| Hotline: 0983.970.780

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Thứ Sáu 22/11/2024 , 14:23 (GMT+7)

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Ông Phạm Văn Cường đang hòa chế phẩm tăng tính bám dính. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Phạm Văn Cường đang hòa chế phẩm tăng tính bám dính. Ảnh: Dương Đình Tường.

Giữa trưa nắng, chúng tôi len lỏi dưới những gốc cam lòng vàng quả đang chuyển màu hanh hanh hay những gốc cam V2 quả vẫn còn đang xanh thẫm. Chỉ sang vườn đối diện, ông bảo chủ của nó có điều kiện kinh tế nên không tiếc tiền của đầu tư cho phân, cho thuốc bảo vệ thực vật nhưng cây vẫn bị hiện tượng vàng lá. Bí quyết của ông chính là sáng chế ra một loại chế phẩm tăng bám dính giúp tối ưu hóa hiệu quả của thuốc bảo vệ thực vật.

Qua nhiều năm gắn bó với cây cam, ông Phạm Văn Cường - nông dân ở khu 3 thị trấn Cao Phong nhận thấy một trong những kẻ thù lớn nhất của loài cây này chính là nhện đỏ, loài gây hại qua việc chích hút dinh dưỡng trên lá và quả. "Khi phun thuốc, nhện đỏ thường ẩn dưới mặt lá, khiến thuốc khó tiếp cận. Dù thuốc có ngấm được xuống thì nhện đỏ vẫn có thể sinh sản thêm chỉ trong vài giờ, tạo ra lứa trứng mới. Điều này khiến việc kiểm soát trở nên rất khó khăn", ông giải thích.

Những quan sát này đã thôi thúc ông nghĩ đến việc cải thiện khả năng thẩm thấu của thuốc bảo vệ thực vật. Các sản phẩm có sẵn trên thị trường thường đắt đỏ và không đáp ứng tối ưu nên ông dày công tìm tòi theo hướng tự tạo ra một chế phẩm hiệu quả hơn mà giá thành lại thấp. Quá trình thử nghiệm làm đi làm lại, điều chỉnh tỷ lệ nguyên liệu trong nhiều tháng mới cho ra công thức hoàn chỉnh. Dù vất vả nhưng khi thấy phun vào, sâu bệnh giảm hẳn, vườn cây phục hồi, xanh tốt ông cảm thấy mọi nỗ lực đều xứng đáng.

Chế phẩm tăng tính bám dính có thể dùng tay để sờ được. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chế phẩm tăng tính bám dính có thể dùng tay để sờ được. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chế phẩm của ông được tạo nên từ các nguyên liệu đơn giản nhưng lại hiệu quả. Cơ chế hoạt động của nó dựa trên khả năng phá vỡ cấu trúc bề mặt nước, giúp dung dịch thuốc bảo vệ thực vật lan tỏa đều và thẩm thấu sâu vào các mô cây. Khi phun lên lá, chỉ sau một giờ, thuốc đã thấm từ trên xuống dưới, tiêu diệt côn trùng gây hại một cách tốt hơn.

Thành phần chính của chế phẩm bao gồm glycerin - một hợp chất hữu cơ an toàn. Glycerin không chỉ giúp bám dính mà còn là nguồn dưỡng chất tốt cho cây. Kết hợp với công thức và quy trình ủ đã ra một chế phẩm phù hợp, có nhiều ưu điểm hơn so với chế phẩm tương tự nguồn gốc từ dầu khoáng.

"Dầu khoáng hoạt động tốt trong việc bao phủ côn trùng, ngăn chúng lấy oxy và gây chết. Tuy nhiên, dầu khoáng lại không phù hợp với nhiệt độ cao và có thể gây hại cho quả non, nhất là trong mùa hè. Ngược lại, chế phẩm của tôi hoàn toàn an toàn, kể cả khi sử dụng vào thời điểm cây đang ra hoa hoặc kết trái", ông nhấn mạnh. Không những thế, chi phí sản xuất chế phẩm này chỉ bằng 1/5 giá thành của các sản phẩm tương tự trên thị trường và nó an toàn đến mức có thể dùng để rửa tay như xà phòng cũng được.

Vườn cam đầu tiên của ông Cường mà tôi đến thăm buổi trưa hôm ấy rộng 3.000 m² hiện đang trồng 180 cây cam V2 và một số cây cam lòng vàng. Năm nay, nhờ sử dụng chế phẩm này, năng suất dự kiến đạt khoảng 10 tấn với quả to, đều. Bên cạnh đó, việc áp dụng chế phẩm còn giúp ông giảm thiểu số lần phun thuốc, từ đó tiết kiệm chi phí và công lao động. Theo ông Cường, chế phẩm tăng khả năng bám dính và thẩm thấu của thuốc bảo vệ thực vật, từ đó tăng hiệu quả diệt sâu bệnh lên 20-30%. Nhờ vậy, số lần phun giảm đi đáng kể, mà cây vẫn khỏe mạnh.

Ở khu vườn thứ hai rộng hơn 1 ha trồng xen cả cam lẫn đào thất thốn mới khoảng 2 năm tuổi thì chế phẩm tăng độ bám dính cho thuốc bảo vệ thực vật vẫn phát huy tác dụng thấy rõ về bộ lá xanh đậm, thân cây cao lớn vượt so với những vườn cùng tuổi. 

Ông Phạm Văn Cường bên những quả cam V2. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Phạm Văn Cường bên những quả cam V2. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hiện tại, ông Cường đang sử dụng chế phẩm cho vườn nhà và chia sẻ cho bạn bè, người thân để thử nghiệm. Ông cũng dự định tham gia các cuộc thi sáng tạo khoa học cấp tỉnh để quảng bá sản phẩm và tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng.

"Mục tiêu của tôi là giúp bà con trong vùng và lan tỏa sáng kiến này đến các vùng khác. Nếu có thể, tôi sẽ tổ chức các buổi hướng dẫn bà con tự sản xuất để tiết kiệm chi phí. Đối với tôi, điều quan trọng nhất không phải là kinh doanh hay lợi nhuận mà là giúp bà con có thêm công cụ để bảo vệ mùa màng và cải thiện cuộc sống", ông Cường khép lại buổi trò chuyện bằng việc lấy một vài quả cam lòng vàng ra bổ cho tôi cùng ăn ngay dưới bóng mát của khu vườn.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.