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình), cho hay: Ngoài sản phẩm bánh xoài OCOP 4 sao cấp tỉnh là mặt hàng truyền thống thì đơn vị chúng tôi đã “trình làng” sản phẩm mới là bánh quy ít đường. Các sản phẩm của HTX làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó chứ không có hàng nhập kho. Hy vọng dịp Tết hàng bánh cổ truyền cho bà con thêm hương vị Xuân mới”.
HTX nông sản Vân Di được thành lập 5 năm nay. Từ những sản phẩm mang tính truyền thống của quê hương đã được cơ sở chế biến, sản xuất và xây dựng thương hiệu gắn với chất lượng. Trong chừng đó thời gian, nhiều sản phẩm của đơn vị như tinh bột nghệ, tinh bột dong, sắn dây, bánh xoài, mứt gừng đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao đến 4 sao, nhiều khách hàng lựa chọn sử dụng trong dịp Tết.
Theo nhiều bà con, bánh xoài là đặc sản ngày Tết của người dân các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh. Ngày xưa, dù khó đến mấy thì vào dịp tết bà con cũng làm bánh xoài cúng tổ tiên và cho con cháu ăn, làm quà cho người đi xa. Nguyên liệu làm bánh xoài có bột khoai dong hoặc tinh bột khoai lượt (bà con thường gọi là bột mịn tinh), trứng gà và đường trắng. Bột mịn tinh cùng trứng gà và tỷ lệ đường nhất định được cho vào thau (chậu) dùng đũa đánh khoảng hai giờ đồng hồ liên tục thành hỗn hợp dẻo (bà con gọi là bột bánh), màu vàng nghệ, có mùi thơm đặc trưng của vùng quê. Sau đó, bột bánh được cho vào khuôn bánh.
Khuôn được làm bằng gang, trong lòng khuôn có 24 khuôn nhỏ hình xoài (có thể vì vậy mà bà con quen gọi bánh xoài?). Khi bột bánh được đổ đầy các khuôn thì khuôn bánh được bắc lên bếp nhỏ lửa. Phía trên có vung đậy kín và trên vung quạt than hồng. Khoảng mườiphút thì bánh chín, mùi thơm dịu ngọt bay khắp khoảng không. Bánh xoài ngon, bổ, khi ăn có cảm giác như bánh tan trong miệng. Bánh dễ bảo quản, có thể để lâu hàng tháng trời vẫn không bị hư. Bây giờ, đánh bột bánh hay đổ bánh đều áp dụng máy nên làm được số lượng nhiều và mới đáp ứng được nhu cầu dịp tết của khách hàng.
Dịp Tết năm nay, HTX nông sản Vân Di chủ động nguồn hàng với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp để cung cấp cho các đại lý và gửi cho nhiều khách hàng ở xa. Chị Vân cũng cho biết thêm: “Bình quân mỗi ngày cơ sở sản xuất khoảng 500kg bánh xoài, chừng 70kg mứt gừng và khoảng 30kg bánh quy. Phải huy động nhân lực làm ngày, đêm thì mới có lượng hàng nhiều gấp 4 lần so với những ngày thường để đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.
Năm nay, ngoài những sản phẩm truyền thống, HTX nông sản Vân Di còn sản xuất sản phẩm mới, đó là bánh quy ít đường. Nguyên liệu chính để làm bánh quy gồm bột mì, bơ sữa. Sản phẩm ít đường nên rất phù hợp cho những người ăn kiêng dịp Tết. Vì vậy, dù là sản phẩm mới nhưng đã được khách hàng tiêu thụ nhanh. Giá bán là 250 ngàn đồng/kg. Hàng có mẫu mã nhãn mác khá bắt mắt và được đóng gói 0,5kg, tiện cho khách hàng sử dụng.
Chị Vân cũng cho hay, thời điểm từ tháng 12 trở đi, cơ sở sản xuất tăng thêm lao động để kịp tiến độ giao hàng cho các địa lý, cửa hàng, siêu thị. Người lao động cũng được tăng thêm, chủ yếu sử dụng chị em phụ nữ tại địa phương. Dịp tết, bận rộn và vất vả, nhưng bù lại doanh thu tăng cao nhất trong năm, mang lại thu nhập ổn định cho hợp tác xã và người lao động.
Cơ sở làm bánh “đỏ lửa” đêm ngày
Cùng trên địa bàn, cơ sở sản xuất bánh xoài, mứt gừng của Hợp tác xã sản xuất chế biến dịch vụ tinh bột Hiền Thuấn (HTX tinh bột Hiền Thuấn), cũng đang tất bật, rộn ràng với việc “tăng ca, tăng kíp” đêm ngày để đủ lượng hàng xuất ra thị trường. Chị Dương Thị Hiền, Giám đốc HTX tinh bột Hiền Thuấn cho hay, mỗi ngày, cơ sở sản xuất phải huy động từ 7-10 lao động làm đến khuya để kịp giao hàng theo đơn. Dịp cận tết, chúng tôi sản xuất mỗi ngày từ 700-800kg bánh xoài, 100kg mứt gừng chất lượng cao để cung ứng ra thị trường. Dù vậy, sản phẩm tại cơ sở sản xuất luôn hết nên phải sản xuất liên tục.
Tại thôn Mai Hạ (xã Mai Thủy), cơ sở sản xuất bánh Cường Huyên cũng đang huy động hết nhân lực làm bánh mới đủ hàng cung ứng cho những người bán lẻ. Chị Mai Thị Huyên, chủ cơ sở kể, trước đây cũng vào những dịp tết là đi làm công cho cơ sở làm bánh xoài của người khác. Cách đây hai năm, chị mạnh dạn mua củ dong riềng về làm tinh bột để làm bánh xoài. “Lấy công làm lãi”, dần dà, chị đầu tư 50 triệu đồng mua sắm máy đánh bột, máy làm bánh…để sản xuất bánh xoài quanh năm.
Cũng theo chị Huyên, cứ tỷ lệ 1kg bột mịn tinh, 1kg đường kính và 20 quả trứng gà thì cho sản phẩm khoảng 2,5kg bánh xoài bán được trên 300 ngàn đồng. Mỗi ngày, cơ sở sản xuất từ 50-70kg bột mới đủ hàng xuất bán. Khách hàng và những chủ hàng tạp hóa luôn lấy hết hàng sản xuất trong ngày. Dịp tết, cơ sở cũng có thu nhập từ làm bánh khoảng 40-50 triệu đồng.
Những ngày cận Tết, ai ai cũng tất bật, vội vàng. Vừa đóng đủ hàng bánh xoài ở cơ sở Cường Duyên, chị Nguyễn Thị Lan (quê tận Nha Trang làm dâu ở đất Lệ Thủy), vội xếp mấy giỏ hàng trên xe máy và vội chào mọi người. Trước lúc đi, chị còn phân bua: “Việc lên tận hai vai đó. Vội mới đưa kịp hàng cho khách, vừa có thêm đồng thu nhập chi tiêu dịp Tết. Bánh cổ truyền lại ngon, giá cả phải chăng nên bà con mua nhiều”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Tân, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy cho biết, toàn huyện hiện có trên 4.400 cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn, giải quyết việc làm cho gần 11.300 lao động tại địa phương. Các cơ sản xuất xuất nhiều hàng hóa đặc sản vùng miền, có nguồn nguyên liệu và văn hóa bản địa, có sản lượng tiêu thụ tăng cao theo từng năm, đặc biệt là trong dịp Tết.
Lệ Thủy hiện có 23 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 7 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh. Các sản phẩm OCOP ngày càng tăng cả về số lượng lẫn chất lượng bao gồm các sản phẩm hàng hóa nông sản có nguồn gốc địa phương, đặc trưng về giá trị văn hóa.