| Hotline: 0983.970.780

Thứ Sáu 17/05/2013 , 09:57 (GMT+7)

09:57 - 17/05/2013

“Quốc nạn” đáng xấu hổ!

25% trong số 14.000 người cho biết họ sẽ không bao giờ tố giác các hành vi đòi hối lộ của cán bộ, công chức, bất kể số tiền bị đòi hỏi lớn đến mức nào.

Ảnh minh họa
25% trong số 14.000 người cho biết họ sẽ không bao giờ tố giác các hành vi đòi hối lộ của cán bộ, công chức, bất kể số tiền bị đòi hỏi lớn đến mức nào.

Trong khi đó, chỉ chưa đầy 4% người được hỏi cho biết sẽ tố giác các hành vi đòi hối lộ của cán bộ, công chức (bao gồm cả công an, cán bộ UBND xã/phường) nếu số tiền bị đòi hỏi vượt quá ngưỡng 100 triệu đồng. Ở các mức độ đòi hối lộ khác, tỷ lệ người dân cho biết sẽ tố giác dao động từ 3 - 14%. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là tỷ lệ tố giác cao nhất, lên đến 14% được thể hiện ở mức tiền 500.000 đồng và giảm dần đối với các số tiền lớn hơn.

Các số liệu kể trên, được công bố trong báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2012, cho thấy bên cạnh sự xuống cấp về phẩm chất của một bộ phận cán bộ nhà nước thì chính sự thỏa hiệp của người dân đang khiến cho tình trạng tham nhũng trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết.

Thực tế cũng cho thấy việc chi tiền "lót tay" khi giải quyết thủ tục hành chính với các cơ quan nhà nước đang trở thành thói quen của nhiều người dân Việt. Không ít người sẵn sàng chi một khoản tiền vừa phải (khoảng 500.000 đồng - theo báo cáo PAPI) để công việc "trôi chảy" hơn. Báo cáo này nhận định việc chi thêm những khoản tiền không chính thức có thể khiến người dân khó chịu nhưng nếu so sánh với chi phí phải bỏ ra để tố giác hành vi đó thì lại không đáng bao nhiêu. Bởi vì, việc tố giác vừa khiến người dân mất thời gian, công sức, tiền bạc, vừa có thể bị trù úm, gây khó dễ mà khả năng tố giác thành công đối với các hành vi đòi hối lộ "vặt" như thế này lại gần như là không có vì hành vi nhận hối lộ chỉ bị khởi tố với số tiền trên 2 triệu đồng (theo Bộ luật hình sự 2009).

Đối với các vụ đòi hối lộ với số tiền lớn, người dân cũng thường lựa chọn biện pháp im lặng bởi lo ngại bị đe dọa, trả thù vì những vụ việc thế này thường có sự tham gia của những người có chức có quyền trong bộ máy nhà nước.

Bên cạnh đó, cũng cần thừa nhận rằng nhiều người dân không còn tin vào hiệu quả của pháp luật phòng chống tham nhũng sau hàng loạt vụ việc tham nhũng bị phanh phui nhưng chỉ bị các cơ quan chức năng xử lý theo hướng "giơ cao đánh khẽ", cá biệt còn có trường hợp “trắng án”.

Cũng cần thẳng thắn thừa nhận rằng bên cạnh những trường hợp bị ép buộc đưa tiền hối lộ, nhiều người dân đang tự hại mình bằng thói quen chủ động “lót tay” cho các cán bộ, công chức. Tình trạng này đang diễn ra hàng ngày ở nhiều lĩnh vực, từ trường học, bệnh viện, đến việc giải quyết thủ tục hành chính công, đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xin cấp phép xây dựng...

Với nhiều người dân, việc “lót tay” cán bộ đã trở thành thói quen. Đối với nhiều cán bộ, công chức, việc người dân có đưa phong bì “lót tay” hay không cũng đã trở thành điều kiện để xem xét nên nhiệt tình tiếp dân và giải quyết yêu cầu của họ hay đón tiếp với thái độ hờ hững và chậm trễ. Chính thói quen “hối lộ vặt” thế này, lâu dần đã khiến người dân “quen” với việc bị hạch sách, bị yêu cầu chi thêm các chi phí không chính thức và thấy bình thường khi bị đòi hối lộ trắng trợn.

Tổ chức minh bạch quốc tế (TI) hồi cuối năm 2012 đã công bố đánh giá cho thấy Việt Nam đang nằm trong nhóm nước tham nhũng nghiêm trọng với giá trị tài sản bị tham ô, tham nhũng, gây thất thoát lên đến cả trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm. Các cơ quan chức năng cũng thừa nhận tình trạng tham nhũng đang diễn biến phức tạp và đưa ra nhiều cam kết siết chặt các quy định pháp luật để giảm thiểu hậu quả từ “quốc nạn” đáng xấu hổ này!

Thế nhưng, dù luật pháp có nghiêm minh đến mức độ nào thì công tác phòng chống tham nhũng cũng cần có sự tham gia của người dân cả nước. Người dân, dù vẫn e dè không dám tố cáo hành vi tham nhũng vì lo sợ bị trả thù do quy định bảo vệ người tố cáo chưa thực sự phát huy hiệu quả, thì ít nhất cũng có thể góp phần trong sạch bộ máy nhà nước bằng việc từ chối thỏa hiệp.

Chỉ khi nào người dân không còn thỏa hiệp với tham nhũng, khi nào người đân có thể nói “không” với việc đưa hối lộ, dù với bất kỳ giá trị nào, thì nạn tham nhũng mới thực sự bị đẩy lùi.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm