Thẳng thắn chỉ rõ những thách thức
Sáng 13/12, tại Hà Nội, Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch giảm khai thác, tăng cường quản lý tàu cá và thúc đẩy nuôi trồng thủy sản, tạo sinh kế cho ngư dân.
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Vũ Duyên Hải, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, ngành thủy sản Việt Nam rất đáng tự hào. Hiện nay thương mại thủy sản nước ta đứng thứ 3 trên thế giới, sản lượng khai thác đứng thứ 7, các sản phẩm thủy sản đã có mặt ở 170 thị trường, được nhiều thị trường trên thế giới ưa chuộng.
Ông Hải đánh giá, tiềm năng phát triển của ngành thủy sản nước ta rất tốt, có nhiều cơ hội để tăng tốc, nhưng bên cạnh đó cũng còn nhiều thách thức, tồn tại như: Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; thẻ vàng IUU đến nay vẫn chưa tháo gỡ được; sinh kế chậm được cải thiện, không bền vững; xung đột ngư trường; nguồn lợi thủy sản suy giảm; hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá yếu kém; sản xuất manh mún, tự phát…
Ông Hải thẳng thắn chỉ ra hàng loạt nguyên nhân dẫn đến những tồn tại này, đó là do mất cân đối giữa cường lực khai thác và khả năng nguồn lợi; hạ tầng nghề cá yếu kém, lạc hậu; đội tàu quy mô nhỏ, trình độ công nghệ khai thác lạc hậu; nhận thức và năng lực đổi mới, sáng tạo của ngư dân còn hạn chế; khai thác thiếu trách nhiệm, tận diệt; nguồn lực quản lý nhà nước ngành thủy sản tại địa phương hạn chế; thực thi pháp luật yếu kém; kiểm soát hoạt động khai thác chưa hiệu quả; liên kết chuỗi giá trị ngành hàng chưa chặt chẽ; công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa được quan tâm đúng mức…
4 nhiệm vụ quan trọng
Phó Cục trưởng Cục Thủy sản Vũ Duyên Hải cho biết, đến năm 2030, ngành thủy sản đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị 3 - 4%/năm; tổng sản lượng đạt 9,8 triệu tấn, tăng 1,5%/năm, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 7 triệu tấn, tăng 4,4%, sản lượng khai thác đạt 2,8 triệu tấn, giảm 3,5%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 14 - 16 tỷ USD.
Để đạt mục tiêu này, ngành thủy sản phải thực hiện 4 nhiệm vụ quan trọng, gồm: Giảm khai thác, tăng nuôi trồng, tăng bảo tồn biển và chuyển đổi sinh kế cho ngư dân.
“Cục Thủy sản mong muốn các địa phương sẽ đồng hành cùng với Cục để làm tốt 4 vấn đề này nhằm đưa ngành thủy sản có những chuyển biến tích cực hơn nữa trong giai đoạn sắp tới”, ông Hải nhấn mạnh.
Cụ thể, đối với mục tiêu giảm khai thác, phấn đấu đến năm 2030, cả nước chỉ còn khoảng 83.600 tàu cá.
Với vấn đề tăng cường nuôi trồng thủy sản trên biển, đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha, thể tích lồng nuôi 12 triệu m3, sản lượng nuôi biển đạt 1,45 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 - 2 tỷ USD.
Đối với mục tiêu tăng cường bảo tồn biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đến năm 2030, có 27 khu bảo tồn biển được thành lập và hoạt động hiệu quả, 59 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, 63 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn, 27 khu vực cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản, 119 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản nội đồng…
Đặc biệt, về chuyển đổi sinh kế cho cộng đồng ngư dân, mục tiêu là cắt giảm nghề lưới kéo và nghề lưới rê thu ngừ. Chuyển đổi nghề khai thác ven bờ sang nghề khác. Đào tạo, tập huấn cho ngư dân. Tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác xã, liên kết chuỗi...
“Hiện nay, nhiều mô hình chuyển đổi từ nghề khai thác xâm hại sang không xâm hại hay sang nghề khác đã rất thành công như: Nuôi ngao ở Hà Tĩnh; nuôi biển ở Quảng Bình, Phú Yên, Khánh Hòa, Kiên Giang; du lịch cộng đồng ở Quảng Bình, Quảng Ngãi… Thời gian tới sẽ tập trung xây dựng những mô hình điểm để nhân rộng nhằm giảm khai thác, nhưng vẫn đảm bảo sinh kế cho ngư dân”, ông Hải cho hay.
“Việc gì có ích cho người dân thì vẫn phải làm”
Tại Hội nghị, đại diện một số địa phương như: Kiên Giang, Bình Thuận... “hiến kế” để đạt 4 mục tiêu quan trọng, đó là, xây dựng các chính sách khuyến khích chuyển nghề và nhân rộng mô hình chuyển đổi sinh kế cho ngư dân khai thác thủy sản sang các sinh kế khác không tham gia trực tiếp vào hoạt động khai thác thủy sản.
Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ vùng nuôi đến thị trường tiêu thụ; tổ chức lại các hộ nuôi nhỏ lẻ, phân tán theo hình thức quản lý có sự tham gia của cộng đồng, trong đó chú trọng các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã; khuyến khích sự tham gia, tạo việc làm và thu nhập cho cộng đồng ngư dân khai thác thủy sản tại địa phương.
Xây dựng cơ chế cấm khai thác thủy sản và thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân trong thời gian cấm khai thác thủy sản...
TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) khuyến khích xây dựng mô hình hợp tác xã thủy sản để nuôi trồng, quản lý, bảo vệ và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản.
TS Hải đưa ra dẫn chứng một số mô hình hợp tác xã thủy sản đã thành công như: Hợp tác xã Thủy sản Rạng Đông, Bình Đại, Bến Tre nuôi trồng thủy sản biển 700 ha đất bãi bồi ven biển tại xã Thới Thuận do UBND tỉnh Bến Tre cho Hợp tác xã thuê. Đến năm 2024, sau 23 năm hoạt động, diện tích quản lý đạt 1.500 ha. Hiện Hợp tác xã có 3.183 hộ thành viên với 9.758 khẩu, doanh thu năm 2024 dự kiến đạt 65 tỷ đồng. Hay Hợp tác xã Thủy sản An Thủy, Ba Tri, Bến Tre với 4.719 hộ, diện tích 352 ha, doanh thu năm 2024 dự kiến đạt 56 tỷ đồng.
Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân nhấn mạnh, nhiều khu vực có tiềm năng để chuyển đổi nghề, nhưng hiện nay việc thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, gian nan, “song việc gì có ích cho người dân vẫn phải làm”.
"Mỗi địa phương có cách làm riêng nhưng cách nào nhàn nhất, hiệu quả nhất thì cần phải quan tâm. Mục tiêu cuối cùng là làm thế nào để người dân được hưởng lợi, không phải rời bỏ quê hương. Chỗ nào dễ triển khai, chúng ta thực hiện trước như cách làm của nông thôn mới, rồi từ đó nhân rộng ra. Làm thế nào để ngày càng nhiều người trẻ quay về địa phương, phát triển kinh tế ngay tại địa phương”, ông Luân nói thêm.
Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân nhấn mạnh: "Không có hạt nhân thì không thể nhân rộng được mô hình. Câu chuyện khai thác ven bờ nếu không tổ chức lại hợp lý thì vẫn lại là chuyện nguồn lợi thủy sản suy giảm, đời sống bà con sẽ khó khăn, nhiều người rời bỏ quê hương. Dù chọn hình thức nào, thì mục tiêu quan trọng nhất vẫn là tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người dân và bền vững với môi trường…".