| Hotline: 0983.970.780

Thứ Sáu 25/10/2024 , 13:53 (GMT+7)
Dư Hồng Quảng

Dư Hồng Quảng

Sở Ngoại vụ Phú Thọ 13:53 - 25/10/2024

Đú trend của đám đông

Để vun đắp cá tính sáng tạo cần đẩy lùi sự a dua. Dừng đú trend theo đám đông cũng là dừng nô lệ về tư duy, để mỗi cá nhân được là chính mình.

Đầu tháng 10/2024 vừa qua, trên một trang fanpage có gần 300 ngàn lượt theo dõi, đăng mấy dòng trong bài “Tiếng hạt nảy mầm” của nhà thơ Tô Hà: “Cánh sẻ vụt qua song/ Hót nắng vàng ánh ỏi” với lời chỉ trích: “Ối giời ơi, cứu tôi! Thơ thế này cũng đưa vào sách giáo khoa cho học sinh là sao?”

Ngay lập tức, đã có hơn 8 ngàn lượt bình luận, rất nhiều trong đó chia sẻ đồng tình với người đăng. Không biết có bao nhiêu người đã đọc hết bài thơ trong sách giáo khoa, đã tìm hiểu bối cảnh ra đời, thông điệp gửi gắm của tác giả? Khi câu chuyện trở thành hót hòn họt, lan tràn trên mạng xã hội, giới chuyên môn đã vào cuộc. Họ khẳng định bài thơ này đảm bảo tính nhân văn, tính giáo dục, tính thẩm mỹ, tính sư phạm, đưa vào sách giáo khoa là phù hợp. Không cần có chuyên môn sâu, không cần có khả năng cảm thụ cao, chỉ cần bình tĩnh hơn, tự mình đọc cả bài thơ, nhiều người chúng ta sẽ thấy “Tiếng hạt nảy mầm” là một bài thơ trong trẻo.

Trend có thể hiểu là xu hướng, chiều hướng, khuynh hướng. Đú trend là thuật ngữ được giới trẻ hiện nay sử dụng để chỉ việc bắt chước hoặc chạy theo xu hướng đang nổi bật, nhận được quan tâm của nhiều người trên mạng xã hội. Xếp hàng vài tiếng mua bánh custard, đua chen mua búp bê labubu... là đú trend. Điều này thể hiện tâm lý đám đông. 

Trước đây, trong chế độ nửa tây nửa ta, nhà thơ Tú Xương đã châm biếm những người hay ra vẻ ta đây “cũng võng cũng dù/ cũng hèo cũng quất/ ăn cậu cũng thời/ ngủ bà cũng giấc”. Thực chất họ chỉ là những kẻ a dua, bắt chước mà không biết mình kệch cỡm, đáng cười “tháng rét quạt lông/ mùa hè bít tất”.

Lại nhớ tích xưa “vua Tề thích áo tím, vua Sở thích eo thon”. Theo sách Đông Chu Liệt Quốc (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, năm 1988), Linh Vương là vua nước Sở, quân cơ chính sự chẳng màng, chỉ thích nữ nhân có eo lưng nhỏ. Sở Linh Vương cho xây cung eo thon để tuyển người. Nữ nhân cả nước đua nhau ăn kiêng để có eo thon, có người nhịn đói cho gầy, đói quá đến chết.

Với sắc đẹp chim sa cá lặn, Tây Thi đứng đầu “tứ đại mỹ nhân” trong lịch sử Trung Quốc. Khi nàng đau, mặt mày nhăn lại, vẫn vô cùng xinh đẹp. Có cô nàng ở thôn Đông, gọi là Đông Thi vốn xấu xí, thấy Tây Thi mặt nhăn rất đẹp bèn bắt chước. Ai ngờ khi Đông Thi nhăn mặt, xấu càng thêm xấu, khiến người ta nhìn thấy đều chạy đi, thậm chí không ai dám ra đường nữa.

Tâm lý đám đông thể hiện rõ khi thiếu bản sắc cá nhân. Vì mất khả năng tư duy độc lập nên người ta phải nói dựa, nói theo, dập khuôn, sáo rỗng. Vì nói theo nên thích dựa vào tập thể, ỷ lại người khác. Quan điểm của tập thể về cái gì nên, cái gì không nên đã an bài mọi sự, bóp chết mọi sáng kiến cá nhân. Những người sợ chịu trách nhiệm cá nhân thì phải nhân danh tập thể, nhân danh cộng đồng, nhân danh sự cao cả, đó là nguồn gốc của đạo đức giả và sự dối trá.

Từ “ánh ỏi” của nhà thơ Tô Hà trong sách giáo khoa có mới không? Năm 1940, nhà thơ Đoàn Văn Cừ đã viết “Chỉ còn nghe văng vẳng tiếng chim xuân/ Ca ánh ỏi trên cành xanh tắm nắng”. Nhà thơ Xuân Diệu cũng viết “Giữa vườn ánh ỏi tiếng chim vui/ Thiếu nữ nhìn sương chói mặt trời”.

Như vậy, “ánh ỏi” không phải từ mới. Người lên giọng kêu ca chưa đọc, chưa biết có từ này, kéo theo đám đông ào ạt chỉ trích. Cứ vậy thì còn ai dám sáng tạo từ mới nữa? Để vun đắp cá tính sáng tạo, phải hạn chế và đẩy lùi sự a dua, theo nhau kiểu tâm lý đám đông. Dừng đú trend theo đám đông, thiết nghĩ cũng là dừng nô lệ về tư duy, để mỗi cá nhân được là chính mình.