Triển lãm Công nghiệp hóa chất Việt Nam lần thứ 20 (Vinachem Expo 2024) sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC) từ ngày 27 - 29/11.
Năm nay, Vinachem Expo 2024 được tổ chức đồng thời với 7 nhóm triển lãm quốc tế chuyên ngành: hoá chất nông nghiệp và bảo vệ thực vật; trang thiết bị hóa chất; công nghiệp sơn và vật liệu phủ; chất kết dính và băng keo; cao su và săm lốp; công nghệ - sản phẩm ngành nhựa; công nghệ sinh học.
Triển lãm có quy mô hơn 700 gian hàng của 500 doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế đến từ hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ: Australia, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Campuchia, Đài Loan, Thái Lan... tham dự; tạo môi trường thuận lợi cho các nhà quản lý, nhà sản xuất, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp trong nước và quốc tế gặp gỡ, tăng cường học hỏi trao đổi kinh nghiệm chuyên sâu, giúp nhà đầu tư trong nước và quốc tế nắm bắt được chủ trương, chính sách, nhu cầu, thông tin về tình hình đầu tư tại Việt Nam, tối đa hóa hiệu quả hợp tác và các cơ hội kinh doanh.
Trong thời gian triển lãm, ngoài Lễ ký kết ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa các hiệp hội ngành hàng và đối tác quốc tế, tại triển lãm còn diễn ra các chương trình hội thảo, tọa đàm, diễn đàn với các chủ đề liên quan.
Các hoạt động với sự phối hợp, tham dự, trao đổi thảo luận của đông đảo doanh nghiệp trong nước và quốc tế, lãnh đạo đại diện các ban ngành, lãnh đạo đại diện Cục Hoá chất, Cục Bảo vệ thực vật, Hội Doanh nghiệp Sản xuất và Kinh doanh Thuốc BVTV Việt Nam, Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Hiệp hội Trang trại & Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Cao su Việt Nam, Hiệp hội Bao bì Việt Nam, Hiệp hội Sơn và Mực in Việt Nam, Hiệp hội Nhựa TP. Hồ Chí Minh,…
Vinachem Expo và các triển lãm chuyên đề diễn ra đồng thời được doanh nghiệp, giới chuyên môn trong nước và quốc tế đánh giá là sự kiện quốc tế chuyên ngành lớn nhất tại Việt Nam, tạo động lực giúp các doanh nghiệp trong nước tập trung nguồn lực đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển đổi cơ cấu từ sản xuất kinh doanh truyền thống sang phát triển kinh tế ngành đạt hiệu quả, bền vững, đa dạng, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên.