| Hotline: 0983.970.780

Thương lái "bỏ của chạy lấy người"

Thứ Hai 22/04/2013 , 09:57 (GMT+7)

Đến thời điểm thu hoạch, dưa hấu đã được bốc xếp lên xe nhưng thương lái cũng chẳng xuất hiện để thanh toán theo các điều khoản đã được ký kết trong hợp đồng.

Tháng tư, trời nắng như đổ lửa, trên những ruộng dưa hấu ở các đội Sao Vàng, Truyền Thống, thị trấn Việt Trung (Bố Trạch-Quảng Bình), bà con nông dân đang hối hả thu hoạch vụ dưa chính trong năm.

Thời điểm này, điệp khúc “được mùa mất giá” đang hiện hữu nơi đây khi giá dưa hấu đã tụt hơn một nửa so với năm ngoái, đồng thời một số chủ ruộng dưa lâm vào hoàn cảnh dở khóc dở cười vì thương lái “chạy làng”...

Năm nay, ở thị trấn Việt Trung có trên 100 ha dưa hấu, trong đó tập trung chủ yếu ở đội Sao Vàng 45ha và Truyền Thống 35ha, còn lại là diện tích nhỏ lẻ ở các hộ dân khác trong thị trấn. Ngay từ đầu vụ, một số hộ trồng dưa rất vui mừng vì đã được một thương lái tên là Phan Thị Thu (ở thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ -Bình Định) ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Theo đó bà Thu sẽ mua cho bà con dưa có trọng lượng từ 1,5 kg/quả trở lên với giá bình quân là 5.000 đ/kg.

Ông Hà Sỹ Phú (chủ hộ trồng dưa ở đội Sao Vàng) cho hay: “Thực ra với giá đó thì cũng không phải là cao, nhưng với nông dân có người thu mua cho là tốt rồi. Với lại bà Thu cũng cho mọi người ứng trước một số tiền để mua giống dưa, phân bón nên cũng được. Thêm vào đó, bà Thu cũng là bạn hàng truyền thống của bà con nơi đây mấy năm liền nên coi như người nhà”.


Thương lái “chạy làng” nên bà con bị lỗ nặng

Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang” vì khi đến thời điểm thu hoạch, dưa hấu đã được bốc xếp lên xe nhưng thương lái cũng chẳng xuất hiện để thanh toán theo các điều khoản đã được ký kết trong hợp đồng. Sáng 18/4, khi chúng tôi có mặt ở đội Truyền Thống, nhiều xe hàng đã được bốc đầy nhưng không thể lăn bánh được vì thương lái đã chạy mất tiêu.

Ông Phú buồn thúi ruột: “Tuy giá dưa có thấp hơn so với năm trước chút đỉnh nhưng gia đình yên tâm vì đã có đầu ra. Đến kỳ hạn ghi trong hợp đồng, gia đình tui tiến hành thu hoạch, vận chuyển dưa về bãi hàng rồi bốc xếp lên xe nhưng phút cuối thương lái không đến thanh toán vì mất khả năng chi trả. Nghe đâu bà Thu làm ăn bị lừa hay thiếu nợ, bể nợ chi đó phải lên đồn công an để tránh xô xát”.

 Hàng chục tấn dưa nhà ông Phú được thu hoạch và cho lên xe bây giờ như “rắn mất đầu”. Ngay cả cánh lái xe cũng bị vạ lây. Cánh tài xế xe tải do bà Thu thuê vận chuyển dưa hấu đang vào thế “tiến thoái lưỡng nan” khi hàng đã bốc lên xe nhưng cũng chẳng biết vận chuyển đi đâu vì chủ hàng biệt tăm biệt tích.

Anh Nguyễn Văn H., tài xế xe tải biển số 77 H- 09...quê ở Bình Định, hết đứng lên lại ngồi xuống sau đuôi xe tải: “Chúng tôi được bà Thu thuê ra Quảng Bình chở dưa hấu ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ. Lái xe ra đây cứ tưởng có thêm thu nhập trong thời buổi khó khăn này, vậy mà suốt mấy ngày qua phải bỏ tiền túi ra mua xăng dầu, đến khi hết tiền lại phải xin bà con ở đây bữa ăn qua ngày. Nhờ mấy anh nói dùm với bà con giải phóng hết số dưa đã bốc lên xe (21 tấn) để chúng tôi vào, như thế này khổ lắm!”.

May mắn cho bà con, trong lúc rối như tơ vò thì một thương lái ở thị trấn Hoàn Lão lên thu mua dưa cho. Nhưng thương lái này cũng chỉ đặt giá với mức 3.500 đ/kg, bà con kêu lỗ nặng quá, thương lái cũng “kêu” mua tù mù thế này không biết mang đi bán có được không. Rốt cuộc, sau một hồi nâng lên đặt xuống giá dưa hấu được hai bên “vỗ tay” với mức giá 3.600 đ/kg.

“Đành rằng biết giá đó là bà con cầm chắc lỗ, nhưng không lẽ nhìn dưa thối, hư hỏng mà không bán được”- ông Phú ngậm ngùi. Theo tính toán của bà con thì bán với giá đó, mỗi ha dưa lỗ 2- 3 triệu đồng. Cánh lái xe thở phào như trút được gánh nặng vì có người mua là chạy hàng được. Nhưng rồi thương lái lại “yêu sách” là mua nợ, khi bán xong hàng mới quay lại trả tiền. Bà con lại như “cầm dao đằng lưỡi”...

Chúng tôi tiếp tục hành trình vào vựa dưa hấu lớn nhất của thị trấn Việt Trung. Vượt qua quãng đường dài, chúng tôi bắt gặp dưới tán rừng cao su bãi tập kết dưa hấu chất cao như núi. Ở đây nhộn nhịp cảnh người mua kẻ bán với hàng loạt xe tải cỡ lớn nối đuôi nhau chờ ăn hàng.

“Với mức thu mua tại ruộng là 4.300 đ/kg, tui tính lãi khoảng 20 triệu đồng mỗi ha, nhưng chưa trừ đi công sức chăm sóc, nhân công thu hoạch. Nhưng vậy cũng còn đỡ. Chứ “dính” vô thương lái chạy làng rồi phải bán tống bán tháo lỗ chết, như bà con ngoài Truyền Thống thì cũng khổ và tội lắm”, (anh Trần Sĩ Hoài).

Ông Phan Thanh Thế, nhà ở tiểu khu 10 thị trấn Việt Trung cho hay, vụ dưa năm nay gia đình trồng được 1ha ở xứ đồng Sao Vàng, năng suất trung bình khoảng từ 15-17 tấn/ha. Năm nay bà con được mùa dưa nhưng giá thấp, đầu vụ giá 6.000 đ/kg giờ chỉ còn 4.300 đ/kg. So với vụ dưa hấu năm trước, có thời điểm giá chạm đỉnh 8.300 đ/kg sau đó giảm xuống còn 7.200 đ/kg, bà con trồng dưa thu lãi lớn sau khi đã trừ đi chi phí. Nhưng năm nay lại khác, việc bán dưa làm bà con oải hết người.

Bên đống dưa để dưới tán cao su, ông Thế ngồi đợi xe thương lái vào bốc hàng kể: “Khi thu hoạch, thương lái đã báo giá mua là 6.500 đ/kg. Gia đình thuê người hái, vận chuyển tập trung về đây được hơn 40 tấn. Hồi sáng, thương lái gọi điện hạ xuống còn 5.500 đ/kg. Tui làm căng thì họ nói là không mua nữa, họ bỏ lại tiền đặt cọc. Thôi thì chịu lún cho rồi. Tính ra, bãi dưa của nhà tui mất đứt trên 40 triệu đồng. Nhưng không bán thì với cái nắng này, dưa mau hư lắm”.

Trên cánh đồng dưa Sao Vàng nắng rát, anh Trần Sĩ Hoài bổ qủa dưa hấu mời chúng tôi. Dưa đỏ tươi, cắn vào nghe ngọt lịm, tan ra đầu lưỡi, xua đi cái nóng hầm hập. Anh Hoài tính, hơn ba tháng nay với cảnh “ăn cùng dưa, ngủ cùng dưa”, cùng với khoản đầu tư khoảng 40 triệu đồng cho 1ha dưa hấu của gia đình, tưởng đến kỳ thu hoạch sẽ được giá, ai ngờ dưa rớt như trái rụng.

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm