
Công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát đóng vai trò quan trọng giúp thay đổi diện mạo nông thôn mới tại huyện Đại Từ. Ảnh: Quang Linh
Chủ động, đồng bộ từ cơ sở
Ngay từ đầu năm, để đảm bảo mục tiêu xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 31/3/2025, Huyện ủy Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công rõ trách nhiệm đến từng đơn vị. Ban chỉ đạo cấp huyện được thành lập, đồng thời 27/27 xã, thị trấn đều thành lập ban chỉ đạo tại cơ sở.
Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, địa phương đã đẩy mạnh huy động xã hội hóa với nhiều hình thức hỗ trợ linh hoạt như: đóng góp tiền mặt, ngày công lao động và nguyên vật liệu từ người dân, cán bộ công chức, nhà hảo tâm, doanh nghiệp...
Các tổ chức đoàn thể cũng tích cực vào cuộc: Liên đoàn Lao động huyện Đại Từ hỗ trợ 220 triệu đồng cho 4 hộ nghèo; Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đại Từ vận động hội viên ủng hộ thông qua chương trình “Mái ấm tình thương”, mỗi người ít nhất 3.000 đồng/năm.
Nhờ đó, đến ngày 26/2/2025, Đại Từ đã hoàn thành 100% kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát, sớm hơn kế hoạch tỉnh Thái Nguyên giao 3 tháng.
Huy động hiệu quả nguồn lực xã hội hóa
Khôi Kỳ là một trong những xã về đích nông thôn mới rồi nông thôn mới nâng cao sớm nhất của huyện Đại Từ. Không ngủ quên trên những thành tích đã đạt được, xã Khôi Kỳ coi nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong những tháng đầu năm 2025, giúp cải thiện đời sống người dân, nâng cao chất lượng nông thôn mới.

Căn nhà cũ của bà Dương Thị Tích (xã Khôi Kỳ) xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Quang Linh.
Xã đã huy động xây mới và sửa chữa 8 căn nhà cho các hộ nghèo và người có công, công tác xóa nhà tạm được triển khai sát thực tế, cán bộ cơ sở không rập khuôn máy móc mà linh hoạt xử lý từng tình huống.
Là một trong những hộ dân được hỗ trợ xây nhà mới, bà Dương Thị Tích (80 tuổi, xã Khôi Kỳ) phấn khởi cho biết: “Nhà cũ của gia đình được xây dựng vào năm 1982. Do điều kiện kinh tế khó khăn nên không thể tu sửa định kỳ. Theo thời gian, ngôi nhà xuống cấp trầm trọng, nguy cơ sập đổ luôn rình rập khiến cuộc sống luôn bất an”.
Căn nhà cũ dù lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp qua nhiều thế hệ nhưng bà Tích vẫn luôn mong ước được về một ngôi nhà mới, vững chãi, khang trang để con cháu sum họp.

Nhôi nhà mới của bà Dương Thị Tích (xã Khôi Kỳ). Ảnh: Quang Linh.
“Tôi rất vui khi được sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương, có nhà mới rồi cuộc sống của tôi sẽ bớt cơ cực, an tâm khi mùa mưa bão tới. Bà con hàng xóm cũng đồng lòng, chung sức hỗ trợ gia đình tôi, ai có của góp của, ai có sức thì góp sức”, bà Tích chia sẻ.
Ngoài hỗ trợ xây nhà mới, UBND xã Khôi Kỳ cũng vận động các nguồn lực xã hội hóa để cải tạo và bắn tôn cho sân nhà bà Tích, trị giá 7 triệu đồng.
Thuộc diện hộ nghèo, sống đơn thân trong ngôi nhà cũ kỹ từ những năm 90 của thế kỷ trước, bà Ngô Thị Hằng (xã Khôi Kỳ) cho biết: “Hàng chục năm qua, tôi vẫn sống trong ngôi nhà cấp 4 mái lá dột nát. Với nguồn thu nhập ít ỏi từ làm vườn và chăn nuôi, không biết bao giờ mới cải tạo được ngôi nhà nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước và bà con trong xóm”.
Hay tin chính quyền xã vận động người dân hỗ trợ gia đình nhà bà Hằng công lao động để sửa nhà, nhiều bà con đã gác lại công việc cá nhân để chung tay lợp mái tôn chống nóng giúp cuộc sống tuổi già của bà Hằng vơi đi phần nào vất vả.
Theo bà Hoàng Thị Bạch Yến, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Đại Từ, qua rà soát từ năm 2020, toàn huyện có hơn 600 hộ cần hỗ trợ về nhà ở. Mục tiêu mỗi năm hoàn thành ít nhất 100 căn nhà. Trong điều kiện nguồn lực hạn chế, Đại Từ đã huy động đa dạng nguồn lực, đồng thời phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp xã, thôn trong việc rà soát, đánh giá nhu cầu thực tế của người dân, chủ động thực hiện.

Ông Nguyễn Nam Tiến, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ (ngoài cùng bên trái) trao kinh phí hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh: Quang Linh.
Ông Nguyễn Nam Tiến, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ nhấn mạnh: “Việc xóa nhà tạm, nhà dột nát không thể chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước. Chúng tôi huy động sự chung tay của cả hệ thống chính trị và cộng đồng. Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, xã hội đóng vai trò quan trọng, người dân là trung tâm thụ hưởng”.