| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 01/04/2015 , 06:15 (GMT+7)

06:15 - 01/04/2015

'Sống chết mặc bay'

Trong khi hàng ngàn hộ dân xã Quảng Thành (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên- Huế) cuống cuồng chạy lụt thì trong trụ sở UBND xã, một số cán bộ tỉnh, cán bộ huyện và xã vẫn đang nhậu nhẹt.

Đó là tên một truyện ngắn mà nhà văn Phạm Duy Tốn đã cho đăng trên một tờ báo ở Hà Nội vào đầu thế kỷ XX.

Chuyện rằng trong một ngôi nhà làm trên đê, dưới ngọn đèn ba dây sáng rực, quan tri huyện cùng cánh tổng lý đang chăm chú vào canh bài tổ tôm. Trong khi bên ngoài, hàng ngàn người dân đang dầm mưa, tất tưởi vác đất bồi thêm vào con đê đang yếu dần trước dòng sông hung dữ, chảy xiết.

Nhưng sức người có hạn. Đê vỡ. Lập tức hàng ngàn mẫu lúa và làng xóm bị dìm ngập trong dòng nước. Tiếng kêu cứu dậy cả một vùng. Một người dân chạy vào, báo với quan:

- Bẩm quan lớn, đê vỡ rồi.

- Đê vỡ rồi. Đê vỡ rồi thì ông cách cổ chúng mày, ông bỏ tù chúng mày. Lính đâu, đuổi cổ nó ra.

Rồi quan quay về với ván bài, bảo một thày lý đang ngồi trước mặt:

- Thày bốc đi chứ.

Và khi thày lý bốc một con bài, xòe ra, thì quan reo to:

- Ù thông tôm. Chi chi nẩy. Điếu mày.

Ù thông tôm là hình thức ù to trong ván bài tổ tôm. Viết đến đây, nhà văn nghẹn ngào thốt lên: “Ấy, trong khi quan ù ván bài to như thế, thì khắp vùng chìm ngập trong nước lũ. Lúa má sạch không, xác trâu bò, gà lợn trôi nổi khắp nơi, tiếng kêu khóc vang dội trong khắp các làng xóm. Cảnh thê thảm kể sao cho xiết…”.

Đọc chuyện xưa, ngẫm ngợi chuyện nay.

Vào đêm 27/3, trong khi nước lũ từ thượng nguồn đổ về xã Quảng Thành (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên- Huế) như thác, 160 m đê bao nội đồng bị vỡ, khiến 1.106 ha lúa đang làm đòng bị ngập, 132,6 ha hoa màu, 7,4 ha đầm nuôi trồng thủy sản bị mất trắng…

Và trong khi hàng ngàn hộ dân cuống cuồng chạy lụt thì trong trụ sở UBND xã Quảng Thành, một số cán bộ tỉnh, cán bộ huyện và xã vẫn đang nhậu nhẹt.

Khi sự việc bị Báo Giao thông- Vận tải phát hiện và đăng lên, ông Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền đã thanh minh thanh nga rằng, đó chỉ là một… bữa cơm thường nhân đại hội đảng bộ xã Quảng Thành.

Nhưng trong tấm ảnh đăng kèm theo bài báo của Báo Giao thông- Vận tải, người ta thấy vỏ bia vương vãi khắp các bàn của “bữa cơm thường”.

Hai câu chuyện nói lên điều gì, chắc bạn đọc có thể tự suy ngẫm?

Tuy nhiên điều trước mắt mà tỉnh Thừa Thiên- Huế có thể làm ngay lúc này để lấy lại niềm tin của người dân với đội ngũ công bộc của họ, là chính quyền địa phương cần xử lý nghiêm số cán bộ vô cảm trên.

Cách tốt nhất, để trấn an dư luận, là sa thải thẳng cánh họ khỏi bộ máy công quyền. Vì cán bộ sinh ra là để làm “Đầy tớ trung thành của nhân dân” và vì nhân dân mà phục vụ. Nay đã không vì nhân dân, thì họ lấy lý do gì để tồn tại trong bộ máy công quyền nữa?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm