| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 05/12/2011 , 08:47 (GMT+7)

08:47 - 05/12/2011

Khi thẩm phán vi phạm pháp luật

Thẩm phán ép vợ xe ôm vào nhà nghỉ; thẩm phán ôm vợ kỹ sư xây dựng trên võng tại quán cà phê vườn ( NNVN đã có bài phản ánh), thẩm phán nhận hối lộ để đổi trắng thay đen trong vụ án…

Những thông tin đó khiến xã hội bức xúc.  Và gần đây nhất, chiều ngày 1/12/2011, tin thẩm phán Nguyễn Văn Đạo, Phó Chánh án TAND huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc) bị công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt quả tang khi đang cùng 3 cán bộ khác đánh bạc tại trụ sở đội thi hành án dân sự huyện (hiện cả 4 đang bị tạm giữ tại trại tạm giam CA tỉnh Vĩnh Phúc), càng khiến dư luận xã hội bị “sốc”.

Dư luận bị bức xúc, bị “sốc”, trước hết, bởi những người vi phạm pháp luật đó là thẩm phán. Vậy, thẩm phán, họ là ai?

Xin thưa ngay rằng đó là những người mang trọng trách đặc biệt trong xã hội. Đặc biệt, vì họ được Nhà nước trao cho thẩm quyền xét xử các vụ án. Mỗi khi thăng đường xét xử, họ đại diện cho Nhà nước, nhân danh Nhà nước (mỗi bản án đều được mở đầu bằng câu “Nhân danh nước CHXHCNVN” là vì vậy). Hiến pháp (điều 130) và Bộ Luật tố tụng hình sự (điều 16) dành cho họ một thẩm quyền đặc biệt là khi xét xử thì họ “độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.

Vì mang trọng trách đặc biệt như vậy, nên thẩm phán, trước hết phải là những người tinh thông nghiệp vụ, hiểu biết tường tận về pháp luật. Và thứ hai, về đạo đức, họ phải là những người tuyệt đối trong sạch, liêm khiết, chí công vô tư. Sự hiểu biết và phẩm chất trong sạch, liêm khiết, chí công vô tư đó không phải là thứ có được trong ngày một ngày hai, mà đó là kết quả của một quá trình rèn luyện, tu dưỡng lâu dài. Có như vậy mới có thể làm sáng tỏ sự thật trong mỗi vụ án, đưa ra được những phán quyết công bằng “đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”.

Thế nhưng trên thực tế, không ít thẩm phán đã làm ngược lại. Không mấy ngày mà báo chí không đưa lên “mổ xẻ” những bản án mù mờ, có những phán quyết có dấu hiệu bất minh, bất chấp sự thật của vụ án và những quy định tố tụng. Đó là chưa kể hàng năm, có hàng trăm bản án đã bị tòa án cấp trên tuyên hủy. Đằng sau những bản án đó là gì, liệu có phải do bị chi phối, tiêu cực? Tệ hại hơn nữa là không chỉ vậy, nhiều thẩm phán hôm qua còn thăng đường xét xử, hôm nay đã trở thành kẻ phạm pháp bị bắt quả tang, mà trường hợp ông thẩm phán, phó chánh án TAND huyện Yên Lạc nêu trên là một điển hình.

Những người như ông Nguyễn Văn Đạo, họ có biết đánh bạc là một tội hình sự không? Chắc chắn là biết quá rõ. Và trong cuộc đời cả chục năm làm thẩm phán, chắc chắn ông đã từng có lần (hoặc nhiều lần) thăng đường xét xử những bị cáo bị VKSND truy tố ra tòa về tội đánh bạc. Biết, nhưng sao vẫn cố tình vi phạm ?

Câu hỏi đó, sẽ phải chờ chính ông trả lời tại tòa (nếu ông bị khởi tố, truy tố). Nhưng trước mắt, sự bức xúc của xã hội phản ánh một yêu cầu cấp thiết của nhân dân: phải loại bỏ ngay, phải xử lý nghiêm những thẩm phán không chỉ phạm pháp như trên mà còn cả những thẩm phán là tác giả của những bản án bất minh, trái pháp luật, gây oan sai cho người vô tội hay làm thiệt hại đến quyền lợi, tài sản chính đáng của công dân, không thể để những “con sâu” (lời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang) đó “nhân danh Nhà nước” để làm ô danh Nhà nước.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm