| Hotline: 0983.970.780

Con tôm, cây lúa làm nên huyện nông thôn mới An Minh

Thứ Năm 10/04/2025 , 06:13 (GMT+7)

Kiên Giang Được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới là niềm vui, hạnh phúc to lớn đối với người dân An Minh, một địa phương thuần nông chuyển mình từ con tôm, cây lúa.

Tôm, lúa giúp nông dân tăng thu nhập

Cuối tháng 3/2025, huyện An Minh (tỉnh Kiên Giang) được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Đây là niềm vui lớn đối với người dân An Minh sau hơn 10 năm nỗ lực, góp công, góp của cùng chính quyền địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Tuyến đường từ xã Thuận Hòa về ấp Xẻo Quao được người dân chăm chút, cắt tỉa gọn giàng, tạo môi trường sống xanh, sạch, đẹp. Ảnh: Trung Chánh.

Tuyến đường từ xã Thuận Hòa về ấp Xẻo Quao được người dân chăm chút, cắt tỉa gọn giàng, tạo môi trường sống xanh, sạch, đẹp. Ảnh: Trung Chánh.

Trong niềm vui, phấn khởi ấy, tôi cùng ông Nguyễn Minh Nhã, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa (huyện An Minh) và cán bộ Tổ Khuyến nông cộng đồng xã đi thăm mô hình phát triển kinh tế của người dân trên địa bàn. Con đường từ trung tâm xã xuống ấp Xẻo Quao trước đi lại rất khó khăn, nhiều đoạn giáp rừng phòng hộ ven biển chỉ có thể đi bằng vỏ máy, nay đã được bê tông hóa, xe máy, ô tô đi lại thuận tiện. Hai bên đường người dân trồng cây xanh, hoa kiểng được chăm chút, cắt tỉa gọn gàng.

Nơi chúng tôi ghé là hộ anh Trần Hoàng Tuấn, với mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng phòng hộ. Anh Tuấn đang sản xuất trên diện tích 18ha, nuôi xen canh tôm, cua biển, sò huyết. Hiện đang là thời điểm thu hoạch sò, giá bán 90.000 đồng/kg (loại trên 100 con/kg), giảm khoảng 30.000 đồng so với mấy năm trước nhưng anh Tuấn vẫn có thu nhập khá nhờ nuôi đạt sản lượng. Sò huyết nuôi từ 10-12 tháng mới cho thu hoạch, nên nông dân sẽ thả thêm tôm sú, cua biển để nuôi ghép, đa dạng nguồn thu trên cùng diện tích.

Dù không nói ra nguồn thu nhập nhưng nhìn căn biệt thự mới được xây dựng bề thế, nằm cạnh khu vực rừng phòng hộ lúc nào cũng mát mẻ, đủ thấy đời sống kinh tế của người dân đã được nâng lên khá cao. Quê gốc Cần Thơ, anh Tuấn lập gia đình và sinh sống ở Xẻo Quao hơn 20 năm nay.

Anh Tuấn kể, trước đây người dân sống ở khu vực này rất khó khăn, không có điện lưới để sinh hoạt, giao thông cách trở, chủ yếu đi bằng vỏ máy theo kênh, rạch. Nhưng nhờ có chương trình xây dựng nông thôn mới, mọi thứ đã thay đổi nhanh chóng, đường ô tô về tận nơi, mở đường cho giao thương, phát triển kinh tế. 

Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa ông Nguyễn Minh Nhã (bên phảI) cùng cán bộ khuyến nông cơ sở thăm hệ thống lấy nước phục vụ nuôi thủy sản dưới tán rừng, mô hình giúp nâng cao thu nhập của người dân ấp Xẻo Quao. Ảnh: Trung Chánh.

Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa ông Nguyễn Minh Nhã (bên phảI) cùng cán bộ khuyến nông cơ sở thăm hệ thống lấy nước phục vụ nuôi thủy sản dưới tán rừng, mô hình giúp nâng cao thu nhập của người dân ấp Xẻo Quao. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Nguyễn Minh Nhã, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa cho biết, Thuận Hòa được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2020, và tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao. Trong phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, xã xác định nuôi trồng thủy sản đóng vai trò chủ đạo, gồm sản xuất tôm – lúa, chuyên nuôi nuôi trồng thủy sản (vùng giáp biển nhiễm mặn không thể trồng lúa) và nuôi thủy sản dưới tán rừng, bãi bồi ven biển.

Với sự đầu tư của chính quyền các cấp, sự tham gia và đồng tình của người dân, kết cấu hạ tầng nông thôn ngày càng được cải thiện khang trang hơn. Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật được đẩy mạnh, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất được tăng cường, đã tạo điều kiện cho người dân mở rộng, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Cùng với đó là phát triển kinh tế tập thể, hiện nay trên địa bàn xã Thuận Hòa có 23 Tổ hợp tác sản xuất và 6 Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, phục vụ khá tốt nhu cầu sản xuất của nhân dân. Phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi được phát động rộng rãi và được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân. Đến cuối năm 2024, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt gần 73,6 triệu đồng/người/năm.

Bứt tốc từ điểm xuất phát thấp

An Minh là huyện thứ 3 trong 4 huyện thuộc vùng U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, sau Vĩnh Thuận và An Biên.

Nhìn lại hành trình hơn 10 năm xây dựng, phát triển, mới thấy đây là sự nỗi lực, cố gắng lớn của chính quyền và người dân. An Minh là một huyện thuần nông, xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là hạ tầng giao thông còn yếu kém, thiếu đồng bộ.

Tuyến đường giao thông trục chính đi qua địa bàn huyện An Minh được đầu tư hoàn chỉnh, kết nối giao thương hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Trung Chánh.

Tuyến đường giao thông trục chính đi qua địa bàn huyện An Minh được đầu tư hoàn chỉnh, kết nối giao thương hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Trung Chánh.

Để tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới, ngoài đầu tư của cấp trên, huyện An Minh đã tập trung phát huy thế mạnh về phát triển nông nghiệp với diện tích đất nông nghiệp, thủy sản hơn 49.000ha. Trong đó, vùng sản xuất tôm - lúa có diện tích 38.900 ha, từ nuôi quảng canh người dân dần chuyển hình thức nuôi “tôm - lúa có cải tiến”, kết hợp nuôi tôm càng xanh hoặc cua biển... chọn các giống lúa chất lượng, sản xuất hướng hữu cơ, liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Vùng chuyên nuôi trồng thủy sản, thuộc địa bàn 6 xã ven biển, với diện tích 7.350 ha, có thời gian ảnh hưởng mặn sớm và kéo dài. Vùng mặt nước bãi bồi ven biển, với chiều dài 37 km và phạm vi khoanh nuôi rộng khoảng 5 km, tương đương diện tích 18.500 ha phù hợp với nuôi sò huyết, hến, nghêu, lụa, vẹm xanh. Đồng thời, kết hợp với quản lý và khai thác các loại giống thủy sản ven bờ, nhất là sò huyết giống.

Ông Võ Hoàng Ân, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện An Minh cho biết, cùng với chủ trương chuyển đổi cơ cấu sản xuất, huyện đã tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Trên lúa, diện tích sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn trung bình 1.500 ha/năm, liên kết tiêu thụ ổn định với các đơn vị gồm: Tập đoàn Lộc Trời, Tân Long, công ty Đại Dương Xanh, Điền Tín… Phương thức liên kết chủ yếu là đầu tư giống, vật tư nông nghiệp - thu mua lúa, áp dụng quy trình sản xuất “1 phải 5 giảm”. Hiệu quả do mô hình cánh đồng lớn mang lại đã giúp nông dân giảm chi phí từ 2 - 3 triệu đồng/ha, giá bán cao hơn thị trường từ 1.800 - 2.000 đồng/kg, tổng lợi nhuận tặng thêm từ 2,5 - 3,5 triệu đồng/ha.

Đặc biệt là sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, hướng sạch trên mô hình luân canh tôm – lúa, từng bước đã đa dạng hóa được nhiều đối tượng nuôi thủy sản trên mô hình này. Đến nay, huyện An Minh được xem là vùng sản xuất lương thực và nuôi trồng thủy sản lớn của tỉnh Kiên Giang, có vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh lương thực và xuất khẩu thủy sản.

Xã Đông Hưng, một trong 3 xã của huyện An Minh được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, tiếp tục thực hiện tiêu chí xã kiểu mẫu. Ảnh: Trung Chánh.

Xã Đông Hưng, một trong 3 xã của huyện An Minh được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, tiếp tục thực hiện tiêu chí xã kiểu mẫu. Ảnh: Trung Chánh.

Sau hơn 10 năm triển khai, huyện An Minh đã huy động tổng kinh phí trên 1.970 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn từng bước đổi mới, cảnh quan môi trường ngày càng theo hướng sáng, xanh, sạch, đẹp. Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội ngày càng phát triển, đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi được đầu tư ngày càng hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, vận chuyển hàng hóa.

Xem thêm
Hướng dẫn ASEAN về chuyển đổi nông nghiệp sinh thái

Hướng dẫn cung cấp lộ trình giúp các quốc gia ASEAN thúc đẩy nông nghiệp sinh thái như một phương thức chuyển đổi hướng tới nền nông nghiệp và hệ thống lương thực bền vững.

Hòa Phong về đích xã nông thôn mới kiểu mẫu

PHÚ YÊN Sau nhiều năm nỗ lực, xã Hòa Phong đã về đích nông thôn mới kiểu mẫu, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Tôn vinh 100 HTX tiêu biểu và trao giải ngôi sao HTX 'Coop Star Awards'

100 HTX tiêu biểu sẽ được Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tôn vinh vào 19h30 ngày 11/4 tại Nhà hát Quân đội, quận Cầu Giấy, Hà Nội.