| Hotline: 0983.970.780

Người nhạy cảm với cái mới, một nhân cách lớn

Thứ Sáu 15/07/2016 , 06:30 (GMT+7)

Cụ Nguyễn Ngọc Trìu như cây đại thụ đã nỗ lực góp phần che mưa chắn gió cho những hoàn cảnh không may.

Người nhạy cảm với cái mới

Những người không may đó trước hết phải kể đến đông đảo bà con nông dân một nắng hai sương, chịu đựng mọi rủi ro, mọi thiếu thốn để trước hết là sản xuất ra lúa gạo không những nuôi sống dân ở cả nước mà còn đóng góp vào an ninh lương thực cho thế giới bằng xuất khẩu gạo ở vị trí thứ hai sau Thái Lan, từ một nước phải nhập lương thực chống đói trước đổi mới. 

Một trong những minh chứng rõ nhất là việc thực hiện Khoán 10 trong nông nghiệp đi vào cuộc sống rất nhanh, có hiệu quả rất cao, một chủ trương chính sách sáng suốt đúc kết từ dân, do dân, vì dân; từ những mô hình trong thực tế sản xuất của nông dân tỉnh Vĩnh Phú do Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc khởi xướng và chỉ đạo.

Không chỉ đối với trường hợp ở phạm vi vĩ mô như trên, mà cả ở những trường hợp cá biệt mà cụ Trìu đã có những đóng góp ý kiến có hiệu quả, mặc dầu có thể ảnh hưởng đến vị trí của mình, như sự phân biệt Bắc Nam trong sử dụng cán bộ khoa học kỹ thuật.

Có trường hợp hi hữu là việc cụ đến thăm hỏi tù nhân hoạt động kinh doanh trong phạm vi chỉ đạo của cụ; cụ không có can thiệp gì trong quá trình xét xử của tòa án, trong đó có tử tù Lã Thị Kim Anh, nay đã được giảm án; có tù nhân đã mãn hạn tù, có người trắng án…

Ở cương vị là Bộ trưởng, cụ Nguyễn Ngọc Trìu phải vượt qua nhiều khó khăn về nhận thức và tổ chức thực hiện chính sách mới của Đảng trong sản xuất nông nghiệp, về cả những ý kiến trái chiều về Khoán 10, đến mức có cán bộ lãnh đạo địa phương đã nói có thể thì xây tường ngăn tỉnh mình với Hải Phòng nơi đang được chỉ đạo mô hình Khoán 10. Ở đây chúng tôi còn học được cụ Trìu khéo léo giữ được đoàn kết, giữ được tình bạn, tình đồng chí với những người được coi là thân thiết nhất trong kháng chiến chống xâm lược và trong sản xuất nông nghiệp, nhưng không tán thành Khoán 10.    

Cụ Nguyễn Ngọc Trìu mà chúng tôi biết từ khi cụ làm Chủ tịch, rồi làm Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, vào thập kỷ 60 của thế kỷ trước, là người sâu sát thực tế, coi trọng kinh nghiệm sản xuất nông dân, nhạy cảm với cái mới.

Rời bục giảng dạy ở Trường Đại học Nông Lâm Hà Nội, cùng với khoảng mươi anh chị em cán bộ khoa học kỹ thật còn trẻ cả, được GS Bùi Huy Đáp cử về năm nghiên cứu sản xuất lúa xuân ở Thái Bình 6 năm liền trong thập kỉ 60 của thế kỉ 20, tại HTX Tân Hưng Hòa, huyện Kiến Xương.

Hầu như tháng nào anh Trìu (khi đó anh cũng còn trẻ và anh muốn chúng tôi gọi vậy) cũng về với nông dân và chúng tôi một buổi đẫy, anh cùng chúng tôi đi thăm cánh đồng này, cánh đồng khác; hỏi chúng tôi những việc đã làm, những việc sẽ làm, trao đổi với chúng tôi những kinh nghiệm của tỉnh Thái Bình, và những điều về khoa học và công nghệ tỉnh đang cần.

Chính nhờ sự chân tình cởi mở của Chủ tịch Trìu, và của Bí thư Ngô Duy Đông (hàng tuần về thăm hợp tác xã và chúng tôi với thời gian ngắn hơn), chúng tôi như có thêm nguồn năng lượng hết lòng làm việc, cụ thể hóa những ý tưởng, những ý muốn của GS Đáp và các anh lãnh đạo tỉnh bằng việc làm trên đồng ruộng, như cánh đồng lúa 5 tấn bằng giống địa phương khi đó chỉ đạt 2 - 3 tấn trong sản xuất đại trà, rồi cánh đồng 10 tấn với giống mới xuất hiện; rồi mô hình 100 ha diện tích của HTX làm lúa xuân và nhiều mô hình kỹ thuật như làm mạ xuân, làm đất phơi ải nuôi thả bèo hoa dâu, gieo thẳng lúa xuân; luân canh “Lúa xuân - lúa mùa sớm-  khoai tây hay khoai lang, bèo hoa dâu; điền thanh mô xen canh lúa nước...”. 

Những mô hình này là cơ sở thực tế để Viện Khoa học Nông nghiệp; để tỉnh Thái Bình; Tòa soạn báo Nhân dân… tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo tại chỗ, và nhiều đoàn tham quan ở nhiều nơi đến, như đoàn Nam Định đứng đầu là Bí thư Phạm Xuân Bách, đoàn Vĩnh Phú có Bí thư Kim Ngọc, và nhiều đoàn khác từ Hà Nội, Hải Phòng, Hà Đông, Nghệ An, Quảng Bình...

Thu nhập của anh em trong tổ Công tác Tân Hưng Hòa chúng tôi cũng rất lớn: qua việc báo cáo kỹ thuật lúa xuân với các đoàn đến và các địa phương mời đi, tay nghề làm lúa xuân được nâng cao.

Sau khi tổ công tác giải thể vào cuối năm 1969, anh chị em về nơi nào cũng phát huy được tác dụng trong việc đưa lúa xuân thành vụ chính, như Nguyễn Đức Triều ở Nam Định; Bạch Trung Hưng ở Hà Đông; Hồ Đào ở Gia Lâm, Hà Nội; Lê Văn Tả ở Huế; Nguyễn Văn Luật và anh Đích anh Vịnh ở Vĩnh Tường và Thanh Ba, Vĩnh Phú…

Thật may mắn và thú vị khi tôi được dự buổi tiệc Bộ trưởng Trìu chiêu đãi vị Đại sứ Ấn Độ Kumar ở Hà Nội cùng về thăm Viện Lúa ĐBSCL ở cơ sở Ô Môn thuộc Cần Thơ, khi tôi làm Viện trưởng.

Trong câu chuyện thân mật, vị Đại sứ có nói về cái hay của của tập quán ăn bốc: chủ động rửa được sạch tay bốc thức ăn, chứ dùng thìa dùng bát đũa đâu có biết chắc chắn là đã sạch, hơn nữa lại tựa như hôn nữ qua gói chứ không trực tiếp thì giảm thú vị. Cụ Trìu nói về cái hay của ăn đũa: chủ động chọn miếng ăn tựa như cò mổ, thể hiện tính nhân văn ở chỗ chủ động dành những miếng ngon, miếng mềm cho trẻ nhỏ, người già.

gs-nguyen-ngoc-triu142702330
Phó Thủ tướng Nguyễn Ngọc Trìu (phải) thăm ruộng thí nghiệm, đi cùng là TS Hoàng Kim

 

Hai vị tiện hỏi tôi vì sao lại lấy tên OM đặt cho các giống lúa của Viện lai tạo và đề xuất đưa vào sản xuất. Tôi xin thưa: là để tỏ lòng biết ơn Đảng bộ và nhân dân địa phương, vì Ô Môn là địa danh của Hậu Giang, nay là Cần Thơ. Một vị cán bộ ngoại giao đi theo Đại sứ góp chuyện ngay: OM, ô  ô..m.. là âm thanh tâm linh cầu phúc của dân Ấn Độ chúng tôi!

Tôi cũng xin được học tập quán tâm linh của dân Ấn Độ này đề cầu chúc an lành cho mọi người, và nhất là cho cụ Nguyễn Ngọc Trìu an nghỉ nơi Chín Suối, sau khi đã làm nhiều việc tốt đẹp tại dương thế!

Nhớ về một nhân cách lớn

Cụ Nguyễn Ngọc Trìu là một chính khách có công lớn với ngành nông nghiệp. Sinh ở Tây Giang, huyện Tiền Hải, tham gia cách mạng từ trước tháng 8/1945, rồi trở thành Chủ tịch tỉnh, cụ đã làm rạng danh Thái Bình “Quê hương 5 tấn”.

Nhắc đến cụ là nhớ đến hình ảnh chân đất lội ruộng của vị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách Nông - Lâm - Ngư nghiệp và Đặc phái viên của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở Nam Bộ.

Ở con người cụ tụ hội cái sắc sảo của trí thức, cái chân chất nông dân và tấm lòng của một người lãnh đạo vì dân. Nhà văn Nguyễn Tuân nhận xét: “Trìu làm lãnh đạo nhưng trước hết là một Con Người”. Cụ Trìu cũng là Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, nơi cụ đã tận tâm cống hiến những ngày sau khi về hưu cho đến tận cuối đời.

Những năm 1980, tôi may mắn được tháp tùng cụ làm việc ở một số nơi. Nhớ một lần đến nông lâm trường ở Hà Tĩnh, vùng biên giới Việt - Lào, bọn phỉ Lào nã pháo sáng cả đêm không ngủ được. Ở miệng hầm, cụ hỏi: “Rừng ở đây thế nào?”. Tôi đáp: “Phía tây các tỉnh Thanh, Nghệ, Tĩnh, Bình rừng còn khá nhất Miền Bắc ạ”. “Đất thì sao?”. “Dạ, có loại tốt nhất thế giới như bazan Phủ Quỳ, có loại dễ thoái hóa nhất như đất trên sa thạch ở đây. Đất rừng còn khá, đất nông nghiệp thì thoái hóa nghiêm trọng”. Cụ tiếp: “Các cậu làm khoa học về đất phải phối hợp với bên lâm nghiệp giữ rừng, mất rừng là mất đất. Thử hình dung chỗ này mà đất trống đồi trọc thì dân ăn gì, bộ đội nấp vào đâu!”.

Lần khác thăm các nông trường Phủ Qùy, ở Đông Hiếu là nông trường dẫn đầu do Anh hùng Nguyễn Văn Lang làm giám đốc. Chiều, cụ bảo đi dạo. Quả đồi giáp với xã Nghĩa Thuận mênh mông đất đỏ bazan, leo heo ít cây cà phê… Cụ hỏi: “Cậu thấy sao?”. “Thưa anh, đan xen thế này thì trâu bò phá hết, phải hào ngăn, rào chắn rồi mới thâm canh phục hồi cà phê, cao su được”, tôi trả lời kiểu phản ứng của một anh kỹ thuật.

Cụ vỗ vai: “Rào gì nổi, dân đói, công nhân đói, tự túc lương thực,… phải sắp xếp lại đất đai”. Hôm sau cụ chỉ thị nông trường phải bàn bạc với HTX cho dân mượn tạm đất. Ý tưởng ấy sau này trở thành chủ trương rà soát lại quản lý đất đai ở nông lâm trường quốc doanh, mới giảm được lãng phí đất đai và hài hòa mối quan hệ giữa doanh nghiệp nhà nước và cư dân địa phương.

Tổ chức trọng thể lễ tang đồng chí Nguyễn Ngọc Trìu

Sáng 14/7, tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và gia đình đã tổ chức trọng thể Lễ tang đồng chí Nguyễn Ngọc Trìu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng theo nghi thức Lễ tang cấp Nhà nước.

Đoàn BCH Trung ương Đảng và Đoàn Chủ tịch nước do Chủ tịch nước Trần Đại Quang làm Trưởng đoàn; Đoàn Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm Trưởng đoàn; Đoàn Chính phủ do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình làm Trưởng đoàn; Đoàn Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam do Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân làm Trưởng đoàn đã đến viếng đồng chí Nguyễn Ngọc Trìu và chia buồn cùng gia quyến. 

Đến viếng đồng chí Nguyễn Ngọc Trìu và chia buồn cùng gia quyến còn có nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các đồng chí lão thành cách mạng. 

Vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Ngọc Trìu, các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải và nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã gửi vòng hoa viếng...

Sáng cùng ngày, Lễ truy điệu nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Trìu đã được cử hành trọng thể. Dự Lễ truy điệu có các đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Lễ tang; lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cán bộ lão thành cách mạng cùng gia đình, đồng chí và bạn bè của đồng chí Nguyễn Ngọc Trìu.

Chiều cùng ngày, lễ an táng đồng chí Nguyễn Ngọc Trìu được cử hành tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.

 

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất