| Hotline: 0983.970.780

Cơ hội nào cho nông dân?

Thứ Sáu 15/03/2013 , 08:03 (GMT+7)

Nếu ví Bắc Ninh là điển hình cho sự phát triển các khu công nghiệp , khu đô thị ở miền Bắc, và cũng điển hình cho tình trạng treo dự án đã được phê duyệt từ năm này qua năm khác, thì huyện Quế Võ có thể nói là điển hình của điển hình.

Nếu ví Bắc Ninh là điển hình cho sự phát triển các khu công nghiệp (KCN), khu đô thị (KĐT) ở miền Bắc, và cũng điển hình cho tình trạng treo dự án đã được phê duyệt từ năm này qua năm khác, thì huyện Quế Võ có thể nói là điển hình của điển hình. Ở đây, có những KĐT được quy hoạch và khởi công cả chục năm, nhưng vẫn bỏ hoang cho cỏ mọc.

>> Trở đi mắc núi, trở lại mắc sông!
>> Dân mong được trả lại ruộng
>> Nông dân ''khát'' đất
>> Lem nhem KCN Xuyên Á

Kiên quyết thu hồi các dự án treo (?!)

Ông Ngô Sỹ Bích, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh cho biết: Bắc Ninh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 15 KCN tập trung nhưng đến nay tỉnh mới triển khai 9 khu, như vậy việc quy hoạch và thực hiện kế hoạch xây dựng quy hoạch Bắc Ninh cân nhắc rất kỹ. “Chúng tôi không xây dựng đồng loạt, không kêu gọi đầu tư, nhất là những nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính, không đủ điều kiện vào các KCN. Đến thời điểm này, Bắc Ninh đã thu hồi trên 1.400 ha đất, trong đó có 1.100 ha đã được quy hoạch và đền bù. Trong 1.100 ha đó tỷ lệ các dự án đã lấp đầy chiếm đến 70%”, ông Bích cho hay.

Cũng theo ông Bích, bản chất của KCN là sản xuất công nghiệp, không phải khu kinh doanh bất động sản. “Chúng tôi xây dựng các KCN để thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, phấn đấu đến năm 2015 Bắc Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Vì vậy các KCN ở Bắc Ninh khi đã thu hồi đất, đã xây dựng hạ tầng sẽ đáp ứng cơ bản cho các nhà đầu tư, cho nên việc thu hút đầu tư là việc làm quan trọng. Tuy nhiên, sau khi một số nhà đầu tư đã khởi công nhưng không tiếp tục triển khai. Khi các công ty mẹ ở nước ngoài gặp khó khăn, các công ty con không đủ năng lực tài chính, chậm triển khai đã bị rút giấy phép. Với những dự án chậm triển khai, chúng tôi kiên quyết rút giấy phép, thu hồi dự án”, ông Bích khẳng định.


Thiếu đất sản xuất, nông dân canh tác trong KCN với điều kiện khó khăn về thủy lợi

Ông trưởng ban QL CKCN tỉnh Bắc Ninh khẳng định lại “như đinh đóng cột”: Mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh đã thu hồi chủ trương khảo sát đối với 19 dự án đầu tư xây dựng của các doanh nghiệp với tổng diện tích hơn 454 ha. Đây là những dự án đã được tỉnh Bắc Ninh đồng ý cho khảo sát từ nhiều năm nay với diện tích nhỏ nhất là 0,08 ha và lớn nhất là 200 ha. Trong số 19 dự án bị “thổi còi” yêu cầu dừng khảo sát lập dự án thì có những dự án được UBND tỉnh Bắc Ninh cho khảo sát từ năm 2004 và mới đây nhất là năm 2008. Đây là những dự án chủ đầu tư năng lực tài chính kém, chậm tiến độ cam kết. Ngoài ra, UBND tỉnh Bắc Ninh còn chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát các dự án chậm đầu tư, chậm sử dụng đất trên địa bàn và đề xuất các biện pháp xử lý đối với các dự án này.

“Chúng tôi vừa có một bản dự thảo kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh siết chặt việc quản lý đất đai ở các KCN, KĐT. Nếu văn bản này được chấp thuận và triển khai, đây có thể coi là đòn bẩy để cơ quan chức năng hoàn thiện các thủ tục pháp lý nhằm quản chặt việc sử dụng đất đai và cấp phép đầu tư các dự án trong KCN, KĐT. Nếu quản chặt, nông dân có nhiều cơ hội giữ lại đất sản xuất”, ông Bích nói.

Nông dân nhìn đất mà thèm

Đi tìm hiểu thực tế lại hoàn toàn khác với những lời ông trưởng ban nói. Trở lại Quế Võ, địa phương mà báo NNVN đã phản ánh cách đây vài năm, đến nay tình hình vẫn không có gì sáng sủa hơn. Đất vẫn bỏ hoang, nông dân vẫn vào canh tác “chui”. Và chính quyền địa phương thì bất lực.

Cách đây 10 năm, UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt dự án KĐT mới Quế Võ do Cty CP Đầu tư phát triển nhà và Xây dựng Tây Hồ thuộc TCty Xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư với tổng diện tích 56 ha, trong đó 40 ha của xã Phượng Mao, 16 ha thuộc xã Phương Liễu (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Theo “chém gió” của chủ đầu tư, nơi đây sẽ trở thành một khu đô thị điển hình. Điểm nhấn và cũng là nét ấn tượng nhất toát ra từ khu trung tâm với hồ nước rộng do 4 hồ nhỏ kết hợp với cây xanh và các công trình dịch vụ văn hóa. Sự phối hợp này tạo nên lá phổi xanh cho toàn khu đô thị, hình thành môi trường sống gần gũi với thiên nhiên.

Tuy nhiên, đến nay, qua 3 lần điều chỉnh quy hoạch, chủ đầu tư vẫn chưa thể hoàn thiện hạ tầng dự án. Đất canh tác bị bỏ hoang, trong khi nông dân không có tư liệu sản xuất.

Ông Nguyễn Vân Phú, Chủ tịch UBND xã Phượng Mao, cho biết: “Lúc đầu, nhà đầu tư cam kết sau khi có mặt bằng sẽ tiến hành xây dựng luôn và cam kết hỗ trợ địa phương xây nhà văn hóa, tuyển lao động, làm đường giao thông, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được lời hứa nào”. Theo ông Phú, quan điểm của xã là đề nghị Cty Tây Hồ sớm triển khai, nếu không có khả năng thì chuyển giao cho chủ đầu tư khác, hoặc thu hồi lại giao cho nhân dân sản xuất. Chứ để đất phơi trắng như vậy, dân không còn cơ hội nào.

Thanh tra tỉnh Bắc Ninh cũng đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để thực hiện thanh tra, kiểm tra 17 dự án đã được nhận bàn giao đất trên thực địa nhưng chậm triển khai, rà soát 13 dự án đã có kết luận, quyết định thanh tra của các cấp, ngành và đề xuất các biện pháp xử lý.

UBND tỉnh Bắc Ninh đang chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, rà soát 24 dự án chưa bồi thường, đã bồi thường nhưng chưa xong… Tuy vậy, hiện tình trạng chủ đầu tư bỏ hoang đất vẫn chưa được khắc phục.

Hầu hết đất trồng lúa của xã Phượng Mao đã được thu hồi giao cho chủ đầu tư triển khai xây dựng KĐT mới Quế Võ, cá biệt có những thôn mất 100% diện tích đất như thôn Mao Trung, Mao Dộc... Trưởng thôn Mao Trung Trần Mạnh Hùng tính kiểu “hàng xáo”: Nếu cứ để dân chúng tôi cấy hái thì với diện tích này mỗi năm cũng thu được 600 tấn thóc, với giá hiện nay tổng thu khoảng 30 tỷ đồng. Để không hơn 9 năm như vậy, mất toi gần 300 tỷ đồng, dân lại không có việc làm.

Còn ở xã Phương Liễu, tình trạng cũng bi đát không kém. Hàng trăm ha đất đang bỏ hoang cho cỏ mọc, chỗ thì làm bãi tập lái xe. Trong khi đó, nông dân thiếu đất sản xuất trầm trọng. Bà Nguyễn Thị Nhân, thôn Giang Liễu, bức xúc cho biết, gia đình bà có 5 nhân khẩu với gần 8 sào đất canh tác. Nhưng năm 2004, 7 sào đã bị thu hồi. “Tưởng rằng chủ đầu tư phải tiến hành xây dựng ngay thì người dân chúng tôi hy vọng có việc làm gián tiếp, nhưng từ bấy đến nay đất vẫn bỏ hoang. Tiếc của, chúng tôi lại gieo trồng trên những mảnh đất này. Tuy vậy, canh tác cũng rất khó khăn vì hầu như toàn bộ hệ thống thủy lợi trước đây đã bị phá bỏ”, bà Nhân nói.

Theo ông Nguyễn Hải Trưng, Chủ tịch UBND xã thì địa phương này phải thu hồi 250 ha/580 ha diện tích đất nông nghiệp chuyển sang làm công nghiệp. Qua thực tế thu hồi đất, bà con mong muốn Chính phủ, tỉnh và huyện có quy trình, lộ trình cụ thể, tránh để tình trạng đất đã thu hồi nhưng dự án chậm triển khai, gây lãng phí. Các cơ quan chuyên môn khi thẩm định các dự án phải hết sức chặt chẽ. “Việc thẩm định chưa chặt chẽ dẫn đến việc thu hồi đất của người dân xong lại không có nhà đầu tư. Hoặc khi khởi công, động thổ dự án, các doanh nghiệp luôn cam kết trước Đảng và nhân dân sớm đưa dự án vào hoạt động, nhưng sau đó tình trạng đầu tư nhỏ giọt, cầm chừng dẫn tới dự án “treo” đã làm mất lòng tin của người dân”, ông Trưng kiến nghị.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Lần thứ 6, Quảng Ninh được đánh giá cải cách hành chính tốt nhất Việt Nam

Từ năm 2012 đến nay, Quảng Ninh có 6 lần đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) cả nước (2017 đến năm 2020 và 2022 - 2023).