Trong gần suốt niên vụ mía đường 2012/2013, hầu hết các nhà máy đường đều khốn đốn bởi tình trạng tồn kho quá lớn. Đến nay, lượng đường còn tồn kho trong các nhà máy vẫn ở mức cao. Vì thế, dù niên vụ 2013/2014 mới chỉ bắt đầu, nhưng áp lực giải phóng lượng đường tồn kho vẫn đang là mối lo hàng đầu của cả ngành mía đường.
Theo ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đến nay, mới chỉ có Nhà máy đường Nước Trong (Tây Ninh) bước vào niên vụ mía đường 2013/2014. Sản lượng đường đã ép của Cty này hãy còn khá thấp, mới đạt trên 1.400 tấn. Tuy nhiên, lượng đường còn tồn kho từ niên vụ trước của cả ngành mía đường hãy còn khá cao. Đến ngày 26/7, tồn kho tại các nhà máy đường là 389.595 tấn (kể cả đường thô và đường tồn kho vụ mới của Nhà máy đường Nước Trong), tại các công ty thương mại thuộc Hiệp hội Mía đường là 16.536 tấn.
Kinh doanh đường ở TPHCM
Việc giải phóng lượng đường tồn kho lớn từ niên vụ trước vẫn đang tiếp tục gặp nhiều khó khăn, khi mà xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc đang bị chậm lại vì trời mưa lớn trong những ngày qua, và nhất là Bộ Công thương chưa có thông báo cho gia hạn thời gian xuất khẩu nên các thương nhân đang phải tạm ngưng đưa đường lên tập kết ở cửa khẩu phụ biên giới. Trong khi đó, theo Bộ NN-PTNT, lượng đường các nhà máy sản xuất được trong vụ mới sẽ đảm bảo cung ứng đủ và thừa từ tháng 11/2013.
Trong 4 tháng 7, 8, 9 và 10, tổng lượng đường được tiêu thụ trong nước chỉ vào khoảng 270.000 tấn. Nếu mức tiêu thụ năm 2013 vẫn giữ như năm trước, lượng đường tồn kho (tính đến giữa tháng 6 còn 492.510 tấn) sẽ dư so với nhu cầu tiêu dùng khoảng 220.000 tấn. Nếu giữ lượng đường tồn kho luân chuyển khoảng 100.000 tấn, thì lượng đường dư thừa khoảng 120.000 tấn. Đó là chưa kể lượng đường tối thiểu sẽ phải nhập khẩu theo cam kết WTO.
Chính vì vậy, dù phải tới cuối tháng này, nhiều nhà máy mới vào vụ ép mới, nhưng ngay từ bây giờ, áp lực tiêu thụ đường tồn kho đã tiếp tục đè nặng lên vai ngành mía đường. Nhất là khi đường lậu từ Thái Lan vẫn tiếp tục đổ bộ vào nước ta qua biên giới Tây Nam, biên giới Việt Nam – Lào, với giá rẻ hơn nhiều so với giá đường bán buôn trong nước. Cuối tháng 7, giá bán buôn đường kính trắng ở Hà Nội là 15.000-15.200 đ/kg, ở miền Trung 15.000-15.300 đ/kg, ở TPHCM 14.500-14.800 đ/kg và ở Cần Thơ 14.700-15.000 đ/kg. Trong khi đó, giá đường lậu ở Lao Bảo chỉ 13.700 đ/kg, tại Đông Hà 14.500 đ/kg, tại biên giới Tây Nam 13.700–13.900 đ/kg và tại TPHCM 14.300–14.500 đ/kg.
Để giảm áp lực từ đường tồn kho, dư thừa, cuối tháng 7 vừa rồi, Bộ NN-PTNT đã có công văn gửi Bộ Công thương về tiêu thụ đường thừa. Theo đó, Bộ NN-PTNT đề nghị Bộ Công thương tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thương mại và các nhà máy đường phối hợp xuất khẩu hết lượng đường thừa, giúp các nhà máy đường thu hồi vốn để chuẩn bị cho vụ sản xuất tới.
UBND TPHCM vừa chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc xuất, nhập mặt hàng đường; xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển, buôn bán đường nhập lậu, lợi dụng tạm nhập tái xuất để buôn lậu tại các khu vực biên giới biển, cửa khẩu; lập chuyên án triệt phá các đường dây, tụ điểm vận chuyển, buôn bán mặt hàng đường nhập lậu…