Cảnh sát giao thông càng ngày càng trở thành hình ảnh nhân viên công vụ quen thuộc nhất trong mắt công chúng. Bởi lẽ, với hạ tầng giao thông phát triển vượt bậc trong thời gian gần đây, cảnh sát giao thông bao gồm lực lượng chuyên trách đường bộ, đường thủy, đường sắt đều nỗ lực phục vụ cho sự an toàn đi lại của người dân. Cảnh sát giao thông với các bộ phận tuyên truyền pháp luật, xử lý tai nạn, đăng ký phương tiện, kiểm soát cao tốc hoặc tuần tra dẫn đoàn, dần dần gắn bó mật thiết sự phát triển xã hội.
Vì vậy, Thông tư 46/2024/TT-BCA vừa được ban hành và có hiệu lực từ 15/11/2024, đã khiến nhiều người băn khoăn. Bởi lẽ, thông tư mới này không quy định người dân được giám sát cảnh sát giao thông bằng hình thức ghi âm hoặc ghi hình. Vì sao như vậy?
Theo Bộ Công an, thực tế việc giám sát của một số người dân đối với cảnh sát giao thông có lúc, có nơi chưa khách quan. Có trường hợp lợi dụng quyền giám sát để quay phim, ghi hình, chụp ảnh quá trình làm việc với cảnh sát giao thông và chia sẻ lên mạng xã hội, dẫn đến tư tưởng ngại va chạm của một bộ phận chiến sỹ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ và ảnh hưởng đến hình ảnh cảnh sát giao thông. Thậm chí, có đối tượng chống đối đã lợi dụng xúi giục người dân gửi đơn khiếu nại, tố cáo đi nhiều nơi gây phức tạp cho công tác thi hành pháp luật về trật tự giao thông.
Bãi bỏ một hình thức giám sát trong một quốc gia đang khao khát văn minh và dân chủ, hoàn toàn không làm suy giảm ý thức tận tụy cống hiến của cảnh sát giao thông. Hiện nay hệ thống pháp luật liên tục hoàn thiện để bảo vệ những nhân viên công vụ hết lòng vì nước vì dân, thì lẽ nào lại ái ngại vài kẻ quá khích hoặc vài kẻ thiển cận, mà phải khước từ điều kiện ghi âm, ghi hình của người dân với cảnh sát giao thông? Người dân ghi âm, ghi hình đúng chuẩn mực ứng xử, cũng góp phần đem lại chứng cứ hợp pháp ủng hộ công việc nhiều áp lực của cảnh sát giao thông.
Nếu ai ghi âm, ghi hình để tung lên mạng xã hội với mục đích không lành mạnh, thì đã có biện pháp chế tài của Luật An ninh mạng và những bộ luật liên quan đến quyền cá nhân khác. Không có gì phải lo lắng những động cơ không trong sáng đe dọa bủa vây cảnh sát giao thông, khi lực lượng chiến sĩ áo vàng luôn lịch sử thân thiện với quần chúng và có được nhiều sự quan tâm yêu mến của quần chúng.
Không quy định người dân được giám sát cảnh sát giao thông bằng hình thức ghi âm hoặc ghi hình, thật sự đáng tiếc nuối. Bởi lẽ, giữa cảnh sát giao thông và người dân sẽ mất đi cơ hội tìm được tiếng nói chung chan hòa, thông qua hiệu quả nghe nhìn từ thành tựu công nghệ thông tin.
Đồng thời, những hình ảnh đẹp đẽ truyền cảm hứng tích cực của cảnh sát giao thông như dắt người già qua đường, đưa học sinh đến điểm thi, phân luồng xe cộ khi tắc đường… cũng sẽ không được ghi nhận đầy đủ và thuyết phục, theo đúng lời hát “Bài ca chiến sĩ cảnh sát giao thông” xao xuyến tinh thần phụng sự “cảnh sát giao thông ngại chi mưa nắng/ con đường phía trước còn bao gian khổ/ sắt son một lòng vì đất nước quê hương/ sắt son một lòng vì mỗi con đường”.