| Hotline: 0983.970.780

Rào cản bủa vây thủy sản Nghệ An: [Bài 2] Sẵn sàng làm công không lương

Thứ Ba 16/04/2024 , 06:00 (GMT+7)

Tính chất công việc đầy rẫy rủi ro không khiến bộ phận kiểm ngư Nghệ An nản lòng. Trong thế khó, họ vẫn không từ bỏ, bởi thực tâm yêu biển, yêu nghề.

Anh Tạ Quang Thắng (trái) và Trần Trọng Thành sẵn sàng làm không công để đảm bảo an toàn cho 2 tàu kiểm ngư của Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Anh Tạ Quang Thắng (trái) và Trần Trọng Thành sẵn sàng làm không công để đảm bảo an toàn cho 2 tàu kiểm ngư của Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Tàu là nhà, biển cả là quê hương

Anh Tạ Quang Thắng (sinh năm 1984), nằm trong số 10 lao động vừa nhận thông báo tạm thời nghỉ việc từ Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư Nghệ An sau 17 năm miệt mài công hiến.

Trước khi biến cố ập đến, hằng tháng, anh Thắng chỉ nhận về khoảng 5,8 triệu đồng (trừ bảo hiểm), con số quá đỗi èo uột so với tính chất công việc thường ngày. Biết rõ nhưng bản thân anh Thắng cùng các cộng sự chưa một lần ca thán, ngay cả khi vừa đón nhận “cú sốc” quá lớn.

Bài liên quan

“Chúng tôi luôn tâm niệm “tàu là nhà, biển cả là quê hương”. Vẫn biết kết thúc hợp đồng là hết ràng buộc nhưng lương tâm của anh em kiểm ngư day dứt vô cùng, giây lát khó tránh khỏi cảm giác hụt hẫng. Cả tuổi trẻ gắn bó với nghề, đâu thể nói từ bỏ là buông xuôi ngay được.

Sóng nước mênh mông lắm bất trắc, lĩnh vực kiểm ngư càng đối diện nhiều rủi ro. Là dân trong nghề, chúng tôi hiểu rõ thực trạng hơn ai hết nên, bởi thể chẳng ai so đo tính toán. Đây là thời điểm khó khăn của toàn ngành thủy sản nên chúng tôi chấp nhận làm không công, ngày đêm túc trực đảm bảo an toàn cho phương tiện để giảm tải gánh nặng, chí ít là giai đoạn trước mắt”, anh Thắng bộc bạch.

Trưởng phòng Kiểm ngư Trần Châu Thành đi lên từ cơ sở, trực tiếp lăn lộn, sát cánh trên từng cung đường biển, đương nhiên thấu hiểu nỗi lòng của anh em, đồng nghiệp.

Với họ, tàu là nhà, biển cả là quê hương. Ảnh: Việt Khánh.

Với họ, tàu là nhà, biển cả là quê hương. Ảnh: Việt Khánh.

Nét mặt hiện rõ tâm tư, ông Thành trầm ngâm mở lời: “Địa phận quản lý kéo từ lạch Cửa Hội đến khu vực giáp ranh Thanh Hóa với tổng chiều dài 82km. Trên lý thuyết, mỗi giờ tàu kiểm ngư di chuyển được 12 hải lý nhưng thực chất rất hạn chế do ngược gió, ngược nước, lúc lại vướng cửa sông, cửa lạch. Lấy thực trạng đánh bắt sai tuyến của tàu thuyền 2 xã Diễn Ngọc, Diễn Bích làm ví dụ, ngư dân thường tập trung khu vực Bãi Hiền, Bãi Lữ, biết đó nhưng khó bắt tận tay.   

Rồi mới đây thôi, cơ sở loan tin phía Đảo Mắt có nhiều phương tiện dùng kích điện khai thác tận diệt cả ngày lẫn đêm, mình cũng phải lựa lời mà chối chứ tàu đang “gác bờ” thì làm được gì. Có ở trong chăn mới biết chăn có rận, nghề nghiệp kiểm ngư cơ cực lắm".

Tàu kiểm ngư đã 'quá date', cơ bản không đáp ứng được nhu cầu chuyên môn. Ảnh: Việt Khánh.

Tàu kiểm ngư đã "quá date", cơ bản không đáp ứng được nhu cầu chuyên môn. Ảnh: Việt Khánh.

Điểm nóng trên tuyến phải nhắc đến khu vực giáp ranh giữa Nghệ An và Thanh Hóa, nơi ngư dân xã Hải Hà (Nghi Sơn, Thanh Hóa) vẫn duy trì “thói quen” khai thác bất hợp pháp liên hồi. Qua nắm bắt, cứ 20 tàu khai thác thì 15 tàu sử dụng kích điện. Dù đã dùng đủ mọi cách rắn đe, khuyến cáo nhưng dăm bữa nửa tháng đâu lại vào đó.

Do tính chất đặc thù, việc va chạm, xung đột trên biển là điều khó tránh. Một vụ việc trong số đó là khi Đoàn kiểm tra liên ngành của Nghệ An thực hiện Kế hoạch tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản vùng ven bờ, vùng lộng vào tháng 2/2022. Khoảng 5h sáng, khi trời còn nhá nhem tối, đoàn phát hiện một phương tiện không rõ biển số có dấu hiệu vi phạm nên yêu cầu dừng lại kiểm tra.

Tàu cá nói trên không chấp hành, ngược lại còn tăng tốc bỏ chạy. Tình hình cấp bách buộc cơ quan chức năng phải sử dụng tàu kiểm ngư VN-93967-KN, kết hợp cano cấp tốc truy đuổi. Chẳng vừa, các thuyền viên trên tàu vi phạm dùng đủ loại vật dụng sẵn có (dao, gậy, ấm, bát…) chống trả điên cuồng, quyết không cho áp sát.

Sau chừng nửa tiếng lòng vòng trên biển, đến địa điểm cách cửa lạch Cờn khoảng 3-4 hải lý về phía Đông Bắc, bất chợt một đối tượng dùng ấm tích ném mạnh về phía lực lượng chuyên môn, ấm vỡ tung tóe gây thương tích cho nhiều người, trong đó Thuyền phó Hoàng Sỹ Hiệp bị nặng nhất.

Biển cả mênh mông khó lường, ẩn họa luôn chực chờ bộ phận kiểm ngư. Ảnh: Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư Nghệ An.

Biển cả mênh mông khó lường, ẩn họa luôn chực chờ bộ phận kiểm ngư. Ảnh: Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư Nghệ An.

“Không chỉ đe dọa suông, nhiều đối tượng sẵn sàng thị uy bằng hành động. Đã có lần, cán bộ kiểm ngư bị dí dao vào cổ thách thức. Lần khác tại khu vực Cửa Hội, có đối tượng cầm dao lao tới đâm thẳng vào người của chúng tôi, may thay thời điểm đó là mùa đông, anh em mặc cả áo phao lẫn áo ấm nên không bị thương đến phần mềm. Nói sợ anh không tin, nhưng những việc thế này diễn ra thường xuyên, liên tục như cơm bữa”, Trưởng phòng Trần Châu Thành chia sẻ.

Cán bộ lực lượng kiểm ngư Nghệ An quả quyết, từ quá trình vây ráp cho đến lúc áp tải, ngư dân đều ra sức chống đối. Khi bị bắt quả tang, một mặt họ thừa nhận hành vi nhưng lại cố tình làm chết máy hòng gây khó dễ, thậm chí chủ động tháo đáy để nước tràn vào, mục đích cho tàu chìm hẳn.

Lai dắt về tận bến vẫn chưa hết lo khi nguy cơ cháy nổ, rò rỉ, trôi tàu có thể xảy đến bất kỳ lúc nào, chỉ khi chủ tàu khắc phục xong, anh em cầm chắc biên lai mới có thể thở phào nhẹ nhõm.

Trưởng phòng Trần Châu Thành đồng cảm với những khó nhọc của đồng nghiệp. Ảnh: Việt Khánh.

Trưởng phòng Trần Châu Thành đồng cảm với những khó nhọc của đồng nghiệp. Ảnh: Việt Khánh.

Thuộc diện “lính mới” nhưng cũng lăn lộn với nghề này hơn 11 năm rồi, ngần ấy thời gian với vô vàn va đập khiến anh Trần Trọng Thành, quê quán huyện Thanh Chương (Nghệ An) chai lỳ, rắn rỏi hơn xưa, dù vậy khi ngẫm lại vẫn không khỏi rùng mình.

Là người trực tiếp điều khiển cano truy đuổi, tiếp cận và áp tải phương tiện vi phạm, giáp mặt với các thành phần cộm cán, anh Thành khẳng định đa phần đều chống đối ra mặt, có chăng tùy mức độ nặng nhẹ mà thôi.

Vụ việc diễn ra tại địa phận Hòn Nồm (Hà Tĩnh) đã qua 4, 5 năm rồi nhưng anh Thành vẫn nhớ như in. Hôm đó, khi tiếp cận thành công tàu cá vi phạm, anh Trần Hoàng Minh, người thâm niên nhất trong đội liền nhảy lên trấn áp. Đang chới với chân trong chân ngoài, tay mới chạm thành lan can thì các đối tượng lao đến giữ chặt, hò nhau ném thẳng xuống biển. Lường trước được hiểm nguy, anh Thành gấp rút điều khiển, phóng cano vút lên, may mắn kịp đón lấy đồng nghiệp, bằng không khi bị cuốn xoáy vào chân vịt thì tính mạng khó giữ.

“Lần khác, khi di chuyển đến địa phận xã Quỳnh Thọ, chúng tôi bị hàng chục bè cào gần bờ của ngư dân xã Diễn Ngọc quây kín, không chỉ dùng lời lẽ mạt sát nặng nề, họ còn dùng các vật dụng có sẵn ném trả liên hồi.

Tương tự là lần vây bắt một tàu thổi ngao của xã Sơn Hải, trên tàu có 5, 6 người, ai nấy đều lăm lăm hung khí trên tay, khi cán bộ kiểm ngư tiến vào cabin tắt máy thì có người xông đến hăm dọa “động vào là tao chém”. Một người khác xách theo búa tạ xuống đáy tàu, tuyên bố sẽ đập thủng đáy cho chết chìm tất thảy”, anh Thành bùi ngùi kể lại những lát cắt nhớ đời.

Chờ một giải pháp thấu tình đạt lý

Nhiều năm nay Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư Nghệ An vẫn sử dụng kinh phí từ nguồn sự nghiệp bảo vệ nguồn lợi thủy sản để chi trả cho 10 hợp đồng lao động thuộc lĩnh vực kiểm ngư. Đến tháng 3/2024, nội dung này bị cơ quan chuyên ngành “phanh” lại với lý do những người trên không nằm trong thành phần biên chế được giao.

Như đã đề cập, phải đến giữa tháng 3/2024, dự toán của Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư mới được phê duyệt, đồng nghĩa 3 tháng lương đầu năm của bộ phận này đang tạm thời bị “treo” với tổng cộng trên 234 triệu đồng.

Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư Nghệ An đang 'ngồi trên đống lửa' khi thiếu hụt người làm. Ảnh: Việt Khánh.

Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư Nghệ An đang "ngồi trên đống lửa" khi thiếu hụt người làm. Ảnh: Việt Khánh.

Quyền lợi của người lao động không đảm bảo kéo theo cả tràng hệ lụy, từ gia đình đến tập thể đều chịu liên đới. Về mặt chuyên môn thuần túy, trước mắt, chức năng kiểm ngư của Nghệ An đang “tê liệt” hoàn toàn do thiếu hụt con người gánh vác. Lâu dài, việc này chắc chắn sẽ tác động nghiêm trọng đến lộ trình phát triển ngành nghề thủy sản theo hướng bền vũng, cũng như kế hoạch “tháo gỡ” thẻ vàng của EC mà tỉnh Nghệ An đang ấp ủ bấy lâu.

Với những gì đã cống hiến, những người này xứng đáng có một kết cục tốt đẹp hơn. Ảnh: Việt Khánh.

Với những gì đã cống hiến, những người này xứng đáng có một kết cục tốt đẹp hơn. Ảnh: Việt Khánh.

10 lao động kiểm ngư cơ bản đều thuộc diện thâm niên trong nghề, có người gắn bó trên 22 năm. Ròng rã mang vác trên vai trọng trách lớn lao, luôn tiên phong trong nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ nguồn lợi, tất cả đều mong ngóng các cấp, ngành chức năng liên quan xem xét, sớm có phương án “mở” để họ nuôi tiếp hi vọng được trở lại với guồng quay, nhịp đập thân quen.

“Anh em đội tàu gắn bó cả tuổi trẻ với nghiệp kiểm ngư, nhiều người đã luống tuổi, rất khó để chuyển đổi nghề nghiệp. 10 người như 1, ai cũng như ai đều mong mỏi được tạo điều kiện để tiếp tục gắn bó với nghề”, ông Trần Châu Thành nói hộ tâm tư.

Xem thêm
Xử lý lấn chiếm mặt nước để nhử vẹm trên sông Tắc, sông Quán Trường

UBND TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) chỉ đạo xử lý tình trạng tái lấn chiếm mặt nước để nhử vẹm không đúng quy định trên sông Tắc, sông Quán Trường.

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.

Bình luận mới nhất