Mới đây, lễ khởi động Dự án Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam (SUPA) đã được tổ chức tại TP HCM. Dự án được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao tính cạnh tranh của cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), Dự án SUPA có tổng trị giá gần 2,4 triệu EUR, trong đó Liên minh Châu Âu tài trợ gần 1,9 triệu EUR thông qua chương trình EU SITCH-Asia. Cơ quan chủ trì thực hiện là Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) cùng với các đối tác VASEP, WWF Việt Nam và WWF Áo.
Trước khi khởi động dự án, VASEP cùng các đối tác đã có quá trình trao đổi với người nuôi, các DN, nhà nhập khẩu. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng đây là một dự án cần thiết. Bà Sabine Gisch-boie (điều phối viên của WWF Áo), cho biết cụ thể về những yêu cầu của thị trường EU.
Theo đó, WWF Áo đã nghiên cứu thị trường tiềm năng cho sản phẩm cá tra bền vững ở Châu Âu. Đã có 14 nhà bán lẻ tại Pháp, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Anh và Áo được phỏng vấn về vấn đề này. Các nhà bán lẻ cho rằng chứng chỉ độc lập rất quan trọng trong việc xây dựng niềm tin, trong đó chứng chỉ ASC đã đáp ứng được yêu cầu này. Sản phẩm cá tra phải có chất lượng đồng đều. Cần có tiêu chuẩn cho chuỗi cung ứng để đảm bảo sản phẩm hợp pháp và có trách nhiệm.
Ông Lê Văn Thịnh (VNCPC) cho biết, thời gian thực hiện SUPA là 4 năm, từ nay đến 2017. Dự án sẽ hình thành một chuỗi từ trước khi nuôi đến thị trường tiêu thụ cuối cùng, gồm: Trước khi nuôi (các nhà sản xuất thức ăn, ươm cá, sản xuất thuốc và hóa chất); nuôi (các DN nuôi cá, các DNVVN nuôi và chế biến kết hợp); chế biến (các DN chế biến cá, các DNVVN nuôi và chế biến kết hợp); thương mại (các nhà mua và phân phối quốc tế, các nhà thương mại Việt Nam); thị trường cuối (các nhà bán lẻ lớn, các cửa hàng).
Mục tiêu chung mà dự án đặt ra là đến 2020, ngành hàng cá tra Việt Nam sẽ đạt hiệu quả bền vững về môi trường, kinh tế và xã hội. Mục tiêu cụ thể là đến cuối dự án, ít nhất 50% các DN mục tiêu sẽ cung cấp các sản phẩm cá tra bền vững phù hợp với thị trường Châu Âu và các thị trường khác; 70% các DN mục tiêu sản xuất và chế biến cá tra ở quy mô từ vừa đến lớn; 30% các nhà sản xuất thức ăn cá tra và các trang trại nuôi quy mô nhỏ, độc lập, chủ động tham gia vào sản xuất sạch hơn (RE-CP).
Dự án sẽ hướng tới những kết quả mong đợi, như: Tạo sự kết nối thị trường giữa các nhà buôn quốc tế và các DN Việt Nam; cải thiện khung chính sách cho thực tiễn bền vững của ngành cá tra; các DN và hộ nuôi đạt chứng chỉ ASC, GlobalGAP (nếu thị trường EU chấp nhận VietGAP thì cũng sẽ hỗ trợ DN và người nuôi đạt chứng nhận này); tạo liên kết giữa các nhà sản xuất thức ăn, cung cấp thức ăn, nuôi và chế biến cá thông qua các đổi mới sản phẩm, tạo sản phẩm mới hoặc sản phẩm phụ; nhóm các hộ hoặc DN nhỏ lẻ có thể liên kết để tạo sức mạnh …
Để có được những mục tiêu, kết quả như trên, các hoạt động chính của SUPA sẽ bao gồm hoạt động “kéo” và hoạt động “đẩy”. Hoạt động “kéo” gồm nhiều các hoạt động liên quan đến các nhà mua ở EU và ít nhất một công ty dẫn đầu của Việt Nam trong sản xuất và chế biến có thể đạt các hình mẫu về các lợi ích bền vững; thiết lập trang trại mẫu và trung tâm đào tạo; hỗ trợ để phát triển khung chính sách.
Hoạt động “đẩy” gồm: Hỗ trợ cấp chứng chỉ ASC, GlobalGAP cho các DN; các hoạt động kết hợp đào tạo và đánh giá tại DN trong các lĩnh vực RE-CP … phù hợp với sự cần thiết của từng nhóm mục tiêu.
Nhận định về dự án này, ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho hay: “Trước đây, đã có những dự án về chuỗi cá tra, nhưng đều mang tính phân đoạn. Đây là dự án đầu tiên có tính chất khép kín, từ sản xuất cho tới tiêu dùng.
Dự án này có ý tưởng rất tốt đẹp nhưng không dễ thực hiện. Dầu vậy, đã đến lúc không thể không thực hiện những dự án chuỗi cung ứng cá tra bền vững, vì đó là vấn đề tồn vong của cả ngành hàng, nhất là khi ngành hàng cá tra ở thời điểm này đã gần như xuống đến đáy. Bởi vậy, đây cũng là cơ hội để tái cơ cấu lại ngành hàng cá tra”.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản (cũ), cũng cho rằng, việc xây dựng một chuỗi cung ứng cá tra bền vững là rất cần thiết. Nhưng để tránh tình trạng đã từng xảy ra với nhiều dự án khác là khi dự án kết thúc thì các DN, người nuôi sẽ không tiếp tục làm nữa, thì dự án này phải tập trung hơn nữa cho khâu thương mại, tức là phải tạo sự bền vững về đầu ra.
Có vậy, khi không còn được hỗ trợ từ dự án, các DN, người nuôi vẫn sẽ tiếp tục tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng bền vững.
Bà Berenice Muraille, Tham tán về Hợp tác Phát triển của Phái đoàn Liên minh Châu Âu, tại Việt Nam, khẳng định: “SUPA sẽ nâng cao tính cạnh tranh của cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế. Thông quan SUPA, EU sẽ hỗ trợ trực tiếp toàn bộ chuỗi cung ứng cá tra từ khâu sản xuất con giống, sản xuất thức ăn, nuôi và chế biến của Việt Nam đến các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng cuối cùng ở EU nói riêng và thế giới nói chung”. |