| Hotline: 0983.970.780

Rừng phòng hộ liên tục bị xẻ thịt

Thứ Hai 30/07/2012 , 10:58 (GMT+7)

Vào giữa năm 2010, hơn 20 ha rừng phòng hộ đầu nguồn nằm trên địa bàn xã Canh Hòa (Vân Canh - Bình Định) bị lâm tặc khai tử. Vụ việc chưa được xử lý rốt ráo thì mới đây, những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn hồ chứa nước Núi Một nằm trên địa bàn huyện Vân Canh tiếp tục bị xẻ thịt.

Vào giữa năm 2010, hơn 20 ha rừng phòng hộ đầu nguồn nằm trên địa bàn xã Canh Hòa (Vân Canh - Bình Định) bị lâm tặc khai tử. Vụ việc chưa được xử lý rốt ráo thì mới đây, những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn hồ chứa nước Núi Một nằm trên địa bàn huyện Vân Canh tiếp tục bị xẻ thịt.

Máu rừng không ngừng chảy

Để tiếp cận với những cánh rừng phòng hộ vừa bị lâm tặc tàn phá trên địa bàn huyện Vân Canh, chúng tôi vượt qua lòng hồ Núi Một nằm trên địa bàn xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn (Bình Định) trong “vai” những người đi dạo rừng tìm hoa lan. Vừa đặt chân lên khu vực suối Tổ Mười thuộc địa bàn xã Canh Hiệp (Vân Canh), cảnh những cánh rừng hoang tàn đã bày lồ lộ trước mắt. Không ai có thể ngờ trong khu rừng dày đặc này lại có những tuyến “giao thông” thô sơ đan nhau dày đặc. Trên những con đường lồi lõm này, các vết bánh công nông còn hằn mới toanh. Quanh khu vực, đầy rẫy những gốc cây to đến 2 người ôm vừa bị đốn hạ bằng cưa máy, vết cưa còn mới, nhựa cây chưa kịp đông kết.


Những cây to vừa bị đốn hạ vết chặt còn mới nguyên

Đi dọc bìa rừng ven con suối Tổ Mười, chúng tôi lần theo những “tuyến giao thông” dẫn vào cánh rừng bát ngát phía trước mặt. Vừa qua khỏi cửa rừng 1 đoạn, chúng tôi lại đứng trước những cánh rừng tan hoang. Đúng nghĩa tan hoang. Bởi chỉ trong 1 phạm vi nhỏ, rộng chưa đầy 1 ha mà đã có đến hàng trăm cây cổ thụ bị đốn hạ. Hầu hết những cây gỗ đã bị lâm tặc khai tử là dẻ lá, dẻ sừng và muồng. Đây là những loại gỗ đang được thị trường đồ mộc rất ưa chuộng với giá khoảng 6,5 triệu đồng/khối. Cây nào cũng to đùng. Những cây có đường kính 30-40cm đã bị cưa đổ nhưng lâm tặc chưa kịp chuyển đi nằm la liệt khắp nơi, đếm không xuể.

Tiếp tục băng rừng tiến bước về khu vực thuộc tiểu khu 334 và 347a, qua tầm nhìn, chúng tôi đếm được có thêm 7 khoảnh rừng khác bị tàn phá nặng nề không kém. Dường như lâm tặc đã “quỷ quái” hơn, không phá rừng theo kiểu phá sạch từ ngoài vào trong như trước nên khó bị phát hiện. Chúng đang phá theo kiểu “da beo”. Cứ đốn hạ được khoảng 1 ha thì chúng “buông tha” cho cánh rừng bên cạnh, đi sâu vào khoảng vài ba trăm mét mới tiếp tục nổ máy cưa.

Có những khu vực lâm tặc chỉ phá theo kiểu “tuyển”. Đó là những khu vực nhiều gỗ quý, giá trị kinh tế cao như bằng lăng loại to, được thu mua bằng giá gỗ gụ. Tại tiểu khu 347a, bên cạnh vết bánh xe công nông, chúng tôi nhìn thấy một gốc gụ đường kính khoảng 65cm vừa bị cưa cách đó chừng vài ba ngày. Cách gốc gụ này chừng 300m, 2 cây dẻ sừng có đường kính gốc khoảng 75cm cũng vừa bị cưa hạ, nhựa tươi đang quánh lại.

Một người chăn bò thả rông ở khu vực đầu nguồn con suối, cho biết: “Cách đây vài hôm, có nhiều người dùng xe độ chế, chở theo cưa máy, xăng dầu và lương thực vào khu vực này tổ chức đốn hạ cây. Đốn xong, họ xẻ thành súc lớn rồi chở đi. Gỗ được chuyển ra khỏi rừng chủ yếu bằng con đường mòn đi qua ngõ đèo Sam, suối Tổ Mười, rồi về địa bàn xã Canh Hiệp”.

Lâm tặc ngày càng lộng hành

Tại tiểu khu 338 và 347b nằm trên địa bàn xã Canh Liên (Vân Canh), chúng tôi nhận thấy 3 ha rừng ở khu vực Suối Bùn bị phá vào năm 2006 đến nay chưa kịp phục hồi thì đã có thêm nhiều diện tích khác tiếp tục bị san bằng. Tiếp đến, vào khoảng giữa năm 2010, trong diện tích 450 ha rừng phòng hộ đã được giao khoán cho dân làng Canh Lãnh thuộc xã Canh Hòa tiếp tục bị phá đến 23,2 ha. Nạn đua nhau phá rừng tại những địa phương nằm ven rừng phòng hộ đầu nguồn đã hình thành nên những “làng lâm tặc”.


Lâm tặc đang thực hiện phá rừng theo kiểu “cuốn chiếu”

Theo điều tra của ngành chức năng, tại làng Canh Thành (xã Canh Hòa) có 300 hộ dân thì đã có đến 100 máy cưa chuyên dụng vào việc phá rừng. Ở làng Cà Te thuộc xã Canh Thuận có 63 hộ, hầu hết đều có tham gia phá rừng. Một lãnh đạo BQL rừng phòng hộ huyện Vân Canh cho biết thêm: “Thủ đoạn phá rừng ngày càng được lâm tặc thực hiện tinh vi hơn. Hàng ngày họ mang rựa vào rừng rong cây nhỏ để dọn đường. Đợi đến thứ bảy, chủ nhật, các ngày nghỉ, chúng vác cưa máy vào cưa hàng loạt. Do phá rừng hàng loạt bằng máy cưa nên tốc độ phá rất nhanh, khiến chúng tôi không phát hiện kịp thời”.

Biết rõ lực lượng giữ rừng chẳng có là bao, công cụ giữ rừng “hiện đại” nhất cũng chỉ có vài cái roi điện nên nếu đang thực hiện hành vi phá rừng mà gặp lực lượng chức năng đi kiểm tra, lâm tặc cũng coi như chẳng có gì. “Nhiều lần anh em tụi tui đi kiểm tra bắt tại trận chúng đang nổ máy cưa cây, chẳng những chúng không sợ mà còn dùng hung khí đuổi anh em tui chạy có cờ”, 1 cán bộ BQL rừng phòng hộ đầu nguồn huyện Vân Canh tâm sự.

“Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Vân Canh, tình trạng phá rừng trên địa bàn huyện Vân Canh nói chung và RPHĐN hồ Núi Một diễn biến phức tạp. Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm đã nắm sơ bộ các trường hợp phá rừng, đang chỉ đạo cho Hạt Kiểm lâm Vân Canh phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành xác lập hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Lê Đình Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định.

Ngay cả những cánh rừng đã được giao cho các hộ dân quản lý, bảo vệ, khi bị lâm tặc phá cũng không được các chủ rừng báo cáo cho cơ quan chức năng. Ví như ở làng Canh Tiến có gần 100 hộ, với trên 400 nhân khẩu được nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn (RPHĐN) hồ Núi Một từ Cty Lâm nghiệp Hà Thanh, mỗi hộ từ 10 đến 19ha.

Thế nhưng khi rừng bị phá, họ không hề có động tĩnh gì. Hiện đã có một số đối tượng phá rừng “lì lợm” đang nằm trong “tầm ngắm” của ngành chức năng như: Nguyễn Văn Lam (xâm lấn rừng tại TK 338); Đinh Văn Phủm, Đinh Văn Thoại (phá rừng tại TK 334, 347a); Đinh Văn Giăng (xâm lấn đất lâm nghiệp trong rừng phòng hộ tại TK 315, 316); Đinh Văn Tất (chặt phá rừng tại TK 338). Tuy nhiên, ngành chức năng của huyện Vân Canh mới chỉ “ngắm” chứ chưa có biện pháp xử lý những đối tượng trên.

Đáng quan ngại hơn cả là ngoài lực lượng lâm tặc chuyên nghiệp, trong số những đối tượng phá rừng ở Vân Canh trong thời gian vừa qua còn có nhiều cán bộ, đảng viên cơ sở của nhiều địa phương tham gia. Ông Nguyễn Trọng Hường - Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh cho biết: “Trong vụ phá rừng vào giữa năm 2010, ngoài xử lý gần 50 đối tượng tham gia, chúng tôi còn xử lý nghiêm khắc gần 20 cán bộ, đảng viên ở 2 xã Canh Thuận và Canh Hòa có dính líu”.

Ông Phạm Thanh Giảng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vân Canh, khẳng định: “Chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra thực tế. Qua đó, tại những tiểu khu bị chặt phá, trạng thái đất rừng thuộc nhóm 1a, 1b, 1c là diện tích đất lâm nghiệp nằm trong khu vực rừng phòng hộ. Do vậy việc giải quyết này thuộc trách nhiệm của BQLRPH Vân Canh”.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm