| Hotline: 0983.970.780

Thu nhập bình quân khu vực nông thôn Bắc Ninh đạt 34 triệu đồng/người, năm

Thứ Năm 09/02/2017 , 07:45 (GMT+7)

Với đặc thù là một tỉnh công nghiệp phát triển, đời sống nhân dân vùng nông thôn có mức thu nhập khá cao. Bắc Ninh đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp và hạ tầng nông thôn từ năm 2002. 

Trước ngày ông Công ông Táo lên trời, tôi có dịp đến Bắc Ninh – quê hương quan họ. Đang tìm đường đến Sở Nông nghiệp – PTNT, tôi ngẩng nhìn và giật nảy mình. Ơ hay! Sao lại đứng ở trước cửa “Nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh”? Ai xui khiến tôi đi nhầm phố, nhầm địa chỉ, để đến nhà hát này?


Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh
 

Mà thật kỳ lạ. Đến Bắc Ninh, đến đất quê quan họ, lại đến đúng “cái nôi” của dân ca quan họ. Thấy cánh cổng mở toang, người ra người vào, tôi bèn dắt xe vào trong sân. Có hai vị trung niên tiến ra, đon đả: “Sao bác đến trễ vậy? Vào ngay đi”. Tôi hiểu rằng, đang có cuộc hội họp hay gặp mặt chi đây. Và hai vị kia tưởng lầm tôi là khách mời.

Thôi thì cũng chẳng thanh minh, trình bày hoàn cảnh làm gì. Tôi dựng xe, đeo túi, ung dung đi vào hội trường. Một chương trình quan họ đang rất sôi động trên sân khấu. Và phía sau, hiện ra dòng chữ trang trọng: “Gặp mặt kỷ niệm 48 năm ngày truyền thống…”. À, thì ra một buổi gặp mặt của các liền anh, liền chị ý nghĩa và cảm động.

Rất đông các đàn em ngồi chật kín hội trường. Và kia là các liền chị, những diễn viên gạo cội của đất quan họ. Đó là Thúy Cải. Đó là Thúy Hường… và nhiều nghệ sĩ quan họ tên tuổi khác. Họ giao lưu, gặp gỡ, chuyện trò rôm rả. Tôi cảm thấy mình hơi…lạc điệu. Vả lại việc chính chưa xong, nên lẳng lặng rút lui.

Lại hai vị trung niên đón ở ngoài sân, có vẻ trách móc: “Bác cố gắng dự cho hết buổi. Nghe nói có liên hoan…”. Tôi đành cười gượng, viện ra một lý do vu vơ, để…chuồn.

Ngoài đường, dẫu còn hơn tuần nữa mới đến Tết, nhưng không khí xuân đã rạo rực khắp nơi. Vỉa hè được tận dụng, trở thành những chợ hoa đầy màu sắc. Được cái đường xá, vỉa hè của TP Bắc Ninh thoáng rộng, nên cũng không ảnh hưởng đến đi lại của người dân.

Rồi dọc theo hai bên những con đường cái lớn, những ruộng rau, vườn tược xanh tốt bời bời. Xen kẽ cách canh tác thủ công truyền thống, là cách canh tác công nghiệp với lưới che, nhà kính san sát mọc lên. Hai bên đường thấp thoáng các khu công nghiệp lớn, hiện đại nối tiếp nhau, như chứng minh cho một đất Bắc Ninh đang chuyển mình mạnh mẽ.

Với đặc thù là một tỉnh công nghiệp phát triển, đời sống nhân dân vùng nông thôn có mức thu nhập khá cao. Bắc Ninh đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp và hạ tầng nông thôn từ năm 2002. Do đó các công trình hạ tầng nông thôn như trường học, trạm y tế, kênh mương, đường giao thông thôn, xóm... của nhiều vùng quê đã được đầu tư và hoàn thành.

13-44-51_img_0024
Sông Cầu hôm nay

 

Sau 5 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp các ngành từ tỉnh đến cơ sở, chương trình MTQG xây dựng NTM đã đạt nhiều kết quả nổi trội trên các lĩnh vực như thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 34 triệu đồng/năm, tăng bình quân 15,8% (giai đoạn 2011-2015).

Là tỉnh đầu tiên của cả nước đạt chuẩn phổ cập cho trẻ em mầm non 5 tuổi. Là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2. Luôn đứng trong tốp 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về phong trào giáo dục và kết quả thi đại học, cao đẳng.

Cơ sở vật chất đầu tư theo hướng hiện đại, 100% phòng học các cấp được kiên cố hóa, tỷ lệ trường chuẩn Quốc gia đạt 80%, cao nhất cả nước. 100% đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đạt chuẩn, cao nhất vùng đồng bằng Bắc bộ. Đến nay, 100% các xã trong tỉnh đạt chuẩn y tế giai đoạn I, 68 xã (chiếm 70% tổng số xã) đạt chuẩn y tế giai đoạn II…

Theo ông Nguyễn Văn Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT Bắc Ninh, Bắc Ninh có 126 xã, phường, thị trấn, trong đó có 97 xã thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM. Cả tỉnh có tới 15 khu công nghiệp. Có nhiều tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài đóng trên địa bàn tỉnh, như các tập đoàn của Nhật Bản, Hàn Quốc.

Việc nuôi cá lồng với quy mô lớn, đã được hình thành và phát triển trên dọc các triền sông Đuống, sông Cầu, sông Thái Bình, tập trung ở các huyện Gia Bình, Lương Tài. Các huyện Yên Phong, Lương Tài, Gia Bình, Quế Võ còn đầu tư có hiệu quả vào các cánh đồng mẫu lớn…

13-44-51_img_0009
Sản xuất thủ công trền thống bên cạnh sản xuất công nghiệp
 

Bắc Ninh cũng rất nổi tiếng với các làng nghề truyền thống đa dạng. Bây giờ ai đến Đồng Kỵ (Từ Sơn) hẳn ngạc nhiên khi thấy nghề chế biến gỗ phát triển đến độ, người ta không gọi là làng Đồng Kỵ, mà là phố Đồng Kỵ. Hoặc danh từ quen thuộc hơn, là “Phố làng” Đồng Kỵ.

Các nhà cao tầng khang trang dọc theo các dãy phố với đường thoáng rộng, trải nhựa phẳng phiu. Đồ gỗ Đồng Kỵ không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, mà đã vươn xa ra toàn quốc, xuất khẩu sang cả nước ngoài. Làng gốm Phù Lãng đa dạng, phong phú cũng đã chiếm lĩnh thị trường khắp trong nước và đã có “tiếng tăm” trên các thị trường khó tính của các nước.

Đã lâu lắm tôi mới có dịp đi dọc con sông Cầu. Vẫn con sông hiền hòa và đặc biệt cái dòng chảy “lơ thơ” đã đi vào ca dao, dân ca, cổ tích. Nhưng sông Cầu hôm nay đang chuyển mình. Một sông Cầu sôi động “trên bến dưới thuyền” tấp nập từ sáng sớm đến đêm khuya. Khi màn đêm buông xuống, ánh điện lung linh dọc bờ sông, ngay trên mặt sông, tạo nên một “dòng sông ánh sáng” rất huyền ảo và thơ mộng.

Tạm biệt con sông Cầu nước chảy lơ thơ, tạm biệt những liền anh liền chị với những làn điệu dân ca mượt mà, như muốn níu giữ đôi chân của khách nơi xa, tôi trở về Hà Nội trong cái không khí rạo rực của mùa xuân, của không khí  sau Tết vẫn vương vấn đâu đây.

Những chợ hoa “dã chiến” cũng như dang níu kéo đôi chân của khách qua đường. Xuân đến trên quê hương quan họ thật mượt mà, đậm nét mảnh đất dân ca…

 

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.