| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 20/11/2014 , 08:59 (GMT+7)

08:59 - 20/11/2014

Tám chữ cho các nhà giáo

Đã từng hỏi cả trăm thầy, cô ở nơi tôi định cư và ở hàng chục địa phương khác, nơi tôi đi công tác và gặp họ. Chẳng thầy cô nào biết đến tám chữ ấy cả.

Nó không phải là một vấn đề, một sự kiện nóng, đang được cả xã hội quan tâm. Nhưng nhân ngày nhà giáo Việt Nam này, xin được bàn đôi chút về nó, như một món quà nhỏ gửi tặng những “kỹ sư tâm hồn”.

Tám chữ ấy nguyên là do bậc “Vạn thế sư biểu” (bậc thầy của vạn đời), tức Khổng Tử, phát ra. Cụ nói câu ấy, như một sự tổng kết cuộc đời mình, sau khi đã dành phần lớn thời gian trong đời cho việc dạy học. Tám chữ ấy là “Dĩ ngôn vi giáo, dĩ thân vi giáo”.

“Dĩ ngôn vi giáo”, là dùng lời nói để dạy người. Tất nhiên, để truyền đạt kiến thức cho học trò, các thầy các cô không dùng lời nói, thì dùng cái gì? Ngôn từ là công cụ duy nhất để làm việc đó.

Nhưng dạy học, đâu chỉ đơn thuần dạy kiến thức. Điều quan trọng hơn phải dạy cho các em nhân cách, đạo đức, lối sống lành mạnh. Phải chăm sóc, vun trồng cho những phẩm chất ấy của các em lớn dần, trở thành bền vững.

Có thế, các em mới thành những người có ích cho xã hội. Mà để dạy những thứ đó, thì ngôn từ không đủ.

Thế nên mới có cái vế thứ hai. “Dĩ thân vi giáo”, nghĩa là lấy chính thân mình, lấy chính nhân cách, đạo đức, lối sống của mình, làm một tấm gương để dạy, để học trò soi vào đó mà học tập, rèn luyện.

Bốn chữ “Dĩ thân vi giáo”, vừa thâm thúy, vừa cao cả xiết bao. Nó yêu cầu các thầy giáo, cô giáo phải không ngừng rèn luyện, không ngừng trau dồi nhân cách, đạo đức, lối sống của mình. Có thế mới đủ làm một tấm gương để dạy học trò.

Người thầy không chỉ là thầy ở trên lớp, mà còn ở cả cuộc sống thường ngày. Mỗi cử chỉ, mỗi hành vi, mỗi cách ứng xử của thầy, ở bất cứ đâu, đều được hàng trăm cặp mắt của trò dõi theo, làm theo.

 Học trò càng nhỏ tuổi, nhân cách đạo đức, lối sống... còn chưa định hình, thì chúng làm theo thầy càng nhanh. Bởi tâm hồn chúng còn đang như tờ giấy trắng.

Lên lớp anh dạy học trò rằng phải kính trọng và biết ơn cha mẹ, ông bà, phải tôn trọng anh chị, phải thương yêu nhường nhịn các em. Nhưng về nhà anh hỗn láo với bố mẹ ông bà, chửi anh chửi chị, bắt nạt em… thì học trò sẽ nhìn anh ra sao?

 Lên lớp, anh dạy học trò rằng phải trung thực, thật thà. Nhưng ra khỏi lớp, anh tráo đấu lường thưng, mua gian bán lận, thì những lời dạy của anh trên lớp có còn giá trị nữa không?

Hay ngược lại, đó chính là những bài học về sự đểu cáng, nói một đằng làm một nẻo, mà anh dạy cho học trò, bằng một cách dạy sinh động nhất?

Xã hội đang nảy sinh những vấn đề vô cùng phức tạp. Nhân cách, đạo đức và lối sống đang xuống cấp trầm trọng. Những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp mà cha ông ta đã dày công xây đắp hàng ngàn năm, đang bị băng hoại hết sức nặng nề.

Ngành giáo dục cũng không nằm ngoài chuyện đó. Quan hệ thầy - trò ngày nay đã giảm hẳn tính thiêng liêng. Việc học sinh ăn miếng trả miếng, chửi thầy, đánh thầy ngay trong lớp, thậm chí hắt cả axit vào thầy… đang diễn ra ngày càng nhiều, khiến cả xã hội nhức nhối.

Phải chăng thực trạng đó có nguyên nhân từ một số thầy cô đã không biết, không chú trọng đến việc “Dĩ thân vi giáo”?

Và trong hoàn cảnh hiện nay, thì việc “Dĩ thân vi giáo” càng nên được đề cao, thậm chí cần phải phát động để thành một phong trào, như thể “Tiên học lễ, hậu học văn” vậy.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm