| Hotline: 0983.970.780

Tâm nguyện nông dân

Thứ Sáu 09/08/2013 , 10:39 (GMT+7)

Vừa qua, dư luận bàn tán việc nông dân Huỳnh Văn Sơn (48 tuổi, ấp 1, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) soạn một bức tâm thư gửi Bộ trưởng NN-PTNT trình bày những khó khăn trong SX cũng như nguyện vọng của người nông dân sắp tới. NNVN đã tìm đến ông để trao đổi thêm.

Vừa qua, dư luận bàn tán việc nông dân Huỳnh Văn Sơn (48 tuổi, ấp 1, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) soạn một bức tâm thư gửi Bộ trưởng NN-PTNT trình bày những khó khăn trong SX cũng như nguyện vọng của người nông dân sắp tới. NNVN đã tìm đến ông để trao đổi thêm.

Ông Huỳnh Văn Sơn, trải lòng: Gia đình tôi có 5 nhân khẩu, mấy năm trước ngoài làm ruộng, nhờ có chăn nuôi thêm heo, gà nên cũng sống được. Còn như mấy năm gần đây, bệnh dịch liên tục hoành hành, năng suất thấp mà giá vật tư nông nghiệp lại cao, đầu ra "hên xui”. Hiện nay, tôi có một đứa con đang học đại học năm thứ 2, hai đứa còn lại đang học lớp 12. Chi phí mỗi tháng cho con cái hơn 5-6 triệu đồng, trong khi đó gia đình chỉ có 1 ha ruộng, ngoài làm lúa tôi phải đi làm hồ thêm, tháng nào nhiều lắm cũng chỉ hơn 3 triệu đồng.

Vì thế, chuyện vay nợ cho con ăn học chắc chỉ là sớm muộn, không chỉ với tôi mà nhiều nông dân đang gặp hoàn cảnh tương tự. Mấy năm qua Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân như cho vay, thu mua tạm trữ... nhưng thật ra con số 30% lợi nhuận từ trồng lúa hiện nay của người nông dân khó đạt được. Bản thân tôi trước đây không có điều kiện nên chỉ học chưa xong hết cấp 1, dẫu có mong muốn góp một phần tiếng nói chung của người nông dân đến Nhà nước cũng khó. Mấy năm qua, tôi đã tự mày mò nghiên cứu sách, báo, tự học cách sử dụng máy vi tính và mạng Internet nên biết chút đỉnh tình hình nông nghiệp. Cuối tháng 7 rồi, tôi ngồi ngẫm lại những ý tưởng đã có sẵn trong đầu từ lâu để viết bức thư gửi đến người lãnh đạo cao nhất ngành nông nghiệp, hy vọng Bộ trưởng thấu hiểu thêm hoàn cảnh người nông dân.


Nông dân Huỳnh Văn Sơn

Ông gửi đến Bộ trưởng tâm nguyện gì?

“Tân Đông là một xã vùng sâu của vùng Đồng Tháp Mười với trên 3.000 ha lúa, do lũ về hàng năm vào tháng 8 (ÂL) nên nông dân chỉ trồng 2 vụ đông xuân và hè thu. Ông Huỳnh Văn Sơn là một nông dân giỏi, nhưng do đất ruộng ít nên thường xuyên phải xa nhà đi làm phụ hồ có thêm tiền nuôi con cái ăn học. Ông là nông dân nòng cốt của Cty Syngenta, thường xuyên đọc báo Nông nghiệp VN do Cty Syngenta trao tặng” (ông Huỳnh Văn Chấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Đông).

Sau khi rời chiến trường Tây Nam, tôi về làm ruộng tính đến nay cũng đã gần 25 năm. Theo tôi cấp Trung ương chỉ là người đưa ra định hướng. Muốn chính sách lớn đi vào đời sống giúp dân thì ngành nông nghiệp cấp tỉnh và huyện phải chủ động đi sát dân. Như trong thư tôi có nói, hiện nay giá lúa rẻ, giá nếp cao, nông dân muốn chuyển qua trồng nếp nhưng lại ngại vì chưa biết liệu nếp có thị trường ổn định hay không. Vai trò của Nhà nước là nằm ở chỗ đó, phải chỉ cho dân thấy được hướng đi của họ có bền vững hay không, chứ cứ tự phát làm rồi cung vượt cầu thì cầm chắc thua lỗ. Theo tôi biết, hiện nay Nhà nước cũng đang đầu tư mô hình cánh đồng mẫu lớn, vùng lúa chất lượng cao, nông dân rất ủng hộ chương trình này. Nhưng cái quan trọng là Nhà nước phải bảo đảm đầu ra cho nông dân, đừng để cứ “được mùa, mất giá - được giá, thất mùa”, lúa làm ra cực khổ rồi cứ phải bán đổ bán tháo để xoay nợ ngân hàng. Hiện nay khâu vay vốn SXNN rất chật vật, nhỏ giọt. Ngoài ra, Nhà nước cần tính toán lại việc thu mua tạm trữ, sao cho chương trình này thực sự mang lợi ích cho nông dân chứ không phải cho doanh nghiệp thu mua như báo chí phản ánh thời gian qua.

Còn sự kỳ vọng nữa chứ, sau bức tâm thư đã được gửi tới Bộ trưởng, thưa ông?

Viết xong bức thư với tất cả tâm huyết của mình, tôi có niềm tin lớn là nó sẽ được Bộ trưởng tiếp nhận. Mấy ngày qua, bạn bè liên tục gọi điện hỏi thăm, nhẹ lòng lắm. Vấn đề khó khăn chung của nông dân không phải mới đây mà đã diễn ra suốt nhiều năm qua, hoàn cảnh của tôi chỉ là hạt cát trong hàng triệu nông dân khác. Bởi vậy, hy vọng của tôi là tới đây ngành nông nghiệp có một hành động thật cụ thể để giúp ích cho nông dân.

 

Trích thư gửi Bộ trưởng của nông dân Huỳnh Văn Sơn

Kính thưa Bộ trưởng!

Tôi là một nông dân ở vùng Đồng Tháp Mười chuyên về làm nông, nhưng tôi thấy tình hình lúa gạo trong thời gian qua hết sức bấp bênh. Kể từ đầu năm đến nay, nông dân chúng tôi mặc dầu đã cố gắng làm ruộng nhưng trong lòng luôn thấp thỏm âu lo là: hạt lúa chúng tôi làm ra nó sẽ đi về đâu? Ai tiêu thụ và ai quyết định số phận của nó? Nên hôm nay tôi có đôi lời mạo muội đến ngài Bộ trưởng, xin được ngài đồng ý để chúng tôi chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và nỗi niềm của mình… Tôi là người trực tiếp làm ruộng, từ đó mà tôi thấy có mấy vấn đề như sau:

Chi phí đầu vào ngày một tăng như công lao động, vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đơn cử như phân đạm Phú Mỹ sản xuất được ở trong nước, chi phí vận chuyển đến tay bà con nông dân thấp mà giá lại cao hơn UREA của Trung Quốc ta phải nhập về, trong khi đó 2 loại phân này đều 46% đạm.

Còn thuốc BVTV thì lại qua quá nhiều trung gian, từ nhà SX xuống nhà phân phối rồi qua đại lý cấp 1, cấp 2… Khi đến tay nông dân sử dụng giá đẩy lên rất cao, độ chênh lệch giá rất lớn… Theo tôi được biết Việt Nam ta mạnh về ngành nông nghiệp nhưng hàng năm chúng ta lại phải nhập khẩu hàng tỉ đô la bắp, đậu nành, đậu phộng để làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, trong khi tiềm lực của chúng ta đủ sức trồng những loại cây này. Nông dân Việt Nam là những người ham học ham làm, nắm bắt khoa học kĩ thuật rất nhanh nhạy, nếu được các nhà quản lý và các nhà khoa học chuyển giao, tôi nghĩ nông dân làm sẽ đạt hiệu quả rất tốt. 

Chúng tôi hiện nay thiếu rất nhiều thông tin cụ thể chỉ luẩn quẩn làm những gì có chứ không biết những gì thị trường cần. Lúa gạo hiện nay đang ế ẩm, cung đã vượt cầu, thì chúng tôi biết làm sao bây giờ, chả lẽ lại bỏ ruộng hoang? Còn muốn chuyển đổi cây trồng lại thiếu nhiều thông tin và kĩ thuật. Thôi thì cứ làm lúa, xong vụ đông xuân rồi đến hè thu, thu đông để mà nuôi hy vọng ngày mai trời lại sáng.

Theo tôi được biết có nhiều nông dân họ không muốn ly hương nhưng lại muốn ly nông. Tôi xin đặt một trường hợp một hộ gia đình gồm 4-5 người canh tác bình quân 1ha làm lúa chất lượng cao bán được 5.000đồng/kg. Năng suất bình quân cả năm 2 vụ được 13 tấn, vốn đầu tư 3.400đ/kg, lãi 1.600đ/kg x 13 tấn được 20.800.000đ. 

Với số tiền này chia đều cho 5 người sống trong 12 tháng như vậy một người một tháng thu nhập được bao nhiêu? Chưa tới 350.000 đ/tháng/người. Trong khi đó một người đi làm công nhân lao động phổ thông trong xí nghiệp như là may công nghiệp hay bóc vỏ hạt điều, mỗi tháng được 2.500.000đ x 12 tháng = 30 triệu đồng. Lại thêm được bảo hiểm y tế + bảo hiểm xã hội. Xin hỏi như vậy họ có muốn ly nông hay không?

Nông dân chúng tôi là những người được vinh danh đưa tên tuổi VN lên tầm thế giới nhưng lại là người sống trong lo âu khắc khoải nhất với điệp khúc trúng mùa rớt giá. Vấn đề xuất khẩu đúng là cái khó chung của nhà nước + doanh nghiệp + nông dân. Nhưng chung quy lại thì “trăm dâu đổ đầu nông”. Như tôi đã nói, chi phí đầu vào nông dân không quyết định được như phân bón, thuốc BVTV, xăng dầu bơm nước. Còn đầu ra nông sản chúng tôi cũng không định được giá bán. 

Ví dụ như nhà nước ra giá sàn lúa gạo nhưng thương lái lúc nào cũng thu mua thấp hơn vài trăm đồng/kg, họ viện nhiều lý do, nào là lúa tạp chất còn nhiều, nào là không đạt đủ ẩm độ v.v. Nếu không bán cho thương lái thì bán cho ai? Vì nông dân chúng tôi, một là số lượng lúa ít, hai là phương tiện đem đến bán thẳng cho doanh nghiệp không phải ai cũng có.

Nông dân chúng tôi ngoài làm ruộng ra, từng nông hộ cũng làm kinh tế phụ nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình như chăn nuôi heo, gà, vịt. Nhưng thức ăn chăn nuôi ngày một tăng “vì nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tính bằng đô la” mà giá bán gia súc gia cầm ngày một giảm “vì tính bằng VND”, chưa nói tới mức độ rủi ro như heo, lớp thì bị lở mồm long móng rồi đến dịch tai xanh, gia cầm thủy cầm H5N1 cứ tiềm ẩn đe dọa”.

Xem thêm
Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 626 USD/tấn

Theo các chuyên gia, với tốc độ xuất khẩu 10 tháng qua và khả năng sản xuất trong nước, xuất khẩu gạo năm 2024 sẽ đạt trên 8 triệu tấn, vượt kỷ lục năm 2023.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

10 năm Quỹ Vì tầm vóc Việt: Từ sự thấu hiểu, tạo sự thay đổi

Một thập kỷ qua, Quỹ Vì tầm vóc Việt đã kết nối và huy động sức mạnh cộng đồng để tạo nên những thay đổi tích cực, bền vững cho xã hội.

Độ nóng bất ngờ của căn phòng 3 ngủ tại Hanoi Melody Residences

Căn hộ 3 phòng ngủ (có diện tích từ 95-145m2) tại Hanoi Melody Residences đang được khách hàng rất quan tâm xuống tiền ngay giữa bối cảnh giá thị trường chung không ngừng gia tăng.