| Hotline: 0983.970.780

'Tín dụng trắng' đè 'tín dụng đen'

Thứ Hai 07/08/2017 , 08:15 (GMT+7)

Quỹ Khuyến nông là một sản phẩm độc đáo của Hà Nội, nó gần gũi và thân thiết đến mức bà con vẫn tin tưởng gọi là “tín dụng trắng” để phân biệt với “tín dụng đen” lãi suất cao trên địa bàn…

Chủ trang trại Cấn Văn Chiến ở xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai tay bắt, mặt mừng với đoàn cán bộ khuyến nông TP Hà Nội về thăm hệt như đón người thân lâu ngày gặp mặt. Họ lại cùng nhau đi thăm trang trại quy mô 1,5 mẫu nuôi 25.000 gà đẻ và 1 ao thả cá của anh với mức lãi trung bình 2 tỉ đồng năm, cùng nhau thảo luận chuyện kỹ thuật chăn nuôi, tìm kiếm thị trường như bao lần gặp mặt trước đó.

11-26-54_dsc_9058
Trại gà của anh Chiến

Người ta nói “ăn quả, nhớ kẻ trồng cây”, giờ đây có được cơ ngơi vững chắc như thế này, anh Chiến không bao giờ quên được những người đã giúp đỡ mình trong những ngày lập nghiệp bằng những đồng vốn “tín dụng trắng” tức Quỹ Khuyến nông. Cách đây đúng 6 năm, anh được giải ngân đợt vốn đầu tiên 300 triệu đồng, rồi cứ 2 năm đáo hạn một lần anh vay tiếp 300 triệu để mở rộng cơ ngơi, đầu tư thiết bị, con giống.

Để đến hôm nay thành một trang trại khép kín, trên nuôi gà, dưới nuôi cá, không bỏ phí bất cứ thứ gì, dù chỉ là bán phân cũng hàng năm đem lại một khoản lợi tức 60 triệu. Do kế hoạch chăn nuôi bài bản, khả năng thu hồi vốn cao, lần này vay vốn thứ 4 này gia đình anh được giải ngân 500 triệu đồng.

Anh Nguyễn Quang Khải, một người cựu trào trong việc phát triển trang trại của xã Cấn Hữu không khỏi xúc động khi nhớ đến hình ảnh đoàn cán bộ khuyến nông Hà Nội quần xắn móng lợn, lội trong bùn lầy nước đọng để đến với cơ sở sản xuất của mình nằm trơ trọi giữa cánh đồng Re. Trước đây, vốn là Chủ nhiệm HTX anh Khải thấy người dân chỉ cấy một vụ rồi bỏ hoang một vụ, phí quá mới xung phong ra thầu 6ha.

Đến khi khởi sự vào làm mới thực sự… run bởi khối lượng công việc quá nhiều mà không biết bắt đầu từ đâu, mọi thứ cứ mông lung từ nuôi con gì, trồng cây gì cho hợp đất, hợp nước, hợp cả với thị trường. Đúng lúc ấy thì có khuyến nông về, đưa anh đi thăm mô hình lúa cá ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội), mô hình nuôi lợn ở huyện Nam Sách (Hải Dương) rồi cùng nhau chụm đầu vào bàn chuyện chuyển đổi từ lúa sang nuôi lợn, thả cá và trồng cây.

Quỹ Khuyến nông thành phố Hà Nội được quyết định thành lập từ năm 2002, hoạt động không nhằm mục đích lợi nhuận mà chủ yếu là hỗ trợ cho nông dân, chủ trang trại trên địa bàn mở rộng và phát triển các mô hình nông nghiệp tiên tiến, mang tính hàng hóa. Đến hết năm 2016 quỹ có tổng nguồn vốn là 184 tỷ đồng.

Năm 2009, khi bắt đầu có quỹ về khu vực Hà Tây (cũ), cũng chính anh Khải là hộ được ưu ái vay đầu tiên. Quên làm sao được những lúc lãi suất ngân hàng tăng vù vù, tăng liên hồi kỳ trận đến 15% rồi 20%/năm, lãi suất tín dụng đen còn gấp đôi, gấp ba lần thế mà quỹ khuyến nông vẫn chỉ duy trì mức lãi 0,5%/tháng, thời gian vay lại dài được tới 2 năm. Giờ đây với 1,5 vạn gà đẻ và hệ thống ao cá rộng 6ha, mỗi năm khiêm tốn anh Khải cũng thu lãi 800 triệu đến 1 tỷ đồng.

Chị Đỗ Thị Thu Hương, cán bộ quản lý quỹ khuyến nông của Trạm Khuyến nông Quốc Oai cho hay ngoài lãi suất thấp quỹ còn có nhiều lợi thế so với các nguồn vay khác như: Giải ngân ngay tại địa phương, sau 6 tháng mới nộp lãi một lần ngay tại nhà, được hướng dẫn tỉ mỉ các thủ tục công chứng sổ đỏ cũng như đăng ký thế chấp tài sản. Quan trọng hơn, đồng hành cùng với người dân Trạm Khuyến nông còn có cán bộ kỹ thuật trực tiếp xuống hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh. Trung bình 3 tháng họ xuống kiểm tra 1 lần nhưng khi có dịch bệnh thì thậm chí mỗi tuần 1 lần xuống kiểm tra.

Nhờ có hệ thống khuyến nông viên cấp xã thông báo thông tin mà ở đâu có dịch là ở đó đã thấy người của trạm xuống chỉ đạo rồi. Không chỉ có thế mà giờ đây cán bộ khuyến nông còn sát cánh với nông dân trong việc giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại cho đầu ra của nông dân. Nhờ thế mà trong 9 năm cho vay trên địa bàn huyện Quốc Oai với 148 hộ, tổng số tiền trên 26 tỷ đồng, tất cả đều trả nợ rất róc, đúng hạn, không bị nợ xấu, nhiều mô hình từ nhỏ bé đã phát triển lên thành hàng hóa lớn, bước đầu tạo dựng được thương hiệu.

11-26-54_dsc_9088
Giải ngân Quỹ Khuyến nông

Buổi giải ngân đợt 1 Quỹ Khuyến nông mới đây ở huyện Quốc Oai đông vui như một ngày hội với chật ních những tiếng cười. Có tất cả 20 hộ thuộc vùng sản xuất tập trung trên địa bàn huyện được cho vay vốn với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng cho 20 phương án nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi gà đẻ trứng. Trong đó, có 9 hộ tại vùng sản xuất tập trung xã Cấn Hữu được giải ngân gần 2,5 tỷ đồng.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, bà Vũ Thị Hương cho hay hàng năm đơn vị luôn tập trung nguồn quỹ để ưu tiên hỗ trợ cho vay ở những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng theo đúng quy hoạch của các địa phương. Các phương án sản xuất được tính toán, xem xét một cách cẩn thận ngay từ đầu.

Trước khi tiến hành giải ngân, Trung tâm Khuyến nông cùng với địa phương và đại diện hộ vay vốn phải ký biên bản cam kết. Trách nhiệm trong đó được quy định rõ cho các bên. Trung tâm tạo điều kiện về vốn cho các hộ sản xuất mở rộng quy mô, mở rộng thị trường đồng thời cũng chịu trách nhiệm tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho hộ nông dân, chủ trang trại để nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm. UBND xã chịu trách nhiệm bảo tín về tính khả thi của phương án vay vốn phát triển sản xuất của các hộ nông dân trên địa bàn. Người nông dân chịu trách nhiệm thực hiện đúng phương án sản xuất và trả lãi, hoàn vốn đúng hạn.

 

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Điều ước của 'tỷ phú mía' xứ Thanh

THANH HÓA Theo ông Trần Ngọc Chế, để nông dân yên tâm gắn bó với cây mía, cần chính sách ưu đãi vay vốn của để mở rộng diện tích và cơ giới hóa đồng bộ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.