Đầu năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị thực hiện mô hình nuôi cá nâu thương phẩm tại thôn Nam Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh với tổng diện tích 1ha.
Ông Hoàng Đức Hiếu, một trong 2 hộ thực hiện mô hình cho biết, trước đây ao nuôi của ông chủ yếu nuôi tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên do môi trường nước ô nhiễm, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, nhiều vụ nuôi thất bát.
Thực hiện mô hình, ông Hiếu được Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị hỗ trợ kỹ thuật, giống và thức ăn. Trên diện tích 0,5ha, ông Hiếu cải tạo ao, xử lý nước như đối với nuôi tôm và thả 15.000 con giống cá nâu, kích cỡ từ 4 - 6cm/con. Thức ăn cho cá nâu là thức ăn công nghiệp dạng viên nổi có hàm lượng protein 40%. Cá được cho ăn 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều mát, khẩu phần tùy theo giai đoạn phát triển. Thức ăn được rải xuống ao nuôi ở nhiều điểm để tránh hiện tượng cá tranh giành thức ăn.
Qua 10 tháng nuôi, tỉ lệ sống ước đạt 90%, kích cỡ bình quân 4 - 5 con/kg, sản lượng đạt trên 2,5 tấn. Với giá bán khoảng 350.000 đồng/kg, trừ chi phí mô hình cho lãi ròng gần 400 triệu đồng.
Theo ông Hiếu, cá nâu dễ nuôi, ít dịch bệnh nhưng trong quá trình nuôi cần theo dõi diễn biến thời tiết để có phương án chăm sóc hiệu quả. Người nuôi cần đo các yếu tố môi trường như pH, độ mặn... để đảm bảo các thông số này nằm trong ngưỡng thích hợp. Ao nuôi có lớp đáy bùn rất phù hợp với cá nâu và cần duy trì mực nước trong ao trên 1,5m, sử dụng hệ thống quạt sục khí để đảm bảo ô xy hòa tan.
Để kiểm tra sự phát triển của cá, người nuôi cần định kỳ kiểm tra trọng lượng cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp, không để xảy ra tình trạng cho ăn dư thừa, vừa lãng phí vừa làm cho nước bị ô nhiễm, cá dễ bị bệnh...
“Cá nâu dễ tiêu thụ và bán được giá cao. Đây là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế bền vững trong các ao nuôi tôm thường xuyên bị dịch bệnh”, ông Hiếu phấn khởi.
Ông Phan Văn Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị cho hay, nuôi tôm những năm qua gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, rủi ro cao, dẫn đến một số diện tích ao nuôi bị bỏ hoang. Việc chuyển đổi đối tượng nuôi, nuôi luân canh, xen canh các loài cá mặn lợ có giá trị kinh tế cao sẽ giúp người nuôi hạn chế rủi ro. Quá trình thực hiện mô hình cho thấy cá nâu sinh trưởng và phát triển tốt ở những vùng nuôi tôm trước đây thường xẩy ra dịch bệnh.
Tuy nhiên, thời gian nuôi cá nâu kéo dài nên người dân cần nuôi ở những ao cao, không ảnh hưởng bởi nước triều dâng, lũ lụt. Cá nâu có thể nuôi chuyên canh hoặc nuôi xen ghép với các đối tượng tôm, cua, cá nước lợ mặn khác trong ao nhưng nuôi thâm canh thì lớn nhanh, hiệu quả kinh tế cao hơn.
“Trên cơ sở thành công của mô hình, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình kỹ thuật để nhân rộng ra các địa phương ven biển khác, đặc biệt là vùng nuôi tôm những năm qua bị dịch bệnh. Điều này sẽ giúp nông dân đa dạng đối tượng nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững”, ông Phan Văn Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị cho hay.