| Hotline: 0983.970.780

Dấu chân trên thảm đỏ và chuyện 'khai sinh' một khu rừng

Thứ Ba 30/04/2024 , 06:14 (GMT+7)

Từ những câu chuyện thú vị khi còn tham gia cách mạng đến tâm huyết gầy dựng, để lại cho đời một khu rừng quý. Với tôi, ông là người khá đặc biệt.

Từ những vạt đồi trọc, lưa thưa vài bụi cây tái sinh, sau gần 30 năm bảo vệ, chăm sóc, và trồng, nay khu rừng gần 400ha đã trở một trong những “lá phổi xanh” ở vùng Đông Nam bộ với nhiều loại gỗ quý.

Khu rừng rất đẹp này tọa lạc tại xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Chủ nhân là ông là Trần Văn Tấn, năm nay 73 tuổi, nguyên đại tá ngành an ninh về hưu. Hiện là Giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất kinh doanh dịch vụ Vĩnh Phúc.

Cuộc “tiếp dân” đặc biệt

Ông Trần Văn Tấn sinh năm 1951, tại xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi. Do chưa đủ tuổi, ông Tấn phải khai gian thêm 2 tuổi, và vì chỉ nặng có 37 cân, nên ông giấu mấy cục đá trong người lúc cân. Nhờ vậy mới tạm đủ cân nặng để được nhận.

Sau khi chính thức trở thành quân nhân, ông Tấn được cấp trên chọn đi học ngành công an. Sau 18 tháng tham gia khoá học tại Trường Công an Việt Bắc, nơi đào tạo trinh sát cho an ninh chiến trường miền Nam, ông tiếp tục được cử đi học nghiệp vụ, ngoại ngữ tại Trường Đào tạo Công an Trung ương Hà Đông (Hà Nội). Học xong, ông xung phong đi B, trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ông Trần Văn Tấn (ngoài cùng bên trái) và đồng đội trong tổ 3 người (tổ tam tam) năm 1975. Ảnh: chụp lại.

Ông Trần Văn Tấn (ngoài cùng bên trái) và đồng đội trong tổ 3 người (tổ tam tam) năm 1975. Ảnh: chụp lại.

"Nghe nói chú ở trong đoàn quân đầu tiên có mặt tại Sài Gòn ngày 30 tháng 4 năm 1975, chắc nhiều kỷ niệm thú vị lắm?”, tôi hỏi. “Nhiều, kể cả ngày không hết”, ông Tấn cười khà khà, đáp.

"Có câu chuyện này, tôi rất nhớ, rất thú vị. Đó là ngày 2/5/1975, tôi cùng 2 đồng chí nữa trong tổ 3 người, còn gọi là tổ tam tam, ra khu vực đường Lê Thánh Tôn, quận 1, ngay cửa sau chợ Bến Thành để nắm tình hình. Ra đến nơi, người dân thấy mấy ông Việt Cộng thì bỏ chạy tán loạn.

Mãi sau không thấy chúng tôi làm gì, một vài người mới rụt rè tiến lại gần chúng tôi ngắm nghía, sau đó hỏi nhỏ: “Các anh là bộ đội, là Bắc Kỳ phải không?”, chúng tôi gật đầu. Người đó hỏi tiếp: “Sao bảo Việt Cộng vào Sài Gòn sẽ bắt hết phụ nữ, rút móng tay sơn lòe loẹt, cắt tóc đàn ông để dài?”.

Tôi giải thích với họ rằng đó chỉ là luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, không có chuyện đó”. Họ hỏi tiếp: “Nghe nói Việt Cộng ai cũng ốm yếu như cò hương, 7 người đu lên ngọn đu đủ không gãy mà giờ nhìn mấy chú đẹp dzậy?”, nghe vậy chúng tôi chỉ biết cười”. Kể đến đây, ông Tấn ngừng lời, nét mặt xa xăm.

Ông Trần Văn Tấn: 'Buổi 'tiếp dân' trước cửa chợ Bến Thành là một trong những kỷ niệm đáng nhớ trong đời binh nghiệp của tôi'. Ảnh: BL.

Ông Trần Văn Tấn: "Buổi "tiếp dân" trước cửa chợ Bến Thành là một trong những kỷ niệm đáng nhớ trong đời binh nghiệp của tôi". Ảnh: BL.

Nhấp ngụm trà, ông kể tiếp: “Rồi sau đó họ dạn hơn, bắt đầu kéo lại, ban đầu vài chục, sau cả trăm người. Chúng tôi 3 người, đứng đấu lưng vào nhau quay mặt ra 3 hướng để trả lời họ. Cuộc “tiếp dân” kéo dài từ hơn 7 giờ sáng đến 10 giờ mới dứt. Thực ra, lúc đó chúng tôi cũng run lắm, mới giải phóng 3 ngày mà, an ninh mình chưa kiểm soát được, có thể rất nhiều thành phần “phía bên kia” còn đang đứng trước mặt mình, và dĩ nhiên chúng có súng trong người. Nhưng chúng tôi không thể rút, vì nếu không đối thoại với dân, có thể sẽ để lại ấn tượng rất xấu trong họ về người bộ đội Cụ Hồ lần đầu họ tiếp xúc. Vì thế, chúng tôi phải bình tĩnh, tỏ thái độ thân thiện với dân.

Khi tôi đang nói chuyện thì có một người đàn ông to cao, mặc áo sơ mi, quần tây, giày tây, kính râm, rất lịch sự, tiến lại trước mặt tôi hỏi 1 tràng: "Anh bao nhiêu tuổi, cấp bậc gì, được đào tạo qua trường lớp gì?”.

Sau khi tôi trả lời xong, anh ta nói tiếp: “Khi Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng cách mạng vô điều kiện, chúng tôi không đầu hàng, và vẫn nung nấu những quyết tâm. Nhưng hôm nay, nghe anh nói chuyện từ đầu đến giờ, tôi hiểu, một người lính cấp bậc thượng sỹ mà nói được như vậy thì chúng tôi thua là đúng. Bây giờ tôi chính thức xin đầu hàng.

Anh ta nói xong rút trong túi ra 1 khẩu súng hiệu browning nhỏ xíu, vỏ ngoài bằng thép sáng bóng, chìa phần báng súng về phía tôi, nói tiếp: "Tôi là Trung uý cảnh sát đặc biệt, các anh bắt tôi đi”. Tôi cầm khẩu súng của anh ta rồi bảo: “Quân cách mạng về đây với 3 chính sách là ngừng bắn, hòa giải, hòa hợp dân tộc và giải trừ vũ khí. Cho nên, chúng tôi chỉ thu vũ khí của anh, còn lại, anh có thể đến Ủy ban Quân quản hoặc đến ủy ban phường trình diện là được. Anh ta nghe tôi nói vậy thì xúc động lắm, nói: “Tôi cứ đinh ninh là gặp các anh sẽ chết”. Lúc này, hàng trăm người dân nãy giờ nín lặng nghe cuộc đối thoại, đến đây, họ vỗ tay rầm rầm.

Ông Tấn rất trăn trở với ngành điều, người trồng điều, và đang xây dựng một 'nhà truyền thống' ngành điều. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Tấn rất trăn trở với ngành điều, người trồng điều, và đang xây dựng một "nhà truyền thống" ngành điều. Ảnh: Phúc Lập.

Dấu giày trên thảm đỏ

Dấu giày này là một câu chuyện thú vị, là “cơ duyên” giúp ông Tấn trở thành nhạc sỹ không chuyên.

“Câu chuyện bắt đầu vào buổi sáng ngày 3/5/1975. Khi đó, tôi và 2 đồng đội đến Dinh Độc Lập, đi vào cổng phía đường Nguyễn Du. Vào cổng này phải đi qua một khu vườn mới đến Dinh. Thời điểm đó, khu vườn có 2 hố bom lớn, đó là 2 trái bom do phi công Nguyễn Thành Trung thả xuống Dinh ngày 8/4 nhưng bị lệch ra vườn. Đêm trước có một trận mưa lớn, khiến khu vườn toàn bùn đất nhão. Mọi người cứ thế lội qua bãi đất bùn này vào trong.

Bên trong Dinh, bắt đầu từ bậc tam cấp vào, dưới nền nhà được trải một tấm thảm đỏ còn mới, sạch tinh. Có lẽ do cái tên Dinh Tổng thống đã chiếm hết tâm trí chúng tôi, nên chẳng ai để ý dưới chân, cứ bước lên tấm thảm, đi thẳng vào trong.

Thời điểm này, người ta đang sửa chữa trần nhà bị trái bom thứ 3 bom của Nguyễn Thành Trung dội trúng, cầu thang bộ đang chất đầy giàn giáo, nên phải đi thang máy, mà chúng tôi chưa biết sử dụng thang máy. Trong lúc đứng đợi anh hướng dẫn xuống đưa lên, chúng tôi mới nhìn lại, thấy 3 cặp dấu chân đều tăm tắp, từ ngoài hiên vào đến chỗ mình đứng, nhìn xuống giày thấy bê bết bùn đất. Quả thực là lúc đó rất ngượng”, kể đến đây, ông Tấn lại cười to.

Chứng nhận bản quyền ca khúc 'Dấu chân người lính' của đại tá Trần Văn Tấn. Ảnh: Phúc Lập.

Chứng nhận bản quyền ca khúc "Dấu chân người lính" của đại tá Trần Văn Tấn. Ảnh: Phúc Lập.

Trầm ngâm giây lát, ông kể tiếp: “Sau này, tôi cứ nghĩ mãi về những dấu chân đó. Dấu chân người lính Cụ Hồ in trên thảm đỏ tòa nhà quyền lực nhất của “phía bên kia”. Đặc biệt lắm chứ. Đó là những dấu chân đến đích của một cuộc hành quân, kết thúc một cuộc chiến tranh. Giá lúc đó có máy ảnh ghi lại những hình ảnh đó thì thật giá trị. Năm 1979, sau khi học xong khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp TP.HCM, có chút “vốn liếng” văn thơ, tôi đã viết bài thơ “Dấu chân người lính”, được đăng trên báo Quân đội”.

Ông Tấn nói rồi tiến lại chiếc tủ sách, lôi ra một xấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả được ép nhựa cứng của gần 20 bài hát cùng 1 cuốn sổ cũ. Sau đó, ông lật giở cuốn sổ, bên trong có bài hát “Dấu chân người lính”, bắt đầu ngâm nga: “Rồi trưa ấy/ Ba mươi tháng Tư/ Ào ào thần tốc, anh để lại dấu chân trên thảm đỏ/ Trước thềm Dinh Độc Lập/ Dấu chân bụi đất, dấu chân dép lốp người lính Cụ Hồ…/ Dấu chân anh in trên thảm đỏ/ Dấu chấm hết cuộc chiến tranh gian khổ/ Bụi đất chiến trường in trên nhung lụa/ Tạc thành bức tranh lịch sử… máu và hoa…”.

Cây cầu gỗ độc mộc có tên Đồng Phú bắc qua con suối cùng tên, được tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) trao bằng xác lập kỷ lục 'Cây cầu gỗ lợp ngói bằng thân gỗ nguyên khối dài nhất'.  Ảnh: Phúc Lập.

Cây cầu gỗ độc mộc có tên Đồng Phú bắc qua con suối cùng tên, được tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) trao bằng xác lập kỷ lục “Cây cầu gỗ lợp ngói bằng thân gỗ nguyên khối dài nhất".  Ảnh: Phúc Lập.

Đến đây, ông Tấn dứt lời bằng một tràng cười sảng khoái. Đôi mắt lấp lánh niềm vui, ông kể tiếp: “Năm 2015, nhân dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, trong buổi hội ngộ đồng đội, tôi nhắc lại kỷ niệm. Lúc đó, tôi đã học qua nhạc lý cơ bản nên mang bài thơ ra hát đại, ai ngờ mọi người khen hay, vỗ tay rầm rầm, rồi nhờ người bạn là nhạc sỹ không chuyên Nguyễn Duy ký âm, chỉnh sửa, hòa âm, phối khí, thu băng.

Vậy là ca khúc “Dấu chân người lính” được phổ nhạc. Sau đó, tôi gửi bài hát cho đài truyền hình TP.HCM, không ngờ được phát trong chương trình ca nhạc đặc biệt “Thành phố 40 mùa hoa”, ca sĩ Triệu Lộc thể hiện. Chương trình quy tụ toàn những tác phẩm thuộc hàng “ngôi sao” của các nhạc sỹ, ca sỹ có tiếng, chỉ mỗi tôi là “mèo mù vớ cá rán” thôi. Cũng tự hào chứ nhỉ. Năm 2018, ca sỹ Trung Kiên hát bài này trong Hội diễn nghệ thuật doanh nhân, doanh nghiệp toàn quốc và đoạt huy chương vàng đấy”.

Không chỉ là một người lính, ông Tấn còn là một nghệ sĩ, và làm kinh tế rất giỏi. Ảnh: Phúc Lập.

Không chỉ là một người lính, ông Tấn còn là một nghệ sĩ, và làm kinh tế rất giỏi. Ảnh: Phúc Lập.

Tôi yêu rừng, mẹ tôi cũng thế

Nói về khu rừng gần 400ha đang làm dự án du lịch sinh thái, ông Tấn kể: “Những năm tháng làm lính, tôi khẳng định, nếu không có rừng thì chúng ta không thể thắng bất kỳ kẻ thù xâm lược nào. Vì thế, tôi yêu rừng, biết ơn rừng, coi rừng là máu thịt của mình. Bây giờ, rừng không còn nhiều, nên phải bằng mọi giá bảo vệ những khoảnh rừng “da báo” nhỏ bé này, rồi nhân rộng nó ra. Đó là lý do tại sao ở tuổi này, thay vì vui thú điền viên với gia đình, tôi lại đến đây chịu cực chịu khổ đêm ngày thế này”.

Từ những năm tháng được rừng che chở, nuôi sống, trong lòng ông Tấn đã có tình yêu lớn với rừng. Vì thế, năm 1995, khi nhà nước có chủ trương phủ xanh đất trống đồi trọc, giao đất lâm nghiệp cho cá nhân, doanh nghiệp để phát triển kinh tế bằng các dự án trồng rừng theo hướng đầu tư cây công, nông nghiệp, ông đã làm hồ sơ xin nhận khu rừng này.

Ông Trần Văn Tấn: 'Người có công đầu gầy dựng khu rừng này là mẹ tôi'. Ảnh: BL. 

Ông Trần Văn Tấn: "Người có công đầu gầy dựng khu rừng này là mẹ tôi". Ảnh: BL. 

“Hồi đó, đây là khu rừng nghèo, vẫn có những đám rừng chứ không phải đất trống, nhưng địa hình rất xấu, hết đồi dốc lại hồ, suối, khe. Trong khi những khu đất đẹp, bằng phẳng còn nhiều. Vì thế, chẳng ai nhận. Tôi thì không quan trọng đẹp xấu, miễn có đất, có rừng cho mình chăm là được. Thực ra, có được khu rừng như thế này là nhờ mẹ tôi.

Thời điểm nhận dự án, tôi còn đang công tác, mẹ tôi là người rất thích cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, với rừng chứ không thích phố xá ồn ào, bà khuyến khích tôi nhận và bảo sẽ lên đây sống để trồng, chăm sóc rừng. Nhờ vậy mà tôi quyết tâm làm cho bà vui. Mẹ tôi đã cho tôi rất nhiều bài học về tình yêu thiên nhiên, yêu rừng. Bà là người tiếp thêm tình yêu rừng có sẵn trong tôi.

Một trong những câu bà nói khiến tôi luôn nhớ, đó là: “Có cây là có tất cả con ạ”. Sau khi nhận dự án, mẹ tôi chính là người đầu tiên bảo vệ, chăm sóc và trồng rừng ở đây chứ không phải tôi. Bà sống ở đây cho đến những ngày cuối đời".

Năm 2008, ông Tấn xin giấy phép thành lập Công ty Cổ phần Vĩnh Phúc và được cấp phép hoạt động với ngành nghề kinh doanh trồng trọt, chăn nuôi hỗn hợp. Đến nay, Công ty Vĩnh Phúc đã có những thành quả bước đầu.

Ngọn sơn đăng cao hơn 100 mét trên đỉnh đồi ở trang trại Công ty Vĩnh Phúc, một trong số những công trình độc đáo của đại tá Trần Văn Tấn. Ảnh: Phúc Lập.

Ngọn sơn đăng cao hơn 100 mét trên đỉnh đồi ở trang trại Công ty Vĩnh Phúc, một trong số những công trình độc đáo của đại tá Trần Văn Tấn. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Tấn lái xe đưa chúng tôi tham quan một vòng trang trại, rừng. Vừa đi ông vừa tâm sự, thành quả đáng mừng nhất chính là khu rừng hơn 200ha với rất nhiều loại gỗ quí như lim, sao đen, chò chỉ, cẩm lai, giáng hương, dầu, nhờ được bảo vệ nghiêm ngặt mà nay rất đẹp, nhiều cây đã to gần 2 vòng tay ôm. “Công đầu là mẹ tôi, bà sống ở đây 12 năm, đã trồng hàng ngàn cây rừng. Riêng rừng xà cừ, toàn một tay bà trồng”, ông Tấn nói.

Ngoài khu rừng ra, trang trại của ông Tấn còn có gần 200ha khác, trong đó gồm 70ha cao su, 20ha điều, 20ha quýt đang cho thu hoạch. Hơn 30ha trồng rau, củ, quả. Ngoài ra còn một trại gà đẻ quy mô 120 ngàn con.

Trang trại hiện có 7ha mặt nước là hồ, ao với những đàn vịt trời, chim cò và rất nhiều cá. Phần đất còn lại cũng đã được phủ kín cây trồng, trong đó có nhiều loại cây ăn trái và đang từng bước hình thành một khu du lịch sinh thái rừng tự nhiên, với vườn cây hoa trái bốn mùa. Nhiều năm nay, thu nhập từ các nguồn lợi nói trên lên đến hàng chục tỷ đồng, được ông Tấn “đầu tư ngược” trở lại cho rừng, cho các công trình của khu rừng.

“Tôi làm theo lời mẹ, muốn để lại một công trình giá trị cho các đời sau, chứ ăn thì tiền lương hưu còn không hết, cần nhiều làm gì”, ông Tấn nói.

Vườn điều cổ thụ 30 năm tuổi trong trang trại công ty Vĩnh Phúc. Ảnh: BL.

Vườn điều cổ thụ 30 năm tuổi trong trang trại công ty Vĩnh Phúc. Ảnh: BL.

Xe hơi chạy trên những con đường đất đỏ gập ghềnh đồi dốc và khe suối gần 2 giờ, nhưng ông Tấn nói chỉ mới đi được một phần cánh rừng. Riêng hàng rào bao quanh khu rừng bằng lưới B40 có tổng chiều dài đến 17km cho thấy sự đầu tư lớn và quyết tâm giữ rừng của ông. Trong khu rừng nguyên sinh, ngoài những cây gỗ quý,  còn có nhiều loại thú như hươu, nai, heo rừng, khỉ, gà rừng, chồn, chim các loại... Hằng năm, người dân còn mang thú rừng đến đây để thả về tự nhiên như rắn, rùa, ba ba, thậm chí cả tê tê.

Trang trại Công ty Vĩnh Phúc có diện tích mặt nước khá rộng, được bảo vệ nghiêm ngặt nên động vật hoang dã ngày càng nhiều. Trong ảnh, thả cặp rùa về với tự nhiên. Ảnh: Phúc Lập.

Trang trại Công ty Vĩnh Phúc có diện tích mặt nước khá rộng, được bảo vệ nghiêm ngặt nên động vật hoang dã ngày càng nhiều. Trong ảnh, thả cặp rùa về với tự nhiên. Ảnh: Phúc Lập.

Lâu nay, Công ty Cổ phần Vĩnh Phúc chọn 2 ngày là 5/6 và 19/5 hằng năm để tổ chức trồng cây. “19/5 là ngày sinh Bác Hồ, còn 5/6 là ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước, đồng thời cũng là Ngày môi trường thế giới. Mình tổ chức tuần lễ trồng cây nhớ ơn Bác Hồ dịp này ở miền Đông Nam bộ là đúng nhất. Vì đây là thời điểm miền Nam đã vào mùa mưa nên trồng cây rất dễ sống”, ông Tấn nói.

“Từng có một vị cán bộ, trong lúc tham quan rừng đã buột miệng hỏi tôi: “Khi nào anh khai thác gỗ rừng?”, làm tôi rất ngạc nhiên. Đây là câu hỏi lạ nhất tôi từng nghe. Tôi trả lời vị ấy rằng “chưa bao giờ nghĩ đến chuyện khai thác cây rừng, và sẽ không bao giờ khai thác, dù là cây gỗ tạp. Tôi lấy “lộc rừng” từ nhiều nguồn khác chứ không đụng đến cây”.

Xem thêm
Việt Nam - Indonesia hợp tác thúc đẩy an ninh lương thực

Chiều 19/5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan hội đàm với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Insdonesia Andi Amran Sulaiman.

Công đoàn Bộ NN-PTNT thăm hỏi đoàn viên công tác nơi biên giới hải đảo

Ngày 17/5, Công đoàn Bộ NN-PTNT thăm hỏi, tặng quà đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn tại Công đoàn cơ sở thành viên Chi cục Kiểm ngư vùng V.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đề xuất phát hành 'trái phiếu chính quyền địa phương' làm các dự án trọng điểm

Lãnh đạo Thừa Thiên - Huế đề nghị phát hành ‘trái phiếu chính quyền địa phương’ huy động vốn đầu tư các dự án trọng điểm vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung.