| Hotline: 0983.970.780

Thêm một bài học với doanh nghiệp Việt khi làm ăn với đối tác UAE

Thứ Bảy 27/04/2024 , 11:29 (GMT+7)

Dù may mắn nhận lại tiền, song sự vụ này đã tiếp tục nối dài thêm câu chuyện và những bài học của doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn với đối tác UAE.

Bộ Công Thương vừa phát đi thông tin chính thức liên quan đến sự vụ lô hàng nhựa nhập khẩu "nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo" 526.257 USD (hơn 13,4 tỷ đồng) của đối tác UAE với một doanh nghiệp Việt Nam.

Theo Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), hôm 20/3, đơn vị này đã nhận được thư điện tử của một doanh nghiệp Việt Nam đề nghị hỗ trợ giải quyết vụ việc liên quan đến lô hàng nhập khẩu từ một đối tác tại UAE, nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo.

Cụ thể, trong tháng 1-2/2024, doanh nghiệp này đã ký 3 hợp đồng mua hàng với đối tác UAE, có tổng lượng mua là 1.000 tấn nhựa PET. Giá trị theo hợp đồng là 665.500 USD giao hàng tại Hải Phòng theo hình thức CFR.

Đến ngày 13/3/2024, doanh nghiệp Việt Nam đã thanh toán cho đối tác số tiền là 526.257 USD. Sau khi nhận đặt cọc, đối tác UAE đã tiến hành giao 25 container hàng cho doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi mở tờ khai và nhập hàng vào kho, doanh nghiệp Việt Nam phát hiện trọng lượng hàng thực tế trong mỗi container chỉ bằng 15 - 20% so với hóa đơn chứng từ.

Trong quá trình kiểm hóa, nhập hàng, doanh nghiệp này có tiến hành với sự phối hợp của đơn vị giám định độc lập và dưới sự chứng kiến của Chi cục Hải quan ở địa phương.

Sau sự cố, doanh nghiệp Việt Nam cho biết đã trao đổi với đối tác để cùng giải quyết nhưng phía bên kia không có phản hồi tích cực. Trước tình hình đó, doanh nghiệp Việt đã phải liên hệ với Bộ Công Thương Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại UAE đề nghị hỗ trợ giải quyết vụ việc.

Một nhân viên phân loại nhựa có thể tái chế tại một nhà kho và cơ sở phân loại tại Dubai. Ảnh Reuters

Một nhân viên phân loại nhựa có thể tái chế tại một nhà kho và cơ sở phân loại tại Dubai. Ảnh Reuters

Ngay sau khi nhận được đề nghị của doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại UAE khẩn trương có công hàm gửi các cơ quan chức năng ở sở tại, đồng thời trực tiếp làm việc với đối tác của doanh nghiệp Việt Nam cũng như lãnh đạo Ngân hàng tiến hành giao dịch đề nghị hỗ trợ tạm giữ số tiền giao dịch giữa hai bên để làm rõ sự việc, bảo đảm lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp.

"Đến ngày 11/4/2024, doanh nghiệp Việt Nam đã nhận lại đủ số tiền tạm ứng cho đối tác UAE và giúp công ty tránh thiệt hại 526.257 USD (tương đương với 13,4 tỷ đồng)", Bộ Công Thương thông tin.

Rất nhiều sự cố "có dấu hiệu lừa đảo" liên quan tới đối tác tới từ UAE

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi, với tiềm năng, dư địa để phát triển còn rất lớn.

Thương mại song phương giữa hai nước những năm gần đây liên tục được duy trì ở mức cao trên 4 tỷ USD, đạt hơn 4,4 tỷ USD trong năm 2022; tăng lên gần 4,7 tỷ USD năm 2023 và đã đạt hơn 1,72 tỷ USD tới hết quý 1/2024. Trong đó, cán cân thương mại củaViệt Nam với UAE luôn ở chiều thặng dư và đạt mức cao.

Tuy nhiên, liên quan đến các đối tác từ UAE, đã không ít lần doanh nghiệp Việt Nam, kể cả nhập khẩu lẫn xuất khẩu phải nếm trải những "quả đắng" khi giao thương cùng; đặc biệt là với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Đơn cửa, giữa tháng 7/2023, NNVN đã thông tin việc một số doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu, điều, hoa hồi vào thị trường UAE đồng loạt lên tiếng về việc nghi bị lừa đảo 5 container hàng xuất khẩu. Theo đó, dù hàng đã bị lấy ra khỏi cảng nhưng doanh nghiệp chưa nhận được tiền, trong khi bộ chứng từ gốc bị mất.

Và phải sau 3 tháng, tức là đến giữa tháng 10/2023, với sự sự phối hợp, hợp tác tích giữa cơ quan quản lý và các bên liên quan, Ngân hàng Ajman Bank (UAE) mới hoàn trả lại số tiền gần 355.000 USD cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Nguồn số liệu công bố từ Tổng cục Hải quan.

Nguồn số liệu công bố từ Tổng cục Hải quan.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), trong các sự vụ trên, giao dịch lừa đảo xảy ra ngay tại chính ngân hàng bên mua nơi các doanh nghiệp này gửi bộ chứng từ nhờ thu, liên quan đến nhân sự và nghiệp vụ giao dịch của ngân hàng, có dấu hiệu bắt tay hợp tác lừa đảo giữa ngân hàng và người mua.

Đặc biệt là trong giai đoạn xảy ra dịch đại COVID-19, Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại UAE đã liên tục tiếp nhận, phát hiện và xử lý nhiều trường hợp doanh nghiệp Việt Nam nhận được lời mời chào bán, mua hàng, ký kết hợp đồng giao dịch thương mại có dấu hiệu lừa đảo, gian lận từ đối tác có trụ sở tại UAE.

Trước dịch COVID-19, từ giữa năm 2017, dư luận cũng từng xôn xao khi 13 doanh nghiệp nhập khẩu trái cây từ UAE bị tố "có dấu hiệu lừa đảo" với công ty Việt Nam. Trong đó, nhiều doanh nghiệp UAE đã bị kiện ra tòa bởi không thanh toán tiền cho bên xuất khẩu.

Các công ty UAE này thường lừa đảo theo hình thức như giao dịch với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam và thuyết phục ký hợp đồng xuất khẩu trái cây với phương thức thanh toán là 50% trả tiền sau khi nhận bản scan chứng từ gửi hàng và 50% thanh toán sau khi nhận được hàng đúng chất lượng.

Tuy nhiên, sau khi nhận bản scan chứng từ, Công ty UAE gửi chứng từ cho doanh nghiệp Việt Nam để lấy chứng từ gốc, rồi liên tục lấy lý do trục trặc ngân hàng để lấp liếm việc phát hành thanh toán giả trì hoãn, không tiến hành việc thanh toán (thậm chí là cả khoản 50% đầu tiên).

Thêm một bài học với doanh nghiệp Việt

Đó là nhận định của ông Hoàng Trung Đức, Founder kiêm CEO của Pricing Center Vietnam - một nền tảng cung cấp dữ liệu cho ngành Logistics với phóng viên NNVN về sự vụ "lừa đảo" hơn 13,4 tỷ đồng trên.

Theo ông Đức, trong hoạt động thương mại, sẽ có rất nhiều yếu tố cấu thành nên 1 giao dịch nhưng để đảm bảo đc lợi ích, tránh rủi ro... thì ko dễ, đặc biệt khi nhập khẩu - mua hàng ko có sự giám sát, hoặc có bên thứ 3 giám định, đảm bảo.

Với số tiền hợp đồng lên tới 13-14 tỷ đồng giao dịch lần đầu nhưng lại ko cử người sang giám sát đóng hàng - hoặc thuê bên thứ 3 giám sát là một sai lầm của doanh nghiệp.

Ông Đức cũng cho rằng, doanh nghiệp không nên áp dụng máy móc các điều khoản khi thương thảo, giao dịch thương mại. Bởi các điều khoản chỉ là ranh giới phân định trách nhiệm, rủi ro khi có vấn đề phát sinh chứ hoàn toàn không có tính chất bắt buộc hay có thể bảo vệ đầy đủ quyền lợi trong giao dịch.

Ngoài ra, trong quy trình nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam hay quốc tế, ông Đức thấy đều có chung một vấn đề là chất lượng hàng hoá khó phân định. Vì phân định hoặc kiểm tra cần nhiều thời gian, công sức, tiền bạc... Trong khi đó, doanh nghiệp Việt khi mới giao thương lần đầu thường "rất non" trong khâu đàm phán. Đặc biệt là việc giám sát, chất lượng.

Kế đến là các vấn đề giao hàng, thanh toán. Đây cũng là một bài học đặc thù cho các nhà nhập khẩu! Việc mặc cả của các doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế - thậm chí tự đặt mình ở vị trí "cửa dưới" do nóng vội.

"Thật ra ai giao dịch xuất nhập khẩu, tìm kiếm thông tin online đều ko lạ gì các sàn thương mại B2B. Đây cũng chính là nơi 'đãi cát tìm vàng' - thật giả lẫn lộn và đương nhiên là thiên đường cho những kẻ, tổ chức lừa đảo quốc tế. Đa phần những kẻ, tổ chức lừa đảo này đánh vào lòng tham của người mua, bán. UAE là nơi giao dịch sầm uất nhất ở Trung Đông, do đó tỷ lệ lừa đảo sẽ cao khi có nhiều doanh nghiệp giao dịch hơn...", ông Hoàng Trung Đức chia sẻ.

Xem thêm
Nhiều thị trường sẽ 'theo chân' EU về quy định không gây mất rừng

Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng sẽ theo EU bởi đây là xu thế tất yếu trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon, hướng đến phát triển bền vững.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lộc Trời ghi nhận doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng trong quý I/2024

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời vừa công bố hoạt động kinh doanh quý I/2024 với doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.