| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 11/11/2014 , 08:49 (GMT+7)

08:49 - 11/11/2014

Khi cán bộ đi trước… phá rừng!

Không thể nào tin được, dù đó là sự thực đang được rất nhiều cơ quan thông tin đại chúng quan tâm. 

Đó là việc hàng trăm hộ dân của xã An Lạc thuộc huyện Sơn Động (Bắc Giang) đồng loạt tàn phá những cánh rừng ở sườn Tây của dãy Yên Tử, là khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó huyện Sơn Động có hơn 10.000 ha rừng thuộc diện bảo vệ nghiêm ngặt, 7.000 ha rừng đặc dụng cực kỳ quan trọng. Mà mục đích của việc phá rừng này là để… trồng keo.

Dân phá đã đành. Nhưng điều đau đớn hơn là việc phá rừng ở đây lại do cán bộ làm trước. Chủ tịch UBND xã An Lạc cho báo chí biết, gia đình ông có phá khoảng… vài ha. Rồi các gia đình phó chủ tịch, cán bộ mặt trận tổ quốc, tư pháp, trưởng phó thôn, cựu lãnh đạo xã, đảng viên… cũng phá.

Con trai và em trai chủ tịch xã Trần Dìn là những người phá rừng đầu tiên, phá cả rừng gỗ lim. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Động phải dùng cụm từ “toàn dân phá rừng” để chỉ hiện tượng này. Chưa bao giờ câu nói “cán bộ đi trước, làng nước theo sau”, đúng theo nghĩa đen của nó, lại được thể hiện một cách sinh động đến thế qua vụ “phá rừng tập thể”, phá rừng có “đầu tàu gương mẫu” ở Sơn Động này.

Vì sao lại có hiện tượng đó?

Theo phản ánh của dân, phần lớn là những người được giao giữ rừng hàng chục năm nay, và họ đã giữ rất tốt, dù chẳng được một xu nào, cứ thấy cán bộ phá rừng trong khu bảo tồn đi để trồng keo, thì mình cũng phá, vì tưởng chính sách đã thay đổi. Trước đây phải giữ rừng nay được phá để trồng cây khác. Và “Chúng tôi không tin cán bộ địa phương thì tin ai?”.

Cán bộ xã, thôn là cấp cuối cùng trong hệ thống tổ chức chính quyền, là những người đưa đường lối, chính sách cũng như pháp luật của đảng và nhà nước đến trực tiếp với từng người dân.

Lời nói của họ được dân tin. Việc làm của họ hiện hữu rành rành trước dân, nên có tác dụng rất lớn trong việc lôi kéo, thúc đẩy dân làm theo.

Nhất là ở những địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, dân trí còn thấp, thì người dân thường gửi lòng tin vào nhà nước, vào chế độ một cách rất chất phác qua những cán bộ, những đảng viên mà họ thường tiếp xúc hằng ngày, bằng cách “cứ theo cán bộ, đảng viên mà làm”.

Chính vì thế mà một khi đội ngũ cán bộ lãnh đạo địa phương trở nên tha hóa, biến chất, có những việc làm trái pháp luật, thì chúng gây tác hại cực kỳ khủng khiếp, mà vụ “toàn dân phá rừng” nói trên là một dẫn chứng. Hiện tượng đó phản ánh điều gì, nếu không phải là việc lâu nay, những tiêu chuẩn và trình độ bắt buộc phải có của cán bộ xã còn bị xem nhẹ?

Vi phạm pháp luật đương nhiên phải bị xử lý, bất kể người đó là ai. Hàng chục người phá rừng ở Sơn Động đã bị các cơ quan chức năng xử lý bằng các hình thức từ xử phạt đến truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng, cũng theo phản ánh của dân, thì việc xử lý ở đây rất không công bằng. Những người dân phá rừng ít lại phải chịu mức phạt rất cao. Trong khi cán bộ phá nhiều hơn lại “được” hưởng mức phạt rất nhẹ. Cán bộ kiểm lâm hay đưa quyết định phạt cho dân vào… ban đêm. Có người còn gạ gẫm dân đưa tiền cho họ để được hưởng mức phạt nhẹ…

Những khu rừng bị phá đã mất rồi. Vấn đề là hãy vào cuộc quyết liệt hơn, công bằng hơn, để giữ lại những cánh rừng còn lại.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm