
Ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tiến Thuận, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ (ảnh giữa) cùng cán bộ Agribank bên cánh đồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Trồng lúa giảm phát thải cho lợi nhuận 2-2,5 triệu đồng/công
TP Cần Thơ là một trong những địa phương tại ĐBSCL được Bộ Nông nghiệp và Môi trường và Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IR) lựa chọn, hỗ trợ xây dựng mô hình canh tác lúa bền vững, chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chí của đề án 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm phát thải thấp. Ðây là mô hình điểm để TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ÐBSCL cùng trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm và cùng nhau tìm ra những giải pháp hiệu quả trong quá trình triển khai đề án trong thời gian tới.
Đề án bắt đầu được triển khai từ vụ hè thu 2024 tại HTX Nông nghiệp Tiến Thuận, ấp H2, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ với quy mô sản xuất 50ha, 18 hộ tham gia.
Ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tiến Thuận cho biết: Tham gia trồng lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải thấp, chỉ sử dụng lượng giống 60kg/ha (giảm 50% so với sản xuất truyền thống trước đây), áp dụng máy sạ hàng và có kết hợp bón vùi phân trước khi xuống giống, áp dụng quản lý nước ngập, khô xen kẽ, áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng máy gặt đập liên hợp để thu hoạch lúa và thu gom rơm rạ khỏi đồng ruộng. Tức là không còn tình trạng đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng ảnh hưởng ô nhiễm môi trường và làm đất nhanh bạc màu, kém dinh dưỡng. Thay vào đó nông dân sau khi thu hoạch rơm, mang rơm tái sử dụng cho việc chất nấm rơm nhằm gia tăng thu nhập cho gia đình. Sau đó tận dụng rơm đó, tái chế thành phân hữu cơ bón lại cho cây trồng.
Năng suất lúa trong mô hình ở vụ hè thu 2024 đạt từ 6,13-6,51 tấn/ha trong khi ruộng đối chứng năng suất 5,89 tấn/ha, mô hình thí điểm cho năng suất cao hơn từ 0,24-0,6 tấn/ha. Hiệu quả kinh tế, do giảm chi phí đầu tư trong khi năng suất tăng nên nông dân tham gia mô hình tăng lợi nhuận từ 1,3-6,2 triệu đồng/ha.

Ở vụ hè thu 2024 tại HTX Nông nghiệp Tiến Thuận, ấp H2, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ với quy mô sản xuất 50ha, 18 hộ tham gia. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Về phát thải khí nhà kính, áp dụng quy trình canh tác của đề án 1 triệu hecta, di chuyển rơm ra khỏi đồng ruộng cho kết quả lượng phát thải là 2 tấn CO2/ha. Trong khi đó, đối với nông dân sản xuất theo phương pháp ngập liên tục kết hợp đốt rơm, thì phát thải khoảng 5 tấn CO2/ha.
Tính đến thời điểm này HTX đã được 3 vụ canh tác lúa giảm phát thải, riêng trong vụ lúa đông xuân 2024-2025, HTX Nông nghiệp Tiến Thuận đã tiếp tục tham gia vào Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao với kỳ vọng mang lại lợi nhuận bền vững cho nông dân. Ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc HTX, cho biết: Việc tham gia đề án giúp HTX tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác, nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng hạt gạo. Nhờ đó, nông dân có thể giảm chi phí sản xuất, tối ưu hóa lợi nhuận trên từng hecta đất canh tác.
Theo ông Khải, với phương pháp canh tác khoa học và áp dụng các kỹ thuật mới như gieo sạ thưa, bón phân hữu cơ vi sinh và quản lý nước hợp lý, năng suất lúa có thể đạt từ 7 - 8 tấn/ha, giúp tăng thu nhập cho thành viên HTX. Ông cũng nhấn mạnh rằng giá thành sản xuất hiện dao động từ 3.800 - 4.000 đồng/kg lúa, trong khi giá bán đạt khoảng 5.700 -6.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận của nông dân có thể đạt từ 2 - 2,5 triệu đồng/công (công 1.300m2), đảm bảo đời sống ổn định cho bà con tham gia mô hình.

Ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tiến Thuận bên cánh đồng sản xuất lúa theo Đề án 1 triệu ha chất lượng cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Được tiếp cận nguồn vốn lãi suất hợp lý
Một trong những yếu tố then chốt giúp HTX triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao là sự đồng hành từ Ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Vĩnh Thạnh. Ông Khải cho biết, HTX đã được tiếp cận các gói vay ưu đãi từ Agribank với tổng số vốn hơn 2 tỷ đồng. Riêng cá nhân ông cũng đã vay 450 triệu đồng để đầu tư vào máy móc phục vụ sản xuất như máy cấy lúa, máy bón phân hữu cơ, giúp giảm sức lao động và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Theo ông Khải, Agribank không chỉ cung cấp vốn mà còn tạo điều kiện thuận lợi để HTX có thể mở rộng sản xuất. Ngân hàng đã triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi dành riêng cho HTX nông nghiệp, giúp giảm áp lực tài chính và đảm bảo đầu vào ổn định cho bà con nông dân. “Nhờ có nguồn vốn từ Agribank, chúng tôi mạnh dạn đầu tư vào mô hình sản xuất lúa an toàn, lúa chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường và mang lại thu nhập tốt hơn cho nông dân,” ông Khải chia sẻ.

Cán bộ Agribank trao đổi với ông Võ Thành Phước, phụ trách quản lý Công ty TNHH MTV Chế biến lương thực Võ Ngọc Trân, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ là đơn vị bao tiêu lúa gạo cho nông dân và HTX sản xuất lúa gạo. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Ngoài ra, HTX cũng đang hướng tới việc mở rộng mô hình liên kết tiêu thụ lúa gạo với các doanh nghiệp xuất khẩu, nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho bà con nông dân. Với sự hỗ trợ từ Agribank và sự đồng hành của các đơn vị thu mua, HTX kỳ vọng sẽ góp phần thực hiện thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, nâng cao vị thế ngành lúa gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Về góc độ doanh nghiệp, bao tiêu và thu mua lúa gạo, ông Võ Thành Phước, phụ trách quản lý Công ty TNHH MTV Chế biến lương thực Võ Ngọc Trân, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ cho biết: doanh nghiệp đang đẩy mạnh thu mua lúa gạo phát thải thấp nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu, mở rộng thị trường và tăng lợi nhuận cho nông dân.
Hiện nay, mô hình canh tác phát thải thấp của bà con nông dân canh tác đã mang lại nhiều lợi ích rõ rệt, giúp giảm chi phí sản xuất, hạn chế sử dụng phân thuốc, đồng thời nâng cao chất lượng hạt gạo, đáp ứng các tiêu chuẩn của những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Nhờ đó, giá thu mua lúa từ mô hình này cũng cao hơn so với phương thức canh tác truyền thống. Cụ thể, doanh nghiệp thu mua lúa Đài Thơm 8 với giá 7.800 đồng/kg, ĐS1 từ 8.000 - 8.700 đồng/kg, cao hơn khoảng 500 đồng/kg so với lúa sản xuất thông thường.
Hiện tại, công ty đã ký hợp đồng thu mua với nông dân chủ yếu ở tỉnh Kiên Giang, dự kiến sản lượng vụ đông xuân 2024-2025 đạt khoảng 30.000 tấn. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về nguồn cung và mong muốn mở rộng thu mua để hỗ trợ thêm nhiều nông dân tiếp cận mô hình canh tác bền vững này. Hiện vai trò của ngân hàng, đặc biệt là Agribank, rất quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để mở rộng kho bãi, đầu tư thiết bị chế biến và đảm bảo dòng tiền cho thu mua tạm trữ. Nếu được tiếp cận thêm nguồn vốn với lãi suất hợp lý, công ty sẽ có điều kiện thu mua lúa gạo nhiều hơn, giúp nông dân yên tâm sản xuất, gia tăng thu nhập và phát triển nền nông nghiệp bền vững ở ĐBSCL.
Ông Lương Tấn Phát, Phó giám đốc phụ trách Agribank chi nhánh huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ cho biết: Agribank là ngân hàng chủ lực triển khai gói tín dụng cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL, sau khi Thủ tướng phê duyệt Đề án 1 triệu ha lúa, vào tháng 11/2023, Agribank đã ký kết hợp tác với Bộ NN-MT để làm đầu mối triển khai chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL theo Quyết định 1490. Agribank thực hiện cho vay phục vụ nhu cầu vốn ngắn, trung, dài hạn của tất cả các khâu (sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ) trong liên kết lúa gạo để phục vụ Đề án 1 triệu hécta lúa.
Mức cho vay với lãi suất thấp hơn tối thiểu 1,0%/năm so với lãi suất cho vay của kỳ hạn tương đương đang áp dụng đối với khách hàng cùng kỳ hạn theo đối tượng khách hàng/xếp hạng tín dụng …của Agribank trong từng thời kỳ.
Vì Agribank khẳng định sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư cả ngắn hạn và trung, dài hạn, tập trung ưu tiên cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và HTX có nguồn lực phát triển bền vững cho đề án này.
Hiện nay, Agribank chi nhánh Cần Thơ II đã triển khai đến 3 chi nhánh loại II như: chi nhánh huyện Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Cờ Đỏ… nhằm hỗ trợ các hộ dân, HTX và doanh nghiệp tham gia Đề án về chính sách, quy trình thủ tục, đồng thời nắm bắt nhu cầu vay vốn để tổng hợp xây dựng chính sách sản phẩm tín dụng phù hợp nhất cho bà con triển khai Đề án.

Agribank là người đồng hành với doanh nghiệp hỗ trợ vốn để dthu mua lúa gạo cho nông dân và HTX. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Riêng tại chi nhánh huyện Vĩnh Thạnh có 2 HTX tham gia Đề án và có quan hệ tín dụng cho HTX Khiết Tâm (27 thành viên, diện tích cho vay 15 ha, số tiền phê duyệt giải ngân là 8.550 triệu đồng, dư nợ đến 28/2/2025 là 6.450 triệu đồng), HTX Nông nghiệp Tiến Thuận (12 thành viên, diện tích cho vay 10ha, số tiền phê duyệt giải ngân là 6.170 triệu đồng, dư nợ đến 28/2/2025 là 6.170 triệu đồng),
Tính đến thời điểm này Agribank đã triển khai trên toàn hệ thống các chương trình, chính sách và các đối tượng khách hàng đủ điều kiện sẽ được áp dụng nguồn vốn tín dụng của Agribank. Đặc biệt tại chi nhánh Vĩnh Thạnh trong thời gian qua chưa phát sinh dư nợ cho vay theo chuỗi.
Còn trong thời gian tới Agribank sẽ chủ động tiếp cận khách hàng, triển khai tốt cơ chế quản lý vốn hiệu quả, phát triển cho vay theo chuỗi liên kết, nhất là liên kết chuỗi lúa gạo và trái cây chủ lực tại địa phương. Từ đó góp phần tạo nên các sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng, có giá trị hàng hóa cao, đáp ứng các tiêu chí khắt khe. Ngoài ra còn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu, đóng góp phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Bà Trần Thị Kim Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ cho biết, để thực hiện Đề án phát triển bền vững một triệu hecta lúa phát thải thấp trên địa bàn TP Cần Thơ, dự kiến đến năm 2025 sẽ xây dựng được vùng sản xuất lúa chuyên canh chất lượng cao quy mô 38.000 ha. Đến giai đoạn 2025-2030 đạt 48.000 ha. Địa bàn triển khai dự án tại 3 huyện trọng điểm trồng lúa Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai, với số xã tham gia dự án 25 xã và hỗ trợ phát triển 38 HTX, Tổ hợp tác.