| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 30/10/2024 , 07:00 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 07:00 - 30/10/2024

Chống lãng phí cũng cấp bách như chống tham nhũng

Chống lãng phí được Tổng Bí thư Tô Lâm xác định là một nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, nhằm góp phần đẩy nhanh sự nghiệp phát triển đất nước.

Chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” có vị trí tương đương với chống tham nhũng! Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định như vậy trong các phát biểu chỉ đạo gần đây. Một số ví dụ bức xúc được Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra, như dự án chống ngập ở TP.HCM trị giá 10.000 tỉ đồng sau hơn một thập niên mà dẫn vẫn chịu ngập lụt, hoặc hai bệnh viện được ngân sách đầu tư ở Hà Nam sau gần chục năm vẫn chưa được vào sử dụng. Thậm chí, nhiều khu đất vàng ở các đô thị lớn vẫn đang bỏ hoang cho cỏ mọc.

Thực tế, lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần cảnh báo về tệ nạn lãng phí: “Tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn: Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến... Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi nạn lãng phí tai hại hơn nạn tham ô”.

Từ khi đời sống kinh tế phát triển, thì biểu hiện lãng phí càng rõ ràng. Để chống lãng phí, đã có nhiều văn bản quán triệt. Ngày 21/12/ 2012, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ngày 25/12/2023, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 27-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Mới đây, ngày 8/10/2024, có thêm Quy định 189-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Chống lãng phí khó hơn chống tham nhũng, vì sự lãng phí diễn ra ở rất nhiều hình thức khác nhau. Lãng phí tài nguyên thiên nhiên, lãng phí mua sắm và sử dụng tài sản công, lãng phí thời gian của quần chúng vì các thủ tục nhiêu khê…

Lãng phí về vật chất có thể dễ phát hiện, nhưng lãng phí về các loại văn bản thì cực kỳ phức tạp. Chẳng hạn thông tư do Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Y tế phối hợp ban hành, quy định mẫu giấy khám sức khỏe của người lái xe cần phải “xét nghiệm nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở”. Đây là một quy định hoàn toàn không hợp lý. Với mỗi lần xét nghiệm nồng độ cồn tốn khoảng 35 nghìn đồng, thì với khoảng 10 triệu giấy phép lái xe được cấp từ ngày 1/1/2021 đến ngày 1/1/2023 đã gây lãng phí 350 tỷ đồng.

Vì vậy, để chống lãng phí, ngoài việc tăng cường, giám sát và giáo dục, thì phải giảm tối đa thủ tục hành chính và ngăn chặn mọi hành vi quan liêu. Theo số liệu khảo sát của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, trong năm 2023, 20,4% doanh nghiệp vẫn phải dành trên 10% quỹ thời gian để tìm hiểu và thực hiện quy định pháp luật vì những quy định về đất đai.

Chống lãng phí là một mệnh lệnh cấp bách, tương đương chống tham nhũng. Cho nên, cần hoàn thiện thêm các văn bản pháp luật về phòng chống lãng phí để tăng cường giám sát cộng đồng.