| Hotline: 0983.970.780

Chủ Nhật 24/09/2017 , 07:25 (GMT+7)

07:25 - 24/09/2017

Những 'thượng đế' bị cưỡng bức trong 'thị trường BOT' giáo dục?

Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được phép biến trường học thành “thị trường BOT”, học sinh thành những “thượng đế” bị cưỡng bức và Hội phụ huynh trở thành bình phong, công cụ của ban giám hiệu.

Ảnh minh họa

Chuyện bắt đầu từ việc một ông bố gửi thư lên Chính phủ kiến nghị giải tán Hội phụ huynh. Đó là anh Võ Quốc Bình, phụ huynh lớp 3/2, Trường tiểu học Hòa Bình (Quận 1, TPHCM) khi bày tỏ “Hội phụ huynh học sinh chứ không phải hội phụ thu học sinh hay hội họa sỹ”.

Thậm chí, anh Bình còn dùng những hình ảnh khá “nặng nề”, ví Hội phụ huynh như một biến tướng của BOT trong giáo dục: “Nhưng chúng ta cũng đừng quên, trong sự nghiệp trồng người cũng có sự biến tướng theo kiểu BOT như vậy, nó làm ảnh hưởng đến công cuộc phát triển và cải cách của nền giáo dục nước nhà. Đó là muôn kiểu tận thu của nhà trường đối với học sinh và phụ huynh”. Anh Bình nói.

Thực ra, đề nghị của anh Bình không mới. Cách đây 3 năm (9/2014), trên báo Dân trí đã từng xuất hiện chủ đề này và nhiều bạn đọc khi đó đã đặt vấn đề nên giải tán Hội phụ huynh.

Lý do thì nhiều, song đa số ý kiến đều cho rằng Hội phụ huynh là “cánh tay nối dài” của Ban giám hiệu. Có ý kiến còn nhận xét Hội phụ huynh là công cụ, là bình phong và thậm chí, có cả ý kiến còn cho rằng Hội phụ huynh là “tay sai” của Ban giám hiệu.

Đây là những ý kiến cực đoan nên cần có cái nhìn công bằng xung quanh về vấn đề này.

Người viết bài này không biết mô hình Hội phụ huynh ra đời từ báo giờ nhưng chăc chắn, nó xuất hiện từ cách đây hơn ½ thế kỉ. Bằng chứng là khi người viết bài này cắp sách đến trường hơn 50 năm trước, đã thấy có mô hình này.

Phải khẳng định ở thời điểm đó, Hội phụ huynh thực sự có ích cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Họ vừa là cầu nối giữa phụ huynh với nhà trường, vừa là nguồn động viên rất lớn để vận động học sinh đến lớp (ngày đó, không phải trẻ em nào cũng được đến trường). Hội phụ huynh cũng là nới chuyển tải tâm tư nguyện vọng của phụ huynh với nhà trường và ngược lại… Tóm lại, họ thực sự là cánh tay phải của nhà trường và cũng là chỗ dựa tin cậy của phụ huynh.

Tuy nhiên gần đây, ở một số nơi, nhất là các thành phố lớn hoặc trung tâm kinh tế, Hội phụ huynh ít nhiều đã bị biến tướng, trở thành “công cụ” và “bình phong” để thực hiện những việc không mấy trong sáng.

Để vụ lợi, một số giáo viên chủ nhiệm và ban giám hiệu đã khéo léo lựa chọn những phụ huynh có điều kiện kinh tế, quan tâm đến việc học hành của con cái và “dễ bảo” để dễ bề “thao túng”, nhất là trong việc thu chi và vận động học thêm.

Dưới “chiêu bài tự nguyện”, Hội phụ huynh đứng ra thu rất nhiều khoản bất hợp lý và nếu sự việc bị phát giác, Hội phụ huynh chính là “cái bình phong” được đem ra che chắn, “đỡ đạn”.

Tóm lại, từ một việc làm rất tốt và hiệu quả, tại một số địa phương, Hội phụ huynh đã bị biến tướng. Vì vậy, sự phản ứng của một số phụ huynh không phải là không có cơ sở.

Tuy nhiên, sự biến tướng này thường xảy ra ở những nơi có đời sống thu nhập cao. Ngược lại, ở nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, Hội phụ huynh còn trong sáng và hoạt động hiệu quả.

Người viết bài này từng tiếp xúc nhiều lần với Hội phụ huynh ở quê hương (xã Đông Tân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) nên nhiều lần được chứng kiến không ít những hình ảnh cảm động. Họ dốc lòng, dốc sức cho sự nghiệp giáo dục con em trong làng, trong xã từ việc lo xây dựng trường sở, vận động tài trợ và không chỉ “vác tù và hàng tổng”, họ còn bỏ cả tiền túi để giúp đỡ nhà trường mỗi khi cần thiết.

Trở lại với những tranh cãi xung quanh Hội phụ huynh gần đây, theo người viết bài này, không nên đặt vấn đề để hay bỏ mà cần phải chấn chỉnh lại hoạt động từng rất hữu ích này, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…

Đặc biệt, không để Hội phụ huynh biến tướng, trở thành “công cụ”, “tay sai” và bình phong cho ban giám hiệu trong các khoản thu chi. Muốn làm được điều này, có lẽ khó có phương cách nào tốt hơn là qui trách nhiệm người đứng đầu. Nếu cơ sở nào, trường lớp nào xảy ra tình trạng này, không ai khác, hiệu trưởng trường đó phải chịu trách nhiệm.

Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được phép biến trường học thành “thị trường BOT”, học sinh thành những “thượng đế” bị cưỡng bức và Hội phụ huynh trở thành bình phong, công cụ của ban giám hiệu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm