Hiệp hội Tinh dầu - Hương liệu - Mỹ phẩm Việt Nam (VOCA) thống kê, cả nước hiện có khoảng 180.000ha đất trồng quế, tập trung chủ yếu tại miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ. Kim ngạch xuất khẩu quế đạt 260 triệu USD năm 2023.
Được xem là "thủ phủ quế" của thế giới, nhưng doanh nghiệp ngành quế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc nâng cao giá trị sản phẩm, đặc biệt là khâu sản xuất tinh dầu quế.
TS Bùi Thị Bích Ngọc, Giám đốc Trung âm Dầu - Hương liệu và Phụ gia thực phẩm (Viện Công nghệ thực phẩm) liệt kê 6 nguyên nhân, trong đó nhấn mạnh vào thách thức tiếp cận thị trường toàn cầu, thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện.
"Tinh dầu quế trước đây thường được thu nhận từ vỏ quế nhưng gần đây chủ yếu được khai thác từ lá và cành non hoặc các phụ phẩm của quá trình làm vỏ quế thành phẩm. Công nghệ chưng cất tinh dầu quế của chúng ta dù đã được nâng cấp song vẫn ở trình độ chưa cao", bà Ngọc cho biết.
Ông Bù Ngọc San, Giám đốc Công ty Sơn Hải - doanh nghiệp chế biến tinh dầu quế thủ công tại huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) thừa nhận, hiện nơi ông ở gần như không còn dư địa phát triển trồng quế, sau khi diện tích liên tục mở rộng trong 10 năm qua.
Từ thực tế sản xuất, ông San nói chưa có doanh nghiệp lớn chế biến vỏ quế. Lượng tinh dầu sản xuất, chế biến ra thị trường đa số phụ thuộc kinh nghiệm của người dân. Việc mở rộng quy mô cũng gặp khó khăn vì chế biến tinh dầu cần vốn lớn.
"Nếu thu hoạch hết chu kỳ, quế có thể cho thu nhập đến 600 triệu đồng/ha, cao hơn trồng keo rất nhiều. Từ năm thứ 4, quế đã cho thu hoạch. Tuy nhiên, tôi vẫn băn khoăn về cách thu hoạch và tính toán chu kỳ thu tỉa cành, lá sao cho tối ưu", ông San bày tỏ.
Trước những vấn đề này, trong khuôn khổ “Lễ hội tinh dầu” lần thứ nhất, VOCA đã ký hợp tác với Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VST) nhằm giúp đỡ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp liên quan tới ngành hàng quế có thêm kiến thức, kinh nghiệm và khả năng tiếp cận thị trường.
TS Ngô Đại Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VOCA hi vọng, ngành tinh dầu quế VIệt Nam sẽ dần có chỗ đứng vững chắc tại thị trường quốc tế. "Chúng ta cùng học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, từ đó đáp ứng được yêu cầu chất lượng khi xuất khẩu tinh dầu quế", ông chia sẻ.
Cũng theo ông Quang, “Lễ hội tinh dầu” có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi đây là lần đầu tiên các vấn đề về tinh dầu quế, từ thực trạng, những khó khăn, giải pháp sẽ được đưa ra gắn với những hành động cụ thể.
Ngành tinh dầu quế có tiềm năng phát triển lớn bởi nhu cầu sử dụng tinh dầu quế trên thế giới ngày một tăng và luôn ở mức cung không đủ cầu. Nguyên nhân là bởi cây quế chỉ trồng phổ biến ở một vài nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
"Lễ hội tinh dầu" là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Triển lãm sản phẩm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm hưởng ứng, chào mừng 65 năm ngày thành lập ngành khoa học và công nghệ Việt Nam, diễn ra từ ngày 24 - 26/4.
Đầu tháng 4/2024, do vướng mắc các quy định xuất khẩu, hàng trăm tấn tinh dầu quế bị tồn kho tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái. Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) đã gửi văn bản tới Thủ tướng kiến nghị xem xét, tháo gỡ, hỗ trợ giải quyết khó khăn.