| Hotline: 0983.970.780

Thứ Sáu 19/05/2017 , 07:01 (GMT+7)

07:01 - 19/05/2017

Lệ 'bôi trơn' và chuyện 'Con chuột sa chĩnh gạo thì nó ăn'

Lệ “bôi trơn” và chuyện “Con chuột sa chĩnh gạo thì nó ăn” Không quan trọng là 30% công chức “cắp ô” hay 50% công chức chỉ nói ngồi “bói chữ”,...

Nhưng cứ có chế tài thưởng, phạt phân minh, ắt rằng, cái “ghế” công chức chẳng còn là chỗ ngồi béo bở mà nhiều người nhắm đến hưởng lợi.


 

Hiện tại, số lượng công chức, viên chức Nhà nước ước chừng gần 3 triệu người (trong tổng số khoảng 11 triệu người hưởng lương Nhà nước). Mặc dù hàng năm, lộ trình tăng lương vẫn đều đặn song cứ tính hệ số nhân với lương cơ bản, với dăm bảy triệu đồng, nếu một gia đình có hai vợ chồng làm công chức Nhà nước đơn thuần thì rất khó khăn để trang trải cho một cuộc sống eo hẹp ở thành phố.

Với một số ngành nghề có điều kiện làm thêm, thì những người làm công ăn lương sẽ có thể “chạy sô” thêm công việc ngoài, nhưng không phải ngành nào cũng dễ dàng như vậy. Áp lực cuộc sống sẽ không khỏi khiến một số công chức dần tìm đủ mọi cách để kiếm thêm thu nhập, bất kể chân chính hoặc không.

Cho nên, trong một thời gian dài, người dân, doanh nghiệp (DN) dần quen phải phong bì, phong bao “bồi dưỡng” cho cán bộ, công chức Nhà nước khi cần giải quyết việc công, từ môi trường trường học, bệnh viện cho đến cơ quan hải quan, cơ quan thuế, cơ quan cấp giấy phép đầu tư, thẩm định…

Cách đây không lâu, dư luận xôn xao chuyện vụ cán bộ thuế ở Hà Tĩnh “ra giá” với DN hay vụ việc Sở Giao thông vận tải Hà Nội điều chuyển một cán bộ bắt DN phải đi lại 6 lần trong 1 tháng mới được cấp phù hiệu xe.

Thực tế đó cũng đã được phản ánh khá đậm nét tại Hội nghị Thủ tướng với DN vừa diễn ra. Con số thống kê cung cấp tại hội nghị cho thấy, DN làm ra được 100 đồng thì phải chi tới hơn 10 đồng cho “bôi trơn”, “lo lót”. Bức xúc, nhưng bản thân các DN cũng đã chỉ ra một căn nguyên xuất phát từ chính sách lương cho công chức Nhà nước nói chung và công chức cấp cơ sở nói riêng.

Thật khó để kết luận: Cơ chế làm nên con người, hay con người làm nên cơ chế? Song, trong bối cảnh cứ nghĩ đến công chức, thủ tục hành chính là nghĩ ngay đến tiêu cực như hiện nay, thì không thể chỉ bình chân mà ngồi phân tích xem nên làm việc nào trước, việc nào sau, rằng nên cải cách tiền lương trước hay nên chỉnh đốn đạo đức, tư cách của người làm công ăn lương Nhà nước trước!

Ông Lê Mạnh Hà – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ từng nói rất đúng rằng: “Con chuột sa chĩnh gạo thì nó ăn”. Một khi vẫn còn những lỗ hổng trong cơ chế, tạo điều kiện cho cán bộ tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp để mặc cả, ra giá, hay vẫn còn những quy định luật pháp ban hành mà ai muốn hiểu thế nào thì hiểu… sẽ không thể tránh được người dân vẫn cứ bị “hành là chính” khi làm thủ tục, hồ sơ.

Có câu “gieo hành vi thì gặt thói quen”, nên cứ có một vài lần vòi vĩnh hoặc một vài lần được đối tác “dấm dúi” đưa tiền để đẩy nhanh tiến độ thì dần điều đó trở thành cái lệ, không có “bôi trơn” thì không xong việc. Nên tuy rằng ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch DN nhỏ và vừa không sai khi động viên các DN đừng nối giáo cho giặc bằng cách hối lộ, đi lên bằng quan hệ thân hữu, ông Mai Tiến Dũng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói “để cán bộ hư, cán bộ hỏng, DN cũng có lỗi” – song, đã sống trong một xã hội thượng tôn pháp luật thì quốc phải có quốc pháp, gia phải có gia quy. Bất kể cán bộ to, nhỏ nào tham nhũng dù là 1 đồng của dân cũng cần phải bị xem xét, kỷ luật.

Rất mừng là hiện nay Chính phủ đang soạn thảo một Chỉ thị để chỉnh đốn tác phong công chức, đi kèm với đó là chế tài xử phạt rõ ràng, từ kỷ luật, điều chuyển cho đến sa thải… Điều này khiến chúng ta hy vọng, sẽ loại bỏ được sự vô cảm ra khỏi bộ máy Nhà nước.

Không quan trọng là 30% công chức “cắp ô” hay 50% công chức chỉ nói ngồi “bói chữ”, nhưng cứ có chế tài thưởng, phạt phân minh, ắt rằng, cái “ghế” công chức chẳng còn là chỗ ngồi béo bở mà nhiều người nhắm đến hưởng lợi. Lúc đó, tự thân bộ máy biên chế sẽ bớt cồng kềnh và những công chức “chân chính” sẽ được hưởng một mức lương xứng đáng!

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm