| Hotline: 0983.970.780

Đóng cửa rừng, lợi bất cập hại

Thứ Ba 11/12/2012 , 09:25 (GMT+7)

Căn cứ thực tế, nhiều ý kiến cho rằng việc đóng cửa rừng “không chắc giúp diện tích rừng giảm thu hẹp”, thậm chí còn dẫn tới những hệ lụy “lợi bất cập hại”.

“Đóng cửa rừng”, về lý thuyết hẳn nhiên là diện tích rừng sẽ không còn bị thu hẹp. Thế nhưng căn cứ thực tế, nhiều ý kiến cho rằng “không chắc như vậy”, thậm chí còn dẫn tới những hệ lụy “lợi bất cập hại”.

Đóng “cửa trước”, trống “cửa sau”

Trong khu vực Duyên hải miền Trung, Quảng Ngãi là tỉnh đi tiên phong trong việc đóng cửa rừng (năm 2002). Sau 10 năm “đóng cửa”, thực tế cho thấy những cánh rừng tự nhiên ở đây không những đã không được bình yên mà còn bị “bỏ ngỏ”, mặc sức cho lâm tặc quấy phá.

Theo ông Trần Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, từ khi đóng cửa rừng, những Cty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh này bỗng lâm vào thế bí. Bởi sau khi không còn khai thác rừng tự nhiên, chỉ còn làm nhiệm vụ trồng và kinh doanh rừng sản xuất, nhưng vẫn còn phải “lãnh” trách nhiệm bảo vệ những diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn, họ không biết lấy đâu ra kinh phí để thực hiện công tác bảo vệ. “Nguồn thu từ khai thác rừng SX chỉ đủ tái SX, trả lương cho CBCNV. Còn những diện tích rừng tự nhiên tuy có trách nhiệm phải bảo vệ nhưng lại không được cấp kinh phí. Nếu vì không có kinh phí mà không lo bảo vệ, để xảy ra nạn phá rừng trái phép trên địa bàn thì doanh nghiệp sẽ bị quy trách nhiệm. Trước những bất cập này, các doanh nghiệp lâm nghiệp đã báo cáo lên UBND tỉnh nhiều lần nhưng tỉnh cũng... bí”, ông Dũng nói.


Nếu rừng không được bảo vệ, lâm tặc sẽ chọn cây tốt mà đốn

Khi còn khai thác rừng tự nhiên, những đơn vị chủ rừng dốc sức đầu tư giao thông để vận chuyển lâm sản, CBCNV của các chủ rừng thường xuyên có mặt trong rừng, nên dẫu lâm tặc có lăm le khai thác trái phép cũng không dám liều. Từ khi “đóng cửa”, rừng vắng bóng lực lượng BVR, lập tức diễn ra cảnh “vắng chủ nhà, gà vọc niêu tôm”. Rừng vắng, sẵn đường giao thông của các chủ rừng để lại, lâm tặc ung dung phá phách. Ông Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, cho biết thêm: “Những diện tích rừng tự nhiên mà các Cty lâm nghiệp có trách nhiệm bảo vệ thường nằm giáp ranh với nhiều huyện miền núi khác trong tỉnh, thậm chí có địa bàn giáp ranh với cả huyện An Lão (Bình Định). Nếu không được bảo vệ tốt thì đó là “vùng đất hứa” của lâm tặc. Khi còn khai thác, các chủ rừng có kinh phí trồng lại rừng, tổ chức tuần tra, bảo vệ và thực hiện công tác PCCC rừng.

Thế nhưng trong thời gian gần đây, chúng tôi nhận thấy xảy ra hiện tượng các chủ rừng rất ngại đi kiểm tra rừng vì không có kinh phí chi cho anh em làm công tác này. Và nếu phát hiện được những vụ khai thác lậu của lâm tặc, họ cũng chỉ xua đuổi chứ không vây bắt như trước đây. Bởi khi bắt, phải lập biên bản, vận chuyển lâm sản về cơ quan, rồi phải mời đoàn này đoàn kia (công an, kiểm lâm, thuế...) đến hiện trường thì lấy nguồn tiền đâu ra mà chi phí”.

Cũng là cách làm giàu rừng

Theo quan điểm của ông Trần Dũng, nếu đối tượng rừng đưa vào khai thác là rừng có trữ lượng trung bình (từ 101 - 200 m3/ha) trở lên, quần thể cây rừng đã đạt tuổi thành thục công nghệ. Nếu không khai thác cây rừng sẽ dần chuyển sang giai đoạn già cỗi (thành thục tự nhiên), dễ bị bọng, sầu, rỗng ruột, chết khô... không chỉ gây lãng phí về tài nguyên mà còn làm ảnh hưởng xấu đến môi trường rừng. “Khi còn khai thác, trong 1 ha rừng, các đơn vị chỉ chọn khai thác có mười mấy cây, mà toàn những cây đã bị sâu bệnh và mục ruỗng, những cây tốt để lại để gây giống. Theo nguyên tắc lâm sinh, đây cũng là 1 cách làm sạch rừng và làm giàu thêm cho rừng. Trong khi đó, nếu rừng bị bỏ ngỏ, lâm tặc sẽ lén lút khai thác trái phép theo những cách ngược lại là khai thác trọc hoặc chỉ chọn những cây tốt”, ông Dũng nói.

Tham khảo thêm tình hình khai thác rừng tự nhiên tại địa bàn Bình Định trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Nghĩa, GĐ Cty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh (Vân Canh), cho biết thêm: “Cây gỗ mà chúng tôi đưa vào khai thác phải đạt được các chỉ tiêu về lâm học và phân bố tương đối đều trên diện tích khai thác. Cường độ khai thác không quá 35% trữ lượng rừng. Trong quá trình khai thác, chúng tôi còn chặt hạ, loại bỏ những cây cong queo, sâu mục, cụt ngọn; cây phi mục đích, chèn ép, thắt nghẹt cây gỗ khác; cải thiện chất lượng rừng, tạo điều kiện cho thế hệ cây tái sinh tầng dưới phát triển. Sau khai thác, rừng được đưa vào nuôi dưỡng, quản lý bảo vệ”.

Từ hoạt động khai thác và các hoạt động lâm sinh khác, các đơn vị chủ rừng ở Bình Định ngoài giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động của công ty, còn tạo được công việc cho hàng ngàn lao động địa phương khi tham gia nghề rừng. Cuộc sống của những hộ dân sống gần rừng được cải thiện đáng kể. Ngoài ra, hàng năm, các đơn vị chủ rừng còn trích từ lợi nhuận kinh doanh hỗ trợ người nghèo, giúp địa phương phát triển kinh tế và xây dựng một số công trình phúc lợi.

“Không có hoạt động khai thác, nhiều lao động sẽ phải chuyển sang nghề khác. Lực lượng này khá rành về rừng núi, về cây rừng. Rất có thể một số người trong số lực lượng này sẽ quay lại phá rừng”, ông Nguyễn Văn Nghĩa, GĐ Cty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh, lo lắng.

Nếu Bình Định “đóng cửa rừng”, tổ chức giao khoán rừng tự nhiên, chỉ tính với mức 200.000 đồng/ha/năm như hiện nay thì với 24.469 ha rừng tự nhiên trên địa bàn 2 huyện Vân Canh và Vĩnh Thạnh, hàng năm Bình Định phải chi ra 4.894 triệu đồng cho công tác giao khoán BVR. Trong khi đó, việc nhận khoán BVR hiện đang được đánh giá là kém hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu do mức khoán BVR thấp, người nhận khoán không nhiệt tình, không thường xuyên đi thăm, kiểm tra rừng; lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách quá mỏng và nguồn kinh phí chi cho các hoạt động còn eo hẹp, khó khăn. Đơn cử, hàng chục ha rừng tự nhiên ở huyện Vân Canh mặc dù đã được BQL Rừng phòng hộ huyện này giao khoán cho người dân địa phương nhưng trong thời gian qua vẫn liên tục bị tàn phá.

Không chỉ vậy, rừng tự nhiên ở Vân Canh và Vĩnh Thạnh chủ yếu nằm ở vùng giáp ranh với tỉnh Gia Lai. Tiếp cận rừng từ phía Bình Định thì phải leo dốc, đường đi hiểm trở. Thế nhưng tiếp cận từ phía tỉnh Gia Lai thì rất thong dong vì đường đi bằng phẳng. Do vậy, nếu công tác quản lý bảo vệ rừng không tốt, thì rừng rất dễ bị xâm hại từ phía Gia Lai.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.