| Hotline: 0983.970.780

Được ưu ái, doanh nghiệp làm trái

Thứ Năm 22/08/2013 , 08:53 (GMT+7)

Từ việc nhận được nhiều sự ưu ái của chính quyền, Cty Cổ phần tập đoàn Tiến Bộ (thành phố Thái Nguyên) không chỉ tạo ra những công trình xây dựng tồn tại nhiều bất cập mà còn kèm theo những sai phạm khiến dư luận bất bình.

Từ việc nhận được nhiều sự ưu ái của chính quyền, Cty Cổ phần tập đoàn Tiến Bộ (thành phố Thái Nguyên) không chỉ tạo ra những công trình xây dựng tồn tại nhiều bất cập mà còn kèm theo những sai phạm khiến dư luận bất bình.

Xây nhà chung cư “hứng” lũ, “dụ” lửa

Theo đề xuất của Cty Cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ, năm 2007, UBND tỉnh Thái Nguyên đã quyết định điều chỉnh gần 8.000 m2 đất cây xanh sang đất công trình công cộng. Diện tích trên được sử dụng vào việc xây dựng giai đoạn 1 của dự án Làng sinh viên tại phường Hoàng Văn Thụ (thành phố Thái Nguyên). Sau một năm xây dựng, tòa nhà 3 tầng với 50 phòng đáp ứng chỗ ở cho 400 sinh viên được hoàn thiện. Tuy nhiên, không hiểu vì sao, Làng sinh viên lại không có sinh viên đến ở. Cty Tiến Bộ liền xin chuyển đổi mục đích sử dụng từ làng sinh viên sang kinh doanh nhà ở chung cư TBCO. Đề nghị trên lại được UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận bằng Quyết định số 2003 ngày 07/09/2012.

Việc chuyển mục đích xây dựng làng sinh viên sang xây dựng nhà ở chung cư phát sinh nhiều bất cập. Là người từng được giao nhiệm vụ phản biện về dự án xây dựng trên, ông Cao Duy Trí (nguyên Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường BĐS - Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên) cho biết, khu vực công trình có cos (nền) thấp hơn so với cos nước thoát lũ của thành phố Thái Nguyên là 4 m. Mặt khác, vị trí dự án lại nằm trên rẻo đất nhô ra của sông Cầu. Theo đó, dự án không đủ điều kiện để xác định chất thải sinh hoạt đi đâu. Chủ đầu tư sẽ có phương pháp như thế nào để xử lý chất thải, tránh ô nhiễm môi trường?


Khu chung cư TBCO dù bị nghi vấn về khả năng chống thủy, chống hỏa song vẫn thu hút được khách hàng

Không chỉ “hứng” lũ, phương án bảo đảm phòng cháy chữa cháy tại chung cư TBCO cũng khiến nhiều người lo ngại. Theo đó, lối duy nhất để vào khu chung cư chỉ rộng chừng 3 m, đường đi quanh co, gấp khúc. Rõ ràng, việc di chuyển của các phương tiện cứu chữa cũng như bản thân cư dân sẽ rất khó khăn trong cả 2 trường hợp xảy ra là lũ lớn hoặc hỏa hoạn.

Bất chấp lo ngại, đã có những khách hàng đặt mua căn hộ tại dự án chung cư TBCO. Những người mua căn hộ đã ký hợp đồng góp vốn, nộp 90% số tiền/căn hộ nhưng chưa biết thời gian nào mới nhận được giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và các loại thuế, phí phải nộp là bao nhiêu. Trong khi đó, Cty Cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng khoảng 300 căn hộ theo quyết định phê duyệt dự án. Thật kỳ lạ khi mà những rủi ro, nguy cơ cao ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng của con người như vậy song dự án chung cư TBCO lại vẫn tiếp tục được triển khai.

Lấn chiếm đất, xây dựng không phép

Ở một dự án khác, Cty Cổ phần tập đoàn Tiến Bộ làm chủ đầu tư đã bất chấp luật pháp, chẳng những tiến hành xây dựng công trình khi chưa có giấy phép mà còn lấn chiếm đất công, xâm phạm đất tư. Đó là dự án xây dựng nhà máy sản xuất cầu lông tại phường Quang Vinh (thành phố Thái Nguyên). Sau khi lập dự án, được giới thiệu địa điểm và có chứng chỉ quy hoạch, tháng 12/2011, Cty Tiến Bộ được UBND tỉnh Thái Nguyên cho phép chuyển mục đích sử dụng 704,5 m2 đất trồng cây hàng năm sang đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp đồng thời cho công ty này thuê thêm 4.188m2 đất do người dân và UBND phường Quang Vinh quản lý, sử dụng. Khi các thủ tục pháp lý còn chưa hoàn thiện thì cuối năm 2012, Cty Tiến Bộ đã tiến hành san gạt mặt bằng, xây dựng nhà xưởng.

Việc làm trên vấp phải sự phản đối của các hộ dân. Để ra tay bảo vệ doanh nghiệp, ngày 3/1/2013, ông Nguyễn Văn Công (Chủ tịch UBND phường Quang Vinh) đã trực tiếp ký ban hành Quyết định số 01/QĐ-UBND về việc thành lập Ban chỉ đạo hỗ trợ bảo vệ thi công nhà máy sản xuất cầu lông của Cty Cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ. Theo đó, Ban chỉ đạo hỗ trợ bảo vệ thi công gồm 15 người, do ông Nguyễn Văn Công (Chủ tịch UBND phường) trực tiếp làm Trưởng ban. Hai Phó ban là ông Lê Anh Tuấn (Trưởng Công an) và ông Hoàng Anh Tuấn (cán bộ trật tự xây dựng phường Quang Vinh).

Trước sự tiếp tục phản ứng quyết liệt của các hộ dân, cuối tháng 3/2013, Thanh tra Sở Tài Nguyên Môi trường vào cuộc và phát hiện, Cty Cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ đã đổ đất lấn chiếm gần 1.000 m2 đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ được Sở Xây dựng cấp. Trong đó, có cả diện tích đất công lẫn diện tích của các hộ dân. Không những thế, Cty Cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ còn thực hiện xây dựng nhà xưởng khi chưa có giấy phép của cơ quan chức năng.

Ông Nguyễn Việt Anh (Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Thái Nguyên) cho biết, các cơ quan chức năng đã yêu cầu UBND phường lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và xây dựng. Kế đó, phải tiến hành điều chỉnh chứng chỉ quy hoạch, đảm bảo không ảnh hưởng tới diện tích đất của các hộ sử dụng liền kề.

Một lần nữa, dư luận đặt câu hỏi, nếu không có sự phản ứng của các hộ dân, lại nhận được sự ưu ái quá lớn của lãnh đạo phường Quang Vinh, liệu cả ngàn m2 đất giữa thành phố mà Cty Cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ đã lấn chiếm có bị “cướp” trắng hay không?

Xem thêm
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh chính sách tín dụng đối với lâm sản, thủy sản

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ động chỉ đạo các giải pháp linh hoạt tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sản xuất, thúc đẩy, tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.