Năm 2014, Nghĩa Đồng trở thành xã đầu tiên của huyện Tân Kỳ (Nghệ An) cán đích nông thôn mới (NTM). Dù số tiền nợ đọng ở mức cao nhưng với sự đồng lòng, chung sức của người dân, Nghĩa Đồng đã vạch ra lộ trình trả nợ khả thi và không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí.
Trụ sở làm việc xã Nghĩa Đồng
Ông Võ Duy Hiển, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đồng cho biết, sau khi đạt chuẩn NTM, trước yêu cầu cấp thiết của giáo dục xã nhà, địa phương đã xây dựng thêm 10 phòng học cho trường mầm non. Vì thế, tổng số nợ đọng NTM của Nghĩa Đồng lên đến 17,3 tỷ đồng. Đó thực sự là một món nợ lớn khiến cán bộ và nhân dân lo lắng.
Tuy nhiên, nhờ lộ trình xây dựng NTM được bàn bạc dân chủ, công khai nên việc huy động đóng góp của người dân không gặp nhiều khó khăn; nhân dân đã tự nguyện dỡ bỏ tường rào, hiến đất, đóng góp ngày công, tiền của để xây dựng xã NTM thực sự phục vụ lợi tích thiết thực cho toàn dân.
Hiện nay, để chuẩn bị cho sự kiện Trường THCS xã đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, chính quyền xã đang có kế hoạch cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất cho nhà trường.
Sau khi cán đích NTM, Nghĩa Đồng cơ bản đã bê tông hóa gần hết hệ thống đường liên thôn xóm với tổng chiều dài 55 km. Số còn lại (khoảng 10 km), xã đã có kế hoạch hoàn thành trong năm 2017 bằng các nguồn vốn xã hội hóa. Đối với lề đường giao thông, xã vận động các tổ liên gia tự đóng góp để đào đắp và làm hệ thống thoát nước. Chỉ tính riêng năm 2016, các tổ liên gia đã tự đổ bê tông lề đường được 8 km.
Những tuyến đường phủ bóng cây xanh
Giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, năm 2016 Nghĩa Đồng xây dựng được 5 bãi chứa và xử lý rác thải, các tổ liên gia tự sắp xếp phân công lịch vận chuyển rác đến bãi rác. Vì thế, dù là xã có mật độ dân số cao, tổng đàn gia súc gia cầm lớn nhưng vấn đề môi trường ở Nghĩa Đồng luôn được đảm bảo.
2 năm sau về đích NTM, thu nhập bình quân đầu người tại Nghĩa Đồng đã tăng từ 23 triệu/người/năm lên 28 triệu đồng/người/năm. Đây được coi là hệ quả tất yếu của quá trình chuyển đổi ruộng đất thành công ở Nghĩa Đồng gắn liền với xây dựng cánh đồng mẫu lớn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Đặc biệt, sau khi chuyển đổi ruộng đất, Nghĩa Đồng đã xây dựng hệ thống thủy lợi thuận lợi cho tưới tiêu, nhiều vùng sản xuất cây chuyên canh, vùng chăn nuôi được hình thành. Nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi, sản xuất. Toàn xã hiện có 32 trang trại, gia trại cho thu nhập ổn định. Trong đó có những trang trại cho thu nhập trên dưới 2 tỷ đồng/năm.
Trang trại bò sữa bạc tỉ trên đất Nghĩa Đồng
Điểm ấn tượng nhất, ngoài việc xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ, hiện đại, trong xây dựng NTM tại Nghĩa Đồng là vẫn giữ được những nét đặc sắc của vùng quê này. Dù coi việc bê tông hóa, cứng hóa hạ tầng giao thông, hiện đại hóa các cơ quan, trường học, nâng cao thu nhập… nhưng quan điểm của xã là không vì chạy theo các tiêu chí NTM mà xóa bỏ cảnh quan tự nhiên vốn có.
"Bằng chứng là, ngoài ngân sách UBND huyện Tân Kỳ hỗ trợ, hiện nay Nghĩa Đồng đã trích ngân sách xã trồng được trên 600 cây xanh dọc các tuyến đường, chủ yếu là sáo đen, xà cừ... Vì vậy, đến Nghĩa Đồng không chỉ cảm nhận được sức sống mới trên vùng đất này mà luôn cảm thấy gần gũi với thiên nhiên. Ngoài ra, một số ngành nghề truyền thống tiếp tục được phát huy như trồng dâu nuôi tằm, trồng mía năng suất cao… Tất cả đã tạo nên diện mạo mới của một xã NTM nhưng vẫn lưu giữ được những cảnh quan vốn có của một miền quê "– ông Võ Duy Hiển, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đồng phấn khởi.
Về khoản nợ đọng sau khi xây dựng NTM, ông Hiển cho biết thêm, hiện địa phương đã quy hoạch được 200 lô đất. Riêng trong năm 2017 sẽ đấu giá 35 lô đất ở. Nếu mỗi lô chỉ cần thu về 200 triệu đồng và địa phương được giữ lại 70% giá trị theo tinh thần Nghị quyết HĐND huyện Tân Kỳ thì món nợ không còn đáng lo. Bên cạnh đó, các khoản đóng góp, nguồn huy động sau khi về đích NTM hiện nay vẫn được người dân hưởng ứng và dự tính hoàn thành đóng góp vào năm 2017. |