| Hotline: 0983.970.780

Hoàn trả học phí đã thu thừa của phụ huynh

Thứ Năm 02/05/2024 , 19:11 (GMT+7)

QUẢNG NINH Một số trường học trên địa bàn thị xã Đông Triều do chưa nắm bắt được mức thu mới nên vẫn thu học phí theo mức cũ, cao hơn nhiều mức thu được quy định.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Mấy ngày gần đây, trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội, phụ huynh ở thị xã Đông Triều và một số địa phương trong tỉnh Quảng Ninh, bày tỏ băn khoăn về mức học phí trung học cơ sở (cấp 2) là 300.000 đồng/học sinh/tháng, trong khi đó Uông Bí là thành phố (trực thuộc tỉnh Quảng Ninh) lại có mức thu thấp hơn rất nhiều, chỉ 60.000 đồng/học sinh/tháng.

Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, một lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố Uông Bí, cho biết đúng là các trường cấp 2 ở Uông Bí đang thu 60.000 đồng/học sinh/tháng và mức thu này theo Nghị định 97/2023 của Chính phủ, ban hành ngày 31/12/2023.

Trong đó đã sửa đổi Khoản 3 Điều 9, học phí từ năm học 2023 - 2024 đối với cơ sở giáo dục chưa tự bảo đảm chi thường xuyên sẽ "giữ ổn định mức thu học phí từ năm học 2023 - 2024 bằng mức thu học phí của năm học 2021 - 2022 do HĐND tỉnh đã ban hành áp dụng tại địa phương".

Còn theo Nghị quyết 65/2021 của HĐND tỉnh Quảng Ninh, quy định mức học phí năm học 2021 - 2022 được chia làm 3 vùng, thành thị - nông thôn - dân tộc thiểu số và miền núi. Hệ mầm non vùng thành thị là 125.000 đồng/tháng, tiểu học được miễn, trung học là 60.000 đồng/tháng và trung học phổ thông là 125.000 đồng/tháng. Các vùng còn lại là nông thôn và dân tộc thiểu số sẽ thấp hơn.

Đây là mức thu dành cho năm học 2021 - 2022, còn năm 2022 - 2023 thì mức thu khác, cao hơn rất nhiều, chẳng hạn như khối trung học (cấp 2) ở thành thị là 300.000 đồng/tháng. Và hiện nhiều trường học cấp 2 tại Quảng Ninh vẫn đang giữ mức thu này.

Liên quan đến mức thu 300.000 đồng/học sinh/tháng dành cho cấp 2 tại thị xã Đông Triều, ông Đinh Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Quảng Ninh khẳng định "thu như thế là chưa đúng".

"Học phí kỳ 2 năm học này và từ nay đến hết 2025 - 2026 sẽ quay lại mức thu của năm 2021 - 2022, Uông Bí thu như thế là đúng. Còn trường nào thu thừa thì hoàn trả cho phụ huynh. Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể việc này", ông Sơn quả quyết.

Cũng liên quan đến mức thu học phí, một cán bộ ngành giáo dục ở Quảng Ninh đã phân tích thêm. Theo vị này, khi Quốc hội họp bàn về chủ trương tăng học phí thì Quảng Ninh là một trong những tỉnh tăng đầu tiên, lên 300.000 đồng/học sinh/tháng.

Năm học 2022 - 2023 đã thu đủ 300.000 đồng/học sinh/tháng đối với cấp 2 vùng thành thị. Sang năm học 2023 - 2024, kỳ 1 năm học tỉnh vẫn thu theo mức 300.000 đồng/tháng. Khi Nghị định 97 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/1/2024 thì tỉnh Quảng Ninh có chủ trương dừng thu mức cũ (mức 300.000 đồng/tháng) và thu mức mới (60.000 đồng/tháng). Tuy nhiên, do Nghị quyết của HĐND tỉnh chưa kịp thay thế nên tỉnh sẽ phải bù ngân sách, mỗi học sinh bù thêm 240.000 đồng/tháng để đảm bảo theo Nghị quyết cũ của HĐND tỉnh cho đến khi Nghị quyết mới ra đời.

"Tại sao tỉnh phải bù ngân sách, bởi liên quan đến rất nhiều trường tự chủ từ nguồn học phí vì thu 300.000 đồng/tháng mới tự chủ được để trả lương giáo viên. Giờ không được thu 300.000 đồng thì lấy đâu ra tiền để trả lương giáo viên và các chi phí khác, như vậy tỉnh sẽ phải bù vào. Nói chung việc này rất lằng nhằng", vị cán bộ giải thích.

Cũng theo vị này thì hiện tại các trường mới chỉ thu học phí kỳ 1, bắt đầu triển khai thu kỳ 2. Trên nguyên tắc, thu học phí chỉ được thu theo tháng chứ không được thu theo kỳ, bởi chúng ta lấy lương theo tháng chứ không được lấy lương theo kỳ nên không thể bắt phụ huynh nộp cả kỳ được. Tuy nhiên, thông thường phụ huynh muốn nộp gọn nên mới thu theo kỳ. Còn tiền học phí mà một số trường đã "thu nhầm" thì vị cán bộ khẳng định "chắc chắn sẽ hoàn trả chứ không ai đút túi được tiền này. Tuy nhiên, nếu tiền đã nộp vào ngân sách giờ rút ra trả lại cũng không hề đơn giản".

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.