| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 19/06/2013 , 09:31 (GMT+7)

09:31 - 19/06/2013

Tiền lệ tốt

Cty TNHH Đầu tư và Phát triển nhà Quốc Cường phải bồi thường cho một khách hàng gần 260 triệu đồng vì chậm giao nhà so với thời hạn cam kết.

Một chủ đầu tư dự án bất động sản (BĐS) là Cty TNHH Đầu tư và Phát triển nhà Quốc Cường đã bị TAND tuyên phạt bồi thường cho một khách hàng gần 260 triệu đồng vì chậm giao nhà so với thời hạn cam kết trong hợp đồng.

Ngày 17/6, TAND quận 3, TP.HCM đã tuyên phạt Cty TNHH Đầu tư và Phát triển nhà Quốc Cường (thuộc tập đoàn Quốc Cường Gia Lai) phải bồi thường 258 triệu đồng lãi phạt do chậm giao nhà cho một khách hàng 22 tháng so với hợp đồng cam kết, căn cứ theo tổng số tiền vị khách hàng này đã nộp để mua nhà là gần 1,3 tỷ đồng.


Các hộ dân phản đối chủ đầu tư

Cụ thể, theo hợp đồng thì chủ đầu tư phải bàn giao căn hộ ở chung cư số 28/4 Trần Xuân Soạn, phường Tân Kiểng, quận 7, TP.HCM cho khách hàng vào tháng 7/2009. Tuy nhiên, đến tháng 4/2011, vị khách hàng kể trên mới được bàn giao căn hộ. Chiểu theo hợp đồng đã ký kết với quy định, trong trường hợp chậm giao nhà, chủ đầu tư sẽ chịu lãi phạt 1,5%/tháng/tổng số tiền mà khách hàng đã góp, vị khách hàng này đã quyết định khởi kiện lên TAND quận để đòi quyền lợi chính đáng cho mình.

Cùng thời điểm, 5 khách hàng khác cũng đang kiện Cty Quốc Cường với nội dung tương tự. Nhiều khả năng, bản án sơ thẩm của TAND quận 3, TP.HCM sẽ trở thành “tiền lệ” tốt để các nguyên đơn có thể thắng kiện chủ đầu tư với mức bồi thường đã được quy định trong hợp đồng mua bán căn hộ.

Trước đó, tại Hà Nội, trước sức ép của các khách hàng, Tập đoàn Nam Cường đã phải cam kết nộp phạt cho 130 người đã đóng tiền mua nhà tại tổ hợp chung cư Lê Văn Lương, khu đô thị Dương Nội, Hà Đông vì chậm bàn giao.

Đây là hai điển hình hiếm hoi mà các khách hàng, vốn được coi là “Thượng đế”, giành thắng lợi trong việc đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng cho mình. Trước đó, hàng chục chủ đầu tư các dự án BĐS, bao gồm cả các “ông lớn” trong lĩnh vực này, đã nhiều lần bị khách hàng phản ứng, bất bình vì chậm tiến độ thi công nhiều tháng so với cam kết ban đầu. Cá biệt, có những công trình phải xin lùi thời hạn bàn giao nhà đến 7 - 8 lần và kéo dài thời gian giao nhà thêm 4 - 5 năm so với hợp đồng đã ký kết khiến khách hàng phải gánh chịu thiệt thòi lớn vì giá nhà đất lao dốc, đồng tiền mất giá, bị chiếm dụng vốn trong thời gian dài...

Đấy là còn chưa kể đến việc các chủ đầu tư “ép” khách hàng khi không tuân thủ đầy đủ các cam kết về chất lượng công trình, cách tính diện tích nhà, việc bố trí các công trình phụ trợ, cung cấp các dịch vụ đi kèm… khiến khách hàng cảm thấy mệt mỏi, mất niềm tin vào chủ đầu tư nói riêng và thị trường BĐS nói chung.

Trong khi đó, nghịch lý là nếu khách hàng chậm nộp tiền một ngày theo tiến độ thì cũng sẽ bị chủ đầu tư phạt lãi đủ một ngày chứ không được bỏ qua.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này thì hầu hết các “Thượng đế” mới chỉ dừng lại ở mức đàm phán với chủ đầu tư và thường phải chịu phần thua thiệt vì “nắm đằng lưỡi”. Vì nhiều lý do, trong đó có cả những lý do mang tính chất cảm tính như ngại rắc rối, ngại mất thời gian, ngại phải ra tòa, không muốn mất công sức vô ích vì sợ lâm vào tình cảnh “con kiến kiện củ khoai”… nên nhiều khách hàng đã chấp nhận “ngậm bồ hòn làm ngọt” mà nuốt cục tức vào lòng.

Bởi vậy, có thể coi những “thắng lợi” gần đây của các khách hàng tại khu chung cư Trần Xuân Soạn và Lê Văn Lương nói trên, là những hy vọng lạc quan cho các “Thượng đế” trong nỗ lực đòi lại quyền lợi chính đáng cho mình.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm