| Hotline: 0983.970.780

Rừng phòng hộ đang bị "xẻ thịt"

Thứ Ba 10/07/2012 , 11:15 (GMT+7)

Hàng chục ha rừng phòng hộ đầu nguồn của huyện Nam Đông (TT-Huế) đang bị “xẻ thịt” từng ngày...

Hàng chục ha rừng phòng hộ đầu nguồn của huyện Nam Đông (TT-Huế) đang bị “xẻ thịt” từng ngày bởi tình trạng lấn chiếm đất rừng của người dân và có sự “nhúng tay” của nhiều lâm tặc trên địa bàn. Trong khi đó, việc quản lý, chốt chặn cũng như xử lý tình trạng phá rừng nhiều địa phương ở Nam Đông dường như còn bỏ ngỏ.

“Điểm nóng” Hương Sơn

Nhìn bên ngoài, xã Hương Sơn (huyện Nam Đông) khá im ắng với nhiều cánh rừng trồng, cao su bạt ngàn. Tuy nhiên, men theo tuyến đường quốc phòng - kinh tế Nam Đông (tỉnh lộ 74 cũ) đi qua các tiểu khu 377, 378, 380 không chỉ ven đường mà vào sâu bên trong nhiều cánh rừng đang bị người dân lấn chiếm, lâm tặc chặt phá với các loại gỗ như chò đen, chua, ươi… vận chuyển về xuôi tiêu thụ.

Hai bên tỉnh lộ 74, theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều cây gỗ quý đường kính cả mét đang bị đốn hạ ngổn ngang. Những thân cây với dấu vết mới cưa, các đối tượng phá rừng vẫn chưa kịp vận chuyển gỗ đi nằm la liệt cả một góc rừng. Các cây nhỏ cũng bị đốn hạ để mở đường chuẩn bị vận chuyển gỗ ra khỏi rừng. Bên kia sườn đồi, nhiều cánh rừng đã bị người dân chặt, đốt để trồng keo, tràm, dấu vết còn nham nhở. Suốt hai tiếng đồng hồ men theo tỉnh lộ 74 qua các địa danh như: cổng trời, đỉnh Ba Xoa, khe La Ma… đâu đâu cũng thấy nhiều vạt rừng bị đốn hạ không thương tiếc.


Tại tỉnh lộ 74 cũ, hàng ngày, các đối tượng vận chuyển gỗ trái phép ngang nhiên đưa gỗ ra khỏi rừng

Ông Trần Văn Ba, một hộ dân có nhà bên tỉnh lộ 74 cũ cho biết: “Ở đây không chỉ người dân địa phương mà còn người nhiều nơi khác đến chặt cây rừng, dùng trâu kéo, xe máy, ô tô chở về xuôi tập kết làm nhà hay mang bán cho mấy người thu mua gỗ. Ban đêm, dọc tuyến đường 74 ni, xe chở gỗ chạy rầm rầm. Xe máy thì xẻ phách, chở về tập kết ở nhà của mấy gia đình ở Hương Sơn rồi tìm chủ gỗ bán lại cho họ”. Như ông Ba cũng có người con rể tên Trần Văn Hạ (thôn 4, xã Hương Hữu) chuyên đi cưa gỗ và là đầu mối thu mua gỗ cho người dân trong xã. Căn nhà ông Ba ở cạnh đường 74 cũng do ông Hạ đốn gỗ trên rừng phòng hộ Nam Đông về làm.

Từ “cổng trời” men theo con đường 74 đi sâu vào rừng, nhiều tuyến đường mòn bị cày nát bởi các loại xe tải và dấu vết của xe trâu kéo gỗ. Trời ngả về chiều, thỉnh thoảng, lại có vài xe trâu hối hả mang gỗ đã xẻ thành phách hoặc để tròn ra khỏi bìa rừng. Tại rừng phòng hộ Nam Đông, không chỉ nhiều loại gỗ quý bị xẻ phách, vứt ngổn ngang chưa mang ra khỏi rừng mà ngay tại khu vực khe La Ma - gần điểm đang thi công của tuyến đường quốc phòng - kinh tế Nam Đông, hàng chục xe máy bỏ bên bìa rừng, đi sâu vào bên trong, tiếng máy cưa nổ inh ỏi cả góc rừng, nhiều cây gỗ lớn bị ngã rạt. Tình trạng phá rừng làm nương rẫy, đốn hạ gỗ đưa ra khỏi rừng bán còn diễn ra khá mạnh ở các địa phương như Hương Phú, Hương Hữu, Thượng Long. Tuy nhiên, cho đến nay, việc quản lý, xử lý của lực lượng chức năng vẫn còn nhiều lúng túng.

Khó quản lý

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Sỹ Đét - Chủ tịch UBND xã Hương Sơn, cho biết: “Tình trạng người dân lấn chiếm rừng đầu nguồn ở các tiểu khu 377, 378 và có sự tiếp tay của một số lâm tặc trên địa bàn để đưa gỗ ra khỏi rừng là có thật. Nguyên do là người dân đang thiếu đất sản xuất, một số gia đình vừa tách hộ nên không có đất, phát rừng đầu nguồn để canh tác, trồng rừng. Trong các đối tượng phá rừng còn có một số nguyên là cán bộ lãnh đạo của xã. Nhiều lần xã phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện tiến hành tuyên truyền, vận động và bắt các hộ dân vi phạm cam kết không tái phạm nhưng đâu lại vào đấy”.


Gỗ với đường kính hơn 1m cũng bị đốn hạ

Theo thống kê của UBND xã Hương Sơn, trong cuối năm 2011 đến đầu năm 2012 trên địa bàn xã đã có 27,7 ha rừng bị phá với 28 hộ dân vi phạm. Trong đó, cá biệt có hộ phát rừng lấn chiếm lên đến 3ha. Ông Đét cho biết thêm, toàn xã quản lý 176 ha rừng nhưng chỉ có một kiểm lâm địa bàn nên việc chốt chặn, tuần tra rất khó khăn. Mặt khác, các đối tượng lâm tặc phá rừng, vận chuyển gỗ lúc 2-3 giờ sáng bằng trâu kéo về điểm tập kết, rất khó bắt giữ.

Ông Mai Văn Tâm - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Nam Đông cho hay: “Nam Đông có 48.000 ha rừng các loại, trong đó BQL rừng phòng hộ Nam Đông quản lý 15.000 ha, Vườn Quốc gia Bạch Mã 23.000ha, Khu bảo tồn Sao La 3ha, còn lại đơn vị quản lý chừng 7 ha. Với diện tích rừng lớn như vậy, trong khi lực lượng kiểm lâm địa bàn mỏng nên việc tuần tra kiểm soát và bắt giữ rất khó khăn. Theo ông Tâm, để “khống chế” tình trạng phá rừng do người dân lấn chiếm, khai thác gỗ mang bán, trong thời gian qua, Hạt kiểm lâm Nam Đông đã phối hợp với chính quyền địa phương các xã họp 36 thôn với 1.442 hộ gia đình, tuyên truyền, buộc người dân cam kết không được lấn chiếm, phá rừng. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng vẫn diễn ra, trong khi công tác xử phạt đối với các hộ dân là người đồng bào không thực hiện được do họ không chấp hành, không có tài sản thế chấp nên tổ chức cưỡng chế không khả thi.

“Trong những tháng đầu năm 2012, chúng tôi đã tiến hành bắt giữ 12m3 gỗ các loại của các đối tượng lâm tặc, chủ yếu khai thác từ rừng phòng hộ Nam Đông. Trên tuyến tỉnh lộ 74 cũ, chúng tôi đã có phương án thành lập trạm chốt chặn tại tuyến đường này. Tuy nhiên, đang vướng mắc một số khó khăn nên chưa triển khai được” - Hạt trưởng Mai Văn Tâm cho biết.

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cơn mưa bất chợt 'giải nhiệt' ở Bình Dương

Sau nhiều ngày nắng nóng liên tục, cơn mưa bất chợt xuất hiện đã làm dịu đi cái nóng gay gắt cho người dân ở Bình Dương.