Từ xưa, trên những trảng cát mênh mông của làng quê ven biển Vinh An, Vinh Mỹ (TT- Huế), nghề lái xe trâu đã rất thịnh hành. Qua thời gian, dù có đường bê tông, xe cơ giới, người dân vùng biển vẫn không rời được chiếc xe trâu, bởi nó không chỉ là phương tiện thuận lợi cho vận chuyển, SX nông nghiệp mà còn là một nghề hái ra tiền…
Rong ruổi trên miền cát
Những ngày giáp Tết cổ truyền, được ngồi rong ruổi theo chuyến xe trâu qua miền cát Vinh An (huyện Phú Vang), mới cảm được cái dư vị của thời gian, của những tháng ngày trong ký ức tuổi thơ một thuở. Ở những vùng cát ven biển, chỉ có xe trâu mới “trị” được khi vận chuyển nông sản, phân bón.
Ngồi trò chuyện cùng những lão nông tri điền như ông Trương Minh Đường (thôn Hà Úc, xã Vinh An), mới thấy được xe trâu một thời là phương tiện cứu cánh cho nông dân vùng cát. Ông kể, nghề lái xe trâu thịnh nhất là khoảng thời gian những năm 80 - 90 của thế kỷ trước. Trong xã có đến 300 chiếc, giải quyết hàng trăm lao động ở địa phương.
Thời gian trôi, ánh sáng đô thị về làng, những con đường bê tông được xây dựng, xe cơ giới thịnh hành, nghề lái xe trâu một phần bị lùi vào quá vãng, chỉ một bộ phận nhỏ người dân còn bám đuổi với nghề do có nhu cầu chở cát xây dựng, vận chuyển nông sản, phân bón qua những vùng cát. Hiện tại, toàn xã chỉ còn lại khoảng 120 chiếc xe trâu, tập trung ở hai thôn Hà Úc và An Bằng, chuyên chở cát phục vụ các công trình xây dựng trong xã.
Xe trâu, phương tiện không thể thiếu với người dân vùng cát Vinh An, Vinh Mỹ
Con trâu vốn không mấy xa lạ với người dân vùng cát, nhưng để “phát kiến” thành một chiếc xe trâu như hiện nay, theo những lão nông tri điền ở Vinh An, Vinh Mỹ là do ông Phạm Đống (thôn Hà Úc), sau ngày giải phóng, ông Đống vào Nam, thấy nhiều nơi sử dụng phương tiện xe trâu chuyên chở trên vùng cát rất thuận lợi nên đã mang “sản phẩm” này về với quê hương ông.
Từ đó, cư dân những làng ven biển đã cải tiến phương tiện, sử dụng rộng rãi và đã trở thành một cái nghề hái ra tiền. Hồi những năm mới đổi mới, tậu con trâu đã khó, sắm thêm cặp lốp xe ô tô cũ càng khó hơn bởi “hàng” khan hiếm, có tiền chưa hẳn đã mua được.
Nghề lái xe trâu thịnh hành thì nghề cắt cỏ nuôi trâu cũng có thêm dăm bảy đường sống. Những vùng cỏ xanh tốt ven sông, ven phá được người dân cắt về bán cho chủ trâu với giá 1 tạ cỏ vài chục nghìn đồng.
Bình quân một hộ gia đình ở Vinh An, Vinh Mỹ có từ 1 - 2 chiếc xe trâu. Có gia đình cá biệt lên đến 3 chiếc. Vừa thong thả lái xe trâu chở cát trên đường làng, ông Phạm Xích (thôn 1) cho biết: “Bình quân mỗi ngày, người lái xe trâu cũng kiến được từ 200 - 300 nghìn đồng. Do hiện nay, nhu cầu xây dựng nhiều, ở những vùng cát lún ven biển chỉ có xe trâu mới ra tới được. Khi xe chở cát vào các ngõ ngách của thôn xóm cũng thuận lợi hơn nhiều so với xe cơ giới cồng kềnh.
Ông Hoàng Đình Xuân Thịnh- Phó Chủ tịch UBND xã Vinh An cho biết, hiện nghề lái xe trâu không còn phổ biến như xưa nhưng đây là phương tiện không thể thiếu với người dân vùng cát, không chỉ đỡ đần sức kéo mà còn thuận lợi trong việc vận chuyển. Trước nhu cầu xây dựng nhiều, xã cũng đã quy hoạch vùng khai thác cát giáp ranh hai xã Vinh A và Vinh Mỹ nhằm tránh tình trạng lấy cát xây dựng bừa bãi gây sụt lún, ảnh hưởng môi trường. |
Vào mùa vụ, không có xe trâu thì không thể đưa phân bón ra đồng cát được. Vì thế, ở vùng biển này, làm ăn kinh tế phải “lụy” chiếc xe trâu và cũng nhờ phương tiện này, bà con vùng biển khấm khá lên, nuôi con ăn học đầy đủ. Như các ông Trương Minh Đường, Nguyễn Thịnh (thôn Hà Úc), nhờ mấy chục năm trong nghề lái xe trâu mà xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi 5 đứa con ăn học đến nơi đến chốn”.
Chia sẻ về “kỹ nghệ” lái xe trâu, ông Xích cho biết, cũng không biết từ khi nào khẩu lệnh “tắc - hò - rì” (đứng lại - tiến lên - đi chậm) trở thành một phản xạ có điều kiện để điều khiển xe trâu. Có lẽ, qua thời gian đã hình thành trong lớp “ký ức” của loài vật.
Nhờ nghề lái xe trâu, người dân vùng cát có thu nhập khá, nuôi con ăn học
Lái xe trâu ngoài kinh nghiệm cũng không cần giấy tờ gì nên chỉ đơn giản nhớ “khẩu lệnh” là được. Bởi thế, ở làng cát này, không chỉ đàn ông, trai tráng mà cả những phụ nữ, trẻ nhỏ cũng túc tắc trên chiếc xe trâu khi mùa vụ đến.
“Kỹ nghệ” chọn và cúng trâu ngày Tết
Ông Huỳnh Mãn (thôn 4, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc), một nông dân làm nghề lái xe trâu lâu năm chia sẻ: Với người dân vùng cát, “kỹ nghệ” chọn trâu làm sức kéo là một khâu quan trọng bởi nó là cả cơ nghiệp của gia đình, trâu đi trên cát nên điều kiện đầu tiên là phải chọn trâu khỏe.
Theo kinh nghiệm dân gian, trâu chọn phải là trâu đực, ăn khỏe, có vóc dáng thấp, chân, sừng mập, cổ to và màu long bạc. Nhiều con trâu khôn, có thể tự lấy sừng hất gọng kéo lên cổ khi kéo và bỏ gọng xuống khi xong công việc, không cần gia chủ phải trợ giúp.
Để có những đặc điểm trên, trâu kéo phải tìm mua ở tỉnh Tây Nguyên, trâu khan hiếm nên giá cũng lên vùn vụt. Trâu ở vùng này thường có thân hình vạm vỡ, có sức khỏe dẻo dai, có thể chịu được nắng nóng khi làm việc trên trảng cát.
Khi mua trâu về, do chưa quen nên gia chủ phải bỏ công huấn luyện trâu mới kéo xe được. “Dây cương” cho trâu kéo được tạo bằng cách đóng hai cái cọc, cho sừng trâu vào, kẹp cứng rồi dùng sợi thép xuyên qua mũi trâu. Khi nào vết thương lành thì mới dùng “dây cương” điều khiển trâu được.
Trâu kéo được chọn là trâu khỏe, có long bạc, cổ to
Xe trâu vùng cát có đặc điểm phải trang bị thêm cho trâu đôi “vó” bằng cao su để có thể đi lại trên đường cát, bê tông, giúp trâu kéo khỏe, không bị đau móng. Theo giá hiện nay, để tậu “trọn bộ” một chiếc xe cùng trâu kéo cũng không dưới 40 triệu đồng.
Tục cúng trâu ngày Tết có lẽ chỉ có ở vùng cát ven biển Vinh An, Vinh Mỹ bởi con trâu không chỉ là niềm cứu cánh mưu sinh mà còn là gia sản cả một đời với thôn dân làng cát. Bên chén trà cuối năm, ông Mãn chậm rãi kể cho chúng tôi nghe các “công đoạn” sửa soạn một buổi lễ cúng trâu ngày Tết.
Thường từ ngày 25 (ÂL) trở đi, sau khi gác xong công việc đồng áng, trâu xe được gia chủ “tắm bữa tất niên” rửa sạch những bụi bẩn, mệt nhọc sau một năm lao động cật lực. Trâu được đem ra các giếng làng, gia chủ bắt nó nằm xuống, dùng vỏ dừa cọ xát trên lưng, đầu, sừng trâu. Sau khi tắm rửa, trâu được cắt những bó cỏ non về “chiêu đãi” một bữa no nê trước Tết.
Sáng mồng một, trâu xe được gia chủ dậy sớm sắm hai mâm cổ đầy đủ, thịnh soạn: Một mâm đặt trước hiên nhà cúng các thần linh, phù hộ cho trâu được khỏe mạnh, kéo cày tốt; một mâm được đặt trước cửa chuồng để cúng “thần chuồng”.
Trên mâm cỗ này có tranh thờ con trâu ở làng Sình và một ít giấy bạc. Cúng lễ xong, tranh thờ con trâu được mang treo đầu chuồng suốt trong những ngày Tết, giấy bạc được đặt lên sừng trâu.
Xong xuôi các công đoạn, chủ nhà lấy xôi hoặc miếng bánh chưng, gói vào trong lớp cỏ non vừa cắt cho trâu “ăn tết”. Tục cúng trâu ngày Tết tùy điều kiện mỗi gia đình mà mâm cỗ thịnh soạn khác nhau, nhưng đã từ lâu, lễ cúng vẫn được người dân duy trì, bởi bà con tin rằng, lễ cúng trâu ngày Tết không chỉ cầu mong sự khỏe mạnh, cày kéo tốt ở con trâu mà còn như một sự tri ân đối với “đầu cơ nghiệp” sau một năm lao động vất vả.
Anh Phan Như Ý- Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Mỹ cho hay, lễ cúng trâu ngày Tết có từ khi hình thành nghề lái xe trâu đến nay. Qua bao năm, tục lệ trên vẫn được duy trì đều đặn, mang tính chất từng hộ gia đình và nó đã trở thành một nét văn hóa truyền thống riêng có ở vùng này.