| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 26/01/2015 , 06:20 (GMT+7)

06:20 - 26/01/2015

Lại chuyện thầy và trò

Những ngày này, dư luận lại được một phen xôn xao trước chuyện thầy và trò. 

Chuyện thứ nhất: Trong giờ học môn Vật lý, cô giáo Lê Thị Hiền chỉ định học sinh Nguyễn Ngọc Huyền (lớp 11A trường PTTH Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) đứng dậy đọc bài trước lớp.

Nhưng không những không đứng dậy, học sinh này còn buông những lời lẽ xúc phạm đến cô giáo. Thấy vậy, cô giáo Lê Thị Hiền đã ghi tên Nguyễn Ngọc Huyền vào sổ đầu bài của lớp để cảnh cáo. Lập tức, học sinh này đã lên bục giảng, túm tóc cô giáo đánh, trước sự chứng kiến của cả lớp.

Chuyện thứ hai, tại trường PTTH dân lập Phạm Ngũ Lão thuộc quận Gò Vấp (TP.HCM), cô giáo Lê Thị Thanh Nguyệt, hiệu trưởng của trường, đã ký quyết định đình chỉ học của một học sinh, vì lý do em bỏ diễn văn nghệ trong buổi lễ sơ kết học kỳ I của trường, và tuyên bố: “Ngày nào học sinh chưa nhận lỗi thì còn bị đình chỉ học tập. Nhận lỗi rồi thì sẽ được tiếp tục đến trường”.

Hai câu chuyện đó phản ánh điều gì?

Chuyện thứ nhất là trò chẳng ra trò. 11 năm “mài đũng quần” trên ghế nhà trường, không hiểu cô học trò Nguyễn Ngọc Huyền kia đã học được những gì, để có những hành xử không ai chấp nhận được như vậy? khi mà khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” đã nhan nhản trên các nhà trường từ nhiều chục năm nay.

Khi mà người ta đã phải đề cao “lễ” lên làm đầu, thì chứng tỏ “lễ” đã xuống cấp trầm trọng trong xã hội. Hiện tượng một học sinh ngang nhiên túm tóc, đánh cô giáo ngay trong lớp, trong giờ học bài, chứng tỏ việc giáo dục “lễ” cho học trò đã thất bại.

Chuyện thứ hai là thầy chẳng ra thầy. Học trò đến lớp có mục đích là học kiến thức. Chuyện văn nghệ là chuyện “ngoài lề” chứ không phải mục đích chính. Học trò có điều kiện thì tham gia, không có thì thôi.

Việc bà hiệu trưởng đình chỉ học tập của một học sinh chỉ vì em bỏ buổi biểu diễn văn nghệ của học kỳ, rõ ràng là sai trái. Vì bà đã lẫn lộn nhiệm vụ chính với nhiệm vụ phụ của học sinh. Và nếu vụ việc không được thông tin trên mạng, Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM không vào cuộc kịp thời, thì em học trò tội nghiệp kia chắc chắn còn phải nghỉ học dài dài.

Còn chuyện thứ nhất, ban Giám hiệu trường PTTH Đồng Hới đã tiến hành kỷ luật học sinh Nguyễn Ngọc Huyền bằng hình thức cảnh cáo trước toàn trường, buộc nghỉ học một tháng, vì đã có hành vi và lời lẽ xúc phạm tới nhân phẩm, danh dự của giáo viên.

Nhưng cảnh cáo trước toàn trường thì được. Còn buộc nghỉ học một tháng thì sao? Cô học sinh Nguyễn Ngọc Huyền kia chắc chắn không phải là trò giỏi. Bởi một trò giỏi thì không có những hành vi và lời lẽ như vậy. Đã không phải là trò giỏi, mà lại bị buộc phải nghỉ học 1 tháng, thì chất lượng học tập của cô học trò này sẽ càng sa sút.

Chẳng lẽ hai nhà trường trên, ngoài biện pháp bắt học trò nghỉ học ra, không còn tìm ra được biện pháp nào khác để giáo dục học trò của mình?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm