| Hotline: 0983.970.780

Nữ tiến sỹ khóc tại tòa vì trường Trường ĐH Cần Thơ đòi tiền đào tạo

Thứ Tư 22/06/2016 , 13:32 (GMT+7)

Sáng 20/6, nguyên đơn vắng mặt, TAND quận Ninh Kiều (Cần Thơ) hoãn phiên xét xử vụ kiện Trường ĐH Cần Thơ đòi bà Vũ Thị Nhuận 569 triệu đồng “chi phí đào tạo tiến sỹ tại nước ngoài”. Tiến sỹ Nhuận đã bật khóc giữa vòng vây các nhà báo.

Bà Nhuận kể, bà đi học tiến sỹ theo học bổng của Nhật Bản, trong 3 năm, còn được Chính phủ Nhật hỗ trợ nhiều khoản, cả đứa con nhỏ của bà cũng được hỗ trợ tiền sữa mỗi tháng 100 USD.

“Bây giờ lại bị trường đòi chi phí đào tạo, một đòi hỏi vô lý, thiếu nhân văn để truy bức tôi về tinh thần", TS Nhuận nói.

Diễn biến vụ kiện

Đơn khởi kiện của Trường ĐH Cần Thơ do Hiệu trưởng Hà Thanh Toàn ký ngày 17/12/2014. Nguyên văn: “Tháng 10/2005, bà Nhuận được Trường Đại học Cần Thơ cử đi học Tiến sỹ ngành Công nghệ sinh học tại Trường Đại học Kyushu - Nhật Bản, trường hợp bà Nhuận đi học Tiến sỹ tại Nhật Bản toàn bộ kinh phí trong thời gian đi học thì Trường Đại học Cần Thơ phải chịu (kinh phí này, chủ yếu lấy từ nguồn thu học phí của sinh viên hàng năm theo quy định của Bộ GD-ĐT”.

Cũng theo đơn kiện, hoàn thành luận án TS ở Nhật Bản, bà Nhuận về lại trường giảng dạy từ 10/2008. Đầu năm 2011, bà Nhuận “có đơn xin tham dự khóa đào tạo nghiên cứu sinh sau tiến sỹ”, nhà trường không cho thì bà “xin nghỉ việc”.

Sau đó, “Trường ĐH Cần Thơ được biết bà Vũ Thị Nhuận đang làm việc tại Trường ĐH Y dược Cần Thơ” nên khởi kiện, yêu cầu tòa án tuyên buộc bà Nhuận “bồi thường toàn bộ chi phí liên quan đến việc đào tạo” là 569 triệu đồng. Bên cạnh, còn yêu cầu tính lãi suất chậm bồi thường.

Tòa án quận Ninh Kiều nhận đơn khởi kiện, yêu cầu bổ sung hồ sơ đến tháng 6/2015, chính thức thụ lý giải quyết. Ngày 10/8/2015, tòa án tổ chức hòa giải lần thứ nhất nhưng không thành.

Theo hồ sơ, chi phí đào tạo TS cho bà Nhuận do phía Nhật Bản đài thọ, không phải của ĐH Cần Thơ. Lúc cho bà Nhuận đi học, công văn số 909/ĐHCT-TCCB, ngày 29/7/2005, của ĐH Cần Thơ ghi: “Mọi chi chí có liên quan tới khóa học sẽ do phía mời đài thọ”.

Quyết định cử bà Nhuận đi học của Bộ GD-ĐT, ngày 6/9/2005: “Kinh phí liên quan tới khóa học do phía mời đài thọ”. Sau đó, quyết định tiếp nhận cán bộ đi học tập công tác ở nước ngoài trở về của Bộ GD-ĐT, ngày 14/11/2008, tiếp tục khẳng định: “Kinh phí: do Trường ĐH Kyushu - Nhật Bản đài thọ”.

Các bên liên quan nói gì?

Chiều 20/6, Trường ĐH Cần Thơ họp mặt báo chí và cung cấp văn bản về vụ kiện, giải thích lý do yêu cầu TS Nhuận bồi thường. Theo văn bản, “bà Nhuận được  ĐH Cần Thơ cử đi đào tạo thạc sỹ ngành công nghệ sinh học bằng nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng của trường trong khoảng thời gian 28 tháng. Bà Nhuận được ĐH Cần Thơ cử đi đào tạo nghiên cứu sinh tại Nhật Bản từ học bổng của Chính phủ Nhật Bản”.

Cho nên, “Trường ĐH Cần Thơ có trách nhiệm và quyền hạn yêu cầu bà Nhuận bồi thường chi phí đào tạo để nộp ngân sách nhà nước”. Tuy nhiên, đơn khởi kiện đòi TS Nhuận bồi thường chi phí đào tạo tại Nhật Bản thì văn bản không nêu căn cứ nào để xác định học bổng của Chính phủ Nhật Bản cấp cho bà Nhuận cũng thuộc “ngân sách nhà nước” cần thu hồi.

Phía Nhật Bản, giáo sư Kimura tại ĐH Kyushu, nơi bà Nhuận học tiến sỹ, có viết bức thư ngày 1/8/2015, cho biết, bà Nhuận nhận được học bổng “dựa trên kiến thức đạt chuẩn của bản thân, chứ không phải vào vị trí nghề nghiệp của cô tại ĐH Cần Thơ”.

Bức thư khẳng định: “Ngân sách học bổng là viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản để hỗ trợ các nước đang phát triển thông qua việc đào tạo nguồn nhân lực, nó không phải là viện trợ cho ĐH Cần Thơ, do đó, nó chưa bao giờ thuộc về ĐH Cần Thơ. Mọi yêu cầu bắt buộc bồi thường liên quan đến số tiền này đến từ ĐH Cần Thơ là vô lý và không thể chấp nhận”.

TS Nhuận kể, học bổng bà nhận được ở ĐH Kyushu do tự  xin qua internet, cạnh tranh với ứng cử viên của nhiều quốc gia.

Bà cho rằng, bà nghỉ việc ở ĐH Cần Thơ đúng luật để đi nghiên cứu sau tiến sĩ tại Viện Y Khoa của ĐH Tokyo hơn một năm. Về nước, bà thất nghiệp một thời gian, vừa xin được vào giảng dạy ở ĐH Y dược Cần Thơ thì bị ĐH Cần Thơ kiện nên “rất hoang mang”.

Cũng tại buổi họp mặt báo chí, Hiệu trưởng Hà Thanh Toàn cho biết, từ trước đến nay, ở Trường ĐH Cần Thơ có hơn 30 người được cử đi đào tạo ở nước ngoài bằng tiền ngân sách nhà nước nhưng đã không về nước hoặc về nước mà không công tác tại trường. “Tổng số tiền khoảng 10 tỷ đồng, chưa kiện đòi được”, Hiệu trưởng Toàn nói.

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm