| Hotline: 0983.970.780

Thành công nhờ tự nguyện

Thứ Tư 02/11/2016 , 13:10 (GMT+7)

Phá bỏ những trụ tiêu trĩu quả để hiến đất làm đường giao thông trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), nông dân huyện Chư Pưh (Gia Lai) đang tham gia một cách tự nguyện, trở thành phong trào đẹp ở địa phương này.

18-34-18_nguoi-dn-tinh-nguyen-nho-tru-tieu-hien-dt-lm-duong
Người dân tình nguyện nhổ trụ tiêu hiến đất làm đường
 

Tại thị trấn Nhơn Hòa, con đường vào khu dân cư phía đông và phía tây thị trấn đang thi công. Trước đây, con đường chật hẹp, mùa khô thì mù bụi, mùa mưa thì lầy lội khó đi. Không ngần ngại, 5 hộ dân nơi con đường đi qua tự nguyện phá bỏ nhiều trụ tiêu đang cho thu hoạch, hiến gần 4.000m² đất.

Đến nay, bộ mặt thôn Hòa Tín trở nên khang trang hơn, người dân đi lại thuận tiện trên con đường bê tông rộng 6m, dài gần 1km. Ông Nguyễn Hồng (thôn Hòa Tín, thị trấn Nhơn Hòa) - người đã tự nguyện hiến trên 600m² thổ cư, nói: “Nhận thức xây dựng NTM là cần thiết, bà con chúng tôi tự nguyện hiến đất để có con đường đi lại thông thoáng hơn. Xét cho cùng thì cũng phục vụ cho mình thôi mà".

Con đường liên xã Ia Phang đi thị trấn Nhơn Hòa cũng chung tình trạng bụi bặm, lầy lội, cản trở buôn bán của hơn 500 hộ dân. Ông Bùi Duy Chính đã tự nguyện hiến 80m² đất làm đường, nói: “Từ ngày có chủ trương làm đường, những hộ dân xung quanh đã đồng tình hiến đất làm cho con đường sạch đẹp, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại”.

Tại xã Chư Don, con đường từ thôn Thơ Ga B đi trung tâm xã cũng được đầu tư với sự đồng thuận cao của người dân. Ông Lê Hoàng Nam (thôn Thơ Ga B, xã Chư Don) - người hiến 40m2 đất, nói: "Mặc dù còn nhiều khó khăn, bà con chúng tôi vẫn sẵn sàng hiến đất làm đường. Trước kia, nhìn con em mình đi học như... đi cày, xót lắm!".

Với các hộ không ở gần đường, không phải hiến đất thì cũng sẵn sàng ủng hộ tiền, ngày công lao động... Giờ đây, con đường ra đồng của thôn, làng đã đổi khác hoàn toàn: trải nhựa chắc chắn, rộng 6m, các loại xe cơ giới chạy bon bon...

Đổi lại, các địa phương làm NTM ở Chư Pưh cũng đã hỗ trợ bằng nhiều cách để các hộ hiến đất không bị thiệt thòi. Đối với những gia đình khó khăn, huyện hỗ trợ tiền mặt hoặc có những dự án tái định cư giúp bà con ổn định cuộc sống.

18-34-18_nhn-dn-chu-puh-tu-nguyen-thm-gi-cong-lo-dong-trong-phong-tro-xy-dung-nong-thon-moi-o-di-phuong
Người dân tự nguyện góp công lao động trong phong trào xây dựng NTM tại địa phương
 

Ông Phạm Đức Ngọc - Chánh Văn phòng UBND huyện Chư Pưh, cho biết: “Để phong trào xây dựng NTM, đặc biệt phong trào hiến đất làm đường lan tỏa mạnh mẽ, UBND huyện Chư Pưh đã chỉ đạo các xã tăng cường tuyên truyền, vận động. Qua đó, người dân thấy được lợi ích từ việc hiến đất làm đường, tạo nên bộ mặt nông thôn khởi sắc”.

Từ khi phát động phong trào toàn dân chung sức xây dựng NTM, đến nay các trục đường chính liên xã, thôn ở Chư Pưh đã được mở rộng làm mới khang trang, số còn lại đang được tiếp tục triển khai, số hộ tham gia hiến đất cũng ngày một tăng.

Một điều dễ nhận thấy, sau khi hiến đất làm đường, bà con các xã ai nấy đều phấn khởi. Có đường mới rộng, đẹp, đi lại thuận lợi hơn, góp phần mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế của mỗi gia đình, đem lại diện mạo bề thế, khởi sắc cho toàn huyện. 

Trong 5 năm (2011 - 2015), huyện Chư Puh đã đầu tư xây mới trên 138,5km đường nông thôn. Trong đó xây mới, nâng cấp 60km đường nhựa hóa, 72,2km đường cấp phối. Đặc biệt, các xã đã huy động gần 1.000 hộ dân hiến 115.000m² đất, đóng góp trên 9 tỷ đồng và 34.000 ngày công để làm đường nông thôn...

Công khai, minh bạch, bàn bạc đi đến thống nhất chung là cách làm hay của huyện Chư Pưh, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Vì vậy, việc người dân hiến đất xây dựng đường giao thông thôn ở huyện đã trở thành phong trào rộng khắp và phát triển mạnh mẽ.

 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Nâng cao khả năng cạnh tranh, phát huy tiềm năng sản phẩm OCOP

Tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh và phát huy tiềm năng của các sản phẩm OCOP.