| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 28/10/2013 , 09:00 (GMT+7)

09:00 - 28/10/2013

Đằng sau những “sự lạ”…

Một loạt những câu chuyện hy hữu dồn dập xảy đến trong tuần qua, trải đều khắp hầu như các lĩnh vực từ thương trường đến chính trường.

Một loạt những câu chuyện hy hữu dồn dập xảy đến trong tuần qua, trải đều khắp hầu như các lĩnh vực từ thương trường đến chính trường.

Đầu tiên là chuyện một chiếc máy bay ATR72 chở theo hơn 40 hành khách xuất phát từ sân bay Cát Bi (Hải Phòng) đi Đà Nẵng, hạ cánh an toàn. Khi hạ cánh xong, đội ngũ kỹ thuật viên phát hiện một chiếc bánh bên phải của càng trước đã biến mất tăm, mất dạng.


Chiếc lốp bị rơi ra nằm ở bên phải của cụm càng trước. Sau khi lốp rơi từ sân bay Cát Bi, máy bay vẫn hạ cánh an toàn xuống sân bay Đà Nẵng với chỉ một chiếc lốp bên trái ở đằng mũi. Ảnh: VnExpress.net

Cũng trong thời gian này, Viện KSND công bố bản kết luận điều tra vụ án hình sự về hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Cty Cho thuê Tài chính II (ALCII) liên quan đến một thông tin động trời, không thể tin nổi: Cty CP Cát Long Hải và một số đơn vị liên quan đã mua lại thiết bị lặn với giá 100 triệu đồng song các “lãnh đạo” đơn vị cùng các tòng phạm đã “thổi” lên thành 130 tỉ đồng, gấp 1.300 lần, để chia chác nhau.

Chưa hết, chiều cuối tuần, trong phiên thảo luận tại hội trường về Luật PCCC, trong bối cảnh khói lửa đang ngập trời Bắc Ninh về vụ cháy công ty Diana thì một vị ĐBQH đứng lên thắc mắc rất hay, đại ý những địa phương xảy ra một số vụ cháy, nổ lớn mới đây như cháy Trung tâm thương mại Hải Dương, nổ kho thuốc pháo ở Phú Thọ thì cứ “lặng thinh” không thấy ai lên tiếng!

Ở đây xin không đi vào chi tiết các vụ việc nói trên, vì báo giới công luận đã bàn và phân tích quá nhiều, mà chỉ muốn tìm hiểu những nét chung của ba sự kiện tưởng chừng như chẳng hề liên hệ gì với nhau.

Trước hết, nói gì thì nói ba sự “lạ”, thậm chí cực kỳ hy hữu liên tiếp xảy ra ở trên trước hết đều xuất phát từ một lý do chung, đó là những rủi ro khách quan không thể tránh khỏi trong bất cứ một sự vụ, công việc nào và 3 sự cố nói trên không nằm ngoài qui luật đó.

Tạm bỏ qua điều này, nguyên cớ tiếp theo chắc chắn thuộc về con người, đó là những tắc trách của người thi hành công vụ (vụ mất bánh lái máy bay); sự vô tâm của những người trong cuộc (trường hợp cháy, nổ) và sự tham lam của những người thi hành công vụ, họ đã trắng trợn cố ý làm trái để trục lợi (trong vụ thổi giá lên tới 1.300 lần).

Ở đây, xét dưới góc độ nào, với động cơ nào thì những người “trong cuộc” cũng phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước pháp luật bởi họ là những người đã cố tình gây ra sự cố. Tuy nhiên, chỉ có những người bị phát hiện đích danh như vụ thổi giá mới phải hứng chịu hình phạt của pháp luật, còn đối với những thủ phạm vô hình như vụ rơi bánh máy bay, vụ thờ ơ với cháy nổ trên địa phương mình thật khó lòng xử lý.

Tuy nhiên, chừng ấy là chưa đủ, trong những sự cố đó người ta không thể không nhắc tới vai trò của những cơ quan, tổ chức giám sát đứng sau tại các đơn vị, địa phương để xảy ra những sự cố. Dù không trực tiếp gây ra, nhưng việc họ để cho những câu chuyện tày trời kể trên xảy ra là một điều không thể chấp nhận.

Rõ ràng, trong những trường hợp này dù vô tình hay cố ý họ đã không làm tròn phận sự, trách nhiệm. Bởi nếu họ thực hiện đúng và đủ chức phận của một cơ quan giám sát, quản lý thì làm sao có chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”, tức là có thể xảy ra được những câu chuyện phi lý cứ như đang diễn ra trong chuyện cổ tích?

Đương nhiên, cổ nhân nói cuộc đời này vẫn luôn có những điều lạ lùng, kỳ diệu và con người luôn mong chờ điều đó. Nhưng có lẽ những điều “kỳ diệu” vừa mới xảy ra thì chẳng có ai mong đợi, dẫu trên thực tế dường như nó đang xảy đến mỗi ngày...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm