| Hotline: 0983.970.780

Những công nghệ xử lý môi trường chăn nuôi lợn

Thứ Năm 01/12/2016 , 14:30 (GMT+7)

Khoảng một thập niên trở lại đây, chăn nuôi lợn tại Việt Nam có sự phát triển đột biến, kéo theo đó là áp lực rất lớn tới môi trường. Tuy nhiên, từ đòi hỏi bức thiết của thực tế, rất nhiều mô hình, công nghệ xử lí chất thải chăn nuôi lợn đã ra đời.

1. Đệm lót sinh học

Một trong những giải pháp được coi là phù hợp với chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ hiện nay là sử dụng nền chuồng đệm lót sinh học.

15-18-44_dsc_0062
Chăn nuôi lợn tại Việt Nam nên dừng phát triển nóng để tập trung vào xử lí môi trường
 

Là tỉnh có ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng 40% trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tốc độ tăng bình quân khoảng 3%/năm nên vấn đề xử lý chất thải được tỉnh Hà Nam ưu tiên hàng đầu. Cũng như nhiều địa phương khác, chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong dân cư tại Hà Nam vẫn chiếm tỷ lệ gần 90% so với tổng đàn gia súc, gia cầm.

Theo Sở NN-PTNT Hà Nam, từ 35 mô hình thí điểm nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học triển khai năm 2010, đến nay tỉnh đã nhân rộng ra hàng nghìn mô hình khác trên địa bàn toàn tỉnh.

Ưu điểm của mô hình đệm lót sinh học là làm giảm mùi hôi thối từ phân lợn, không phải xây dựng hầm biogas xử lý chất thải, không phải bơm nước rửa chuồng hàng ngày. Nhờ vậy, chi phí giảm đi đáng kể, người chăn nuôi đạt lợi nhuận cao hơn so với chăn nuôi trên nền chuồng xi măng truyền thống.

Không chỉ giúp giảm triệt để mùi phân, mô hình chăn nuôi bằng đệm lót sinh học còn giúp giảm 60% công lao động và chi phí điện bơm nước rửa chuồng, tắm cho đàn lợn và xây hầm biogas.
Hiện một mô hình đệm lót sinh học 20m2 chi phí hết khoảng 2,5 - 3 triệu đồng, song thời gian sử dụng trong vòng 4 - 5 năm và nuôi được 6 con lợn.

Anh Trần Văn Sơn ở xã Mỹ Thọ, huyện Bình Lục cho biết, với 80 con lợn siêu nạc, trước đây đêm nào hai vợ chồng cũng mất ngủ vì mùi phân lợn xộc vào nhà. Từ ngày sử dụng sàn chuồng bằng đệm lót sinh học, anh Sơn cho biết có đến tận nơi cũng không ngửi thấy mùi hôi.

Cũng là những hộ tiên phong tham gia mô hình dùng đệm lót sinh học như gia đình anh Trần Văn Sơn, anh Nguyễn Văn Đam ở xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân chia sẻ, mấy năm trước gia đình anh và hàng xóm liên tục căng thẳng chỉ vì mùi phân lợn.

Bản thân anh Đam cũng không muốn làm mất lòng láng giềng nhưng nếu không chăn lợn, anh chẳng có việc gì làm. Được ngành nông nghiệp địa phương hỗ trợ tiền làm 20m2 sàn chuồng bằng đệm lót sinh học, anh Đam giờ đã trút bỏ được gánh nặng mùi phân lợn làm ảnh hưởng hàng xóm.

Theo TS. Nguyễn Khắc Tuấn, nguyên Trưởng Bộ môn Thức ăn vi sinh đồng cỏ, Khoa Chăn nuôi và Nuôi trồng thủy sản (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), chủ nhân của sản phẩm men vi sinh sử dụng trên nền đệm lót sinh học, sở dĩ chuồng nuôi bằng đệm sinh học không có mùi là do trong men sử dụng nhóm các vi sinh vật, chúng có chức năng tiêu hóa những chất dinh dưỡng còn sót lại trong phân thành chất không mùi; ức chế, tiêu diệt các vi khuẩn có hại và gây thối cho phân; tiêu hủy những chất gây thối làm chất dinh dưỡng cho nó và tiêu diệt các vi khuẩn có hại cho vật nuôi.
 

2. Thức ăn sinh học

Mặc dù có rất nhiều ưu điểm, song mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học chỉ phù hợp với quy mô đàn lợn khoảng 20 con trở xuống. Nếu nuôi với số lượng lớn lên tới hàng chục hay vài trăm con mô hình này rất khó áp dụng do đòi hỏi diện tích chuồng trại quá lớn.

15-18-44_p1140870
Chăn nuôi lợn tại Việt Nam nên dừng phát triển nóng để tập trung vào xử lí môi trường
 

Do đó, một trong những giải pháp được áp dụng với mô hình chăn nuôi có quy mô vừa và nhỏ sử dụng chuồng hở hiện nay là sử dụng cám sinh học đầu vào kết hợp chế phẩm vi sinh xử lí đầu ra.

Không chỉ giúp giảm cơ bản mùi hôi thối, lợi ích của việc sử dụng thức ăn sinh học còn giúp chất lượng thịt lợn ngon và săn chắc hơn. Mô hình có thể áp dụng trên diện rộng và quy mô đàn lên tới hàng trăm con lợn. Vì phù hợp nên vừa qua Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã triển khai rất nhiều mô hình chuỗi chăn nuôi lợn sinh học trên địa bàn. Điển hình là chuỗi lợn sinh học Yummy, Liên Việt, Sen Trì…

Cách đây khoảng hơn một năm, chúng tôi nhận được lời kêu cứu từ anh Nguyễn Tiến Bình, một hộ chăn nuôi lợn tại huyện Thạch Thất, Hà Nội về việc khu nuôi lợn của gia đình anh bị hàng xóm xung quanh ném đá vỡ toàn bộ ngói vì mùi hôi thối từ khu chăn nuôi bên hộ anh Bình phát ra. Hiểu được nỗi khổ của láng giềng nên anh Bình ngậm bồ hòn làm ngọt, không dám ý kiến gì.

Tuy nhiên, gia đình anh vốn sống bằng nghề nuôi lợn, con cái học hành cũng từ lợn mà ra nên cũng không biết xử lí vấn đề mùi hôi như thế nào. Trong khi đó, nhiều lần anh Bình làm đơn xin chính quyền địa phương cấp cho khu đất xa khu dân cư để chăn nuôi, song chưa được phê duyệt. Còn để đầu tư mô hình nuôi lợn chuồng kín chi phí quá lớn, lên tới cả tỷ đồng, vượt quá khả năng của gia đình.

Nay quay lại thăm, anh Bình phấn khởi cho biết giữa anh và hàng xóm giờ gặp nhau đã có thể cười rất tươi thay vì bộ mặt “hằm hằm” như trước đây. Theo đó, giải pháp công nghệ cứu cánh giúp anh Bình trong lúc “quá độ” khó khăn này chính là việc nuôi lợn bằng thức ăn sinh học và sử dụng chế phẩm vi sinh xử lí phân và sàn chuồng hàng ngày.

“Trước đây sử dụng cám công nghiệp, mùi hôi thối từ chăn nuôi chuồng hở không thể kiểm soát được. Nhưng từ khi chúng tôi chuyển sang sử dụng thức ăn sinh học đã được lên men, trong đó có chứa một số thành phần enzim chuyển hóa nên phân lợn bớt mùi hẳn.

Tiếp đến, định kỳ hàng ngày gia đình tôi cho phun các chế phẩm sinh học xử lý mùi lên sàn chuồng và khu chứa chất thải nên về cơ bản hiện khu nuôi lợn của gia đình đã không còn phát tán mùi ra xung quanh nữa”, anh Bình tâm sự.
 

3. Công nghệ chuồng kín

Ở thời điểm hiện tại, chăn nuôi lợn chuồng kín (chuồng lạnh) có lẽ là công nghệ hiện đại, ưu việt, đồng bộ nhất. Do có chi phí đầu tư lớn, lên tới hàng tỷ đồng/chuồng, nuôi được 500 - 700 con nên chuồng lạnh phù hợp với các doanh nghiệp, HTX, hộ chăn nuôi quy mô công nghiệp.

15-18-44_p1140820
Chăn nuôi lợn tại Việt Nam nên dừng phát triển nóng để tập trung vào xử lí môi trường
 

Phần lớn các mô hình nuôi lợn chuồng kín hiện nay đều được thiết kế đồng bộ ngay từ đầu với hệ thống xử lí chất thải rắn, lỏng, khí khép kín.

Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân nhấn mạnh, 2017 sẽ được chọn là năm môi trường trong chăn nuôi.
Hiện sản lượng thịt lợn bình quân của Việt Nam vào khoảng 4 triệu tấn/năm, theo ông Vân chúng ta chỉ phát triển ở ngưỡng tối đa 6 - 8 triệu tấn, còn lại tập trung nâng cao năng suất, chất lượng và cải thiện, xử lí môi trường.

Không chỉ xung quanh chuồng mà ngay cả bên trong chuồng lợn, nhờ hệ thống giàn mát và quạt hút mùi nên công nghệ chuồng mát đang được ví như “khách sạn cho heo” bởi gần như triệt tiêu được hôi thối.

Không chỉ ưu việt trong xử lí mùi, thăm các trang trại nuôi lợn chuồng kín công nghiệp quy mô lớn của các doanh nghiệp chăn nuôi công nghệ cao như Dabaco, Thái Dương, Hòa Phát, CP (Thái Lan)…, chúng tôi được chứng kiến rất nhiều hệ thống xử lí nước thải vô cùng hiện đại.

Theo đó, không chỉ có hệ thống bể biogas đạt chuẩn, những trang trại này còn có các giàn máy móc hiện đại ép, tách phân loại chất thải rắn, chất thải lỏng.

Hệ thống lắng, sục khí, xử lý hóa học và vật lý phần nước thải sau bể biogas đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ TN-MT, các bể chứa, ủ chất thải rắn thành phân sinh học.

Nhìn chung, nuôi lợn chuồng kín kết hợp hệ thống xử lí chất thải đồng bộ chính là mô hình ngành chăn nuôi Việt Nam muốn phát triển bền vững cần hướng tới.

Xem thêm
Nuôi 30 con chồn hương sinh sản, doanh thu 300 triệu đồng/năm

QUẢNG BÌNH Với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Đức thu về khoảng 300 triệu đồng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm