| Hotline: 0983.970.780

Tương lai nuôi biển bền vững của Việt Nam và Na Uy

Thứ Năm 02/01/2025 , 07:14 (GMT+7)

Quy hoạch không gian biển, tăng cường năng lực dự báo, cung cấp bảo hiểm biển là các lĩnh vực trọng tâm trong hợp tác nuôi trồng thủy sản giữa Việt Nam - Na Uy.

Hơn bốn thập kỷ hợp tác chặt chẽ giữa Na Uy và Việt Nam trong lĩnh vực thủy sản đã đặt nền tảng cho sự phát triển nuôi trồng ngoài khơi. Lĩnh vực này ngày càng cho thấy hiệu quả không chỉ về môi trường - vì nền kinh tế xanh dương phụ thuộc vào vùng biển khỏe mạnh, mà còn có năng suất cao. Đều sở hữu đường bờ biển dài, Việt Nam và Na Uy là hai quốc gia có lợi thế trong xuất khẩu thủy sản với những cam kết mạnh mẽ về hợp tác nuôi biển song phương. 

Báo Nông nghiệp Việt Nam trân trọng điểm lại những dấu mốc về hợp tác nuôi biển bền vững giữa Việt Nam và Na Uy.

Cơ hội cho nền kinh tế xanh dương

Là quốc gia có nguồn tài nguyên biển phong phú, các ngành công nghiệp làm giàu từ đại dương là thế mạnh cốt lõi của Na Uy. Nói cách khác, nuôi trồng thủy sản từ bao đời nay đã gắn với dòng chảy kinh tế, lịch sử, xã hội của các cộng đồng sinh sống ven biển của quốc gia Bắc Âu. Đối với nuôi biển, nước này ưu tiên các giải pháp dựa trên khoa học.

Với kinh nghiệm và truyền thống nghề cá lâu đời, Na Uy đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Việt Nam hình thành ý tưởng về nuôi biển, góp phần ra đời Quyết định 1664/QĐ-TTg năm 2023 chủ trương phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển Đông. Quyết định này nhằm mở rộng diện tích nuôi biển và tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2030, với tầm nhìn đến năm 2045. 

Hilde Solbakken - Đại sứ Na Uy tại Việt Nam - cho rằng, phát triển kinh tế biển bền vững cần bắt đầu từ hiểu biết toàn diện về các loại hình thời tiết. Khi đã có được dữ liệu khoa học về thủy văn, chúng ta dựa vào đó để quy hoạch vùng nuôi, đảm bảo các trang trại nuôi cá và tàu cá có thể chịu được các điều kiện gió và sóng đặc thù. Na Uy sẽ hỗ trợ thiết lập tiêu chuẩn về thiết kế, quy hoạch vùng, tăng cường khả năng chống chịu của trang trại nuôi cá trước tác động khí hậu. 

Nhìn lại Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển - Quảng Ninh tháng 4/2024, tiềm năng khai thác và phát triển kinh tế từ tài nguyên biển của Việt Nam còn rất lớn và là ưu tiên hàng đầu của nước ta. 

Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Hilde Solbakken chia sẻ kinh nghiệm nuôi biển tại Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh ngày 1/4. Ảnh: Tùng Đinh.

Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Hilde Solbakken chia sẻ kinh nghiệm nuôi biển tại Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh ngày 1/4. Ảnh: Tùng Đinh.

Đại sứ Na Uy đánh giá cao đề án của Việt Nam: “Chính sách của các bạn kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ hệ sinh thái, đa dạng sinh học, đồng thời tích hợp nguồn lực từ các ngành công nghiệp như dầu khí, đóng tàu và vận tải biển. Nhiều doanh nghiệp Na Uy bày tỏ sự hứng thú với ngành đóng tàu và chuỗi giá trị liên quan đến điện gió ngoài khơi tại Việt Nam”.

Không chỉ vậy, chính sách cởi mở của Việt Nam còn thu hút sự quan tâm của một số doanh nghiệp Na Uy, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất trang thiết bị phục vụ ngành thủy sản. Những điểm tương đồng trong lĩnh vực hàng hải và vận tải biển xanh sẽ mở ra cơ hội hợp tác mạnh mẽ giữa hai quốc gia. 

Giải pháp khoa học giúp giảm thiểu rủi ro thiên tai

Mối quan hệ hợp tác nhiều năm giữa Tổng cục Khí tượng thủy văn Việt Nam và Cơ quan Khí tượng Na Uy mang lại hiệu quả chia sẻ kiến thức quản lý hải văn. Những thập kỷ trước, dựa trên các mô hình phân tích dữ liệu về sóng biển, mực nước, hướng sóng và dòng chảy, hai bên đã đưa ra những dự báo chính xác về tác động của biến đổi khí hậu đối với các vùng ven biển, từ đó chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó phù hợp.

“Đối với ngành thủy sản Việt Nam, quy hoạch không gian biển và khả năng quy hoạch tổng thể toàn ngành là những lĩnh vực quan trọng mà Na Uy mong muốn hỗ trợ”, bà Hilde Solbakken chia sẻ. Đại sứ nhấn mạnh vai trò toàn diện của quy hoạch không gian biển đối với ngành thủy sản và đánh bắt cá. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thiên tai ngày một gia tăng, điều quan trọng là các lĩnh vực trong nền kinh tế xanh dương cần phối hợp hài hòa, chuẩn bị tốt cho các kịch bản rủi ro.

Nuôi biển Quảng Ninh thiệt hại nặng nề sau thiên tai. Ảnh: Nguyễn Thành. 

Nuôi biển Quảng Ninh thiệt hại nặng nề sau thiên tai. Ảnh: Nguyễn Thành. 

Na Uy đã và đang chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và thiết lập các tiêu chuẩn trang thiết bị nhằm hỗ trợ Việt Nam phát triển các trang trại nuôi cá trên biển quy mô lớn.

Sau thiệt hại nghiêm trọng từ cơn bão Yagi, vấn đề bảo hiểm cho ngư dân và các trang trại thủy sản quy mô nhỏ đã trở thành một trọng tâm cần chú ý. Đại sứ Hilde Solbakken nhấn mạnh: “Để chuẩn bị cho tương lai, khi mà các hệ quả của biến đổi khí hậu sẽ ngày càng rõ nét, việc hỗ trợ vay vốn nâng cấp cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn mới là hết sức cần thiết. Đây sẽ là bước đi quan trọng để đối mặt với những thách thức môi trường mà Việt Nam đang và sẽ phải đối diện.”

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản của Na Uy, bà Hilde Solbakken chỉ ra tác động của thời tiết cực đoan đến các vùng biển của đất nước mình. Nhiệt độ nước biển gia tăng những năm qua làm thay đổi môi trường sống của các loài cá, buộc chúng phải di chuyển đến những vùng nước lạnh hơn. 

Đại sứ phân tích: “Ngư dân của chúng tôi phải tìm kiếm nguồn cá ở các khu vực xa bờ hoặc các vùng biển khác trong nước, đối mặt với nhiều thách thức mới. Thêm vào đó, chỉ một sự gia tăng tốc độ gió ngoài khơi cũng có thể làm giảm đáng kể số ngày ngư dân có thể ra khơi trong năm”.

Để ứng phó với những biến đổi này, chính phủ Na Uy đặt trọng tâm vào việc cải thiện cơ sở dữ liệu và nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học biển. Nhiều nghiên cứu được tiến hành dựa trên các báo cáo của Ủy ban Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, sau đó được áp dụng và mô hình hóa riêng cho vùng biển Na Uy. Từ những dữ liệu thu thập được, các hệ thống dự báo thời tiết và khí hậu đã được điều chỉnh và nâng cấp, hỗ trợ ngư dân và các ngành nghề biển trong việc đối phó với những thay đổi môi trường.

Biển sạch, kinh tế bền vững

Na Uy và Việt Nam chia sẻ lợi ích chung trong việc bảo vệ đại dương và duy trì sự cân bằng của hệ sinh thái biển. Những hoạt động hợp tác giữa hai quốc gia, dù trực tiếp hay gián tiếp, đều hướng tới mục tiêu này. Theo Đại sứ Hilde Solbakken, nền tảng hợp tác song phương giữa hai nước là rất vững chắc, đặc biệt khi Việt Nam đã xác định nghề nuôi biển là một lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, yếu tố bền vững được xem như kim chỉ nam xuyên suốt quá trình phát triển.

Ngoài việc phát triển kinh tế, Việt Nam còn hợp tác mạnh mẽ với Na Uy trong các dự án về bảo vệ môi trường biển, thông qua các sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa. Các hoạt động cụ thể bao gồm nghiên cứu và triển khai chương trình hỗ trợ ngư dân thu gom nhựa đưa về cảng để xử lý, xây dựng cơ sở tái chế; kết nối người thu gom rác tự do với các đơn vị tái chế, tích hợp rác thải tái chế vào chuỗi giá trị kinh tế.

Na Uy cũng hợp tác với ngành công nghiệp xi măng tại Việt Nam, ứng dụng công nghệ tiên tiến để thay thế một phần hoặc toàn bộ lượng than bằng nhựa không thể tái chế và các loại rác thải có giá trị thấp, góp phần giảm khí thải nhà kính cũng như xử lý rác thải hiệu quả.

Xem thêm
Chưa thể làm chợ đấu giá thủy sản khi ngư dân còn phụ thuộc đầu nậu

‘Khi nào giải quyết được việc bà con đi khai thác trên biển chủ động được kinh phí, không phụ thuộc vào nậu vựa thì mới có thể làm chợ đấu giá được’.

Xuất khẩu thủy sản mừng 10 tỷ USD và nghĩ về tương lai

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 hân hoan về đích 10 tỷ USD, thị trường vươn tới 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một thành tựu đáng mừng, song vẫn còn nhiều trăn trở.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.