| Hotline: 0983.970.780

Hội thi của những người 'cấy ngồi' ở Hà Nội

Thứ Năm 20/02/2025 , 09:52 (GMT+7)

12 chiếc máy cấy cắm cờ đỏ như rẽ màn mưa phùn dày đặc mà tiến, đằng sau đó những cánh tay sắt “mổ” phụp phụp ngọt xớt, cắm cây mạ thẳng tắp xuống bùn.

Đội nhanh nhất phất cờ chiến thắng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đội nhanh nhất phất cờ chiến thắng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chân dung của đội đoạt giải đặc biệt

Tiếng hò reo của hàng trăm người trên bờ hòa cùng tiếng trống thùng thùng thúc giục tạo thành bầu không khí đầy phấn khích. Phú Hưng là đội đầu tiên hoàn thành phần thi cấy với thời gian kỷ lục 12 phút 14 giây. Mỗi khi có đội hoàn thành cuộc thi, tấp máy vào bờ thì những bước chân của tổ giám khảo lại thoăn thoắt lội dưới lớp bùn lạnh căm, người cầm khung đo, người cầm sổ bút cặm cụi chấm điểm...

Đó là quang cảnh của hội thi “Cơ sở sản xuất mạ khay và người vận hành máy cấy giỏi thành phố Hà Nội năm 2025” do Sở NN-PTNT Hà Nội phối hợp với UBND huyện Phú Xuyên tổ chức ngày 18/2 tại xã Nam Phong. Hội thi năm 2025 khác với năm 2024 khi có tới 3 phần thi: Thi sản xuất mạ khay tại cơ sở sản xuất mạ khay của mỗi đội (phần thi này đã được Ban giám khảo chấm điểm tại cơ sở sản xuất mạ khay của 12 đội); thi thực hành cấy máy tại thực địa; thi giới thiệu đội thi tại hội trường…

Trước đây, cấy luôn là một trong những công đoạn khổ nhất của nhà nông vì phải dầm chân dưới bùn, còng lưng lao động dưới ánh nắng bỏng rát của vụ mùa hay dưới làn mưa phùn lạnh tê tái của vụ xuân nhưng nay đã có máy thay thế.

Anh Nguyễn Hùng Cường - đội trưởng đội Phú Hưng (xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên) cho biết mỗi thành viên phải chuẩn bị một khâu, riêng mình phụ trách khâu giá thể gieo mạ khay.

Đội chậm nhất vẫn mải miết tiếp mạ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đội chậm nhất vẫn mải miết tiếp mạ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ngày họ bận rộn vì phải làm dịch vụ cho bà con nhưng tối vẫn tranh thủ tập kịch bản văn nghệ. Với diện tích 2.520m2 của Ban tổ chức hội thi giao cho, mỗi đội phải căn đầu bờ, căn độ sâu nông của cây mạ để cấy sao cho vừa đạt chuẩn kỹ thuật vừa nhanh nhất.

Với nhiều năm kinh nghiệm, các thành viên đội của anh Cường chỉ cần nhìn qua đồng ruộng, cây mạ ngắn dài mà chỉnh máy nên mới có thể đạt thành tích 12 phút 14 giây. “Tôi hài lòng ở cả ba phần thi và nhất là sự công tâm của Ban giám khảo”, anh Cường phấn khởi khi biết tin giải đặc biệt của đội mình nhận được phần thưởng là một chiếc máy cấy trị giá khoảng 400 triệu đồng.

Còn anh Phạm Minh Đức - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Phú Hưng (xã Nam Tiến) chia sẻ, ngoài phần ruộng 7 sào để luyện tập, công việc cấy dịch vụ cũng được đội vừa làm vừa rút kinh nghiệm để hiệu chỉnh số dảnh, số khóm, hàng cách hàng, cây cách cây, độ nông sâu cho máy trong suốt cả chục ngày liền. Máy và mạ đã chuẩn bị từ chiều hôm qua, bàn giao về cho Ban tổ chức, còn người thì 5 giờ sáng hôm nay đã dậy ăn uống đầy đủ để lấy sức ra đồng thi.

Năm 2024, tỷ lệ phát triển mạ khay, máy cấy ở quê hương anh Đức tăng rất nhanh nhờ có hỗ trợ 50% giá trị máy cấy, ngoài ra còn được hỗ trợ thuốc BVTV, phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái nên xã Nam Tiến đạt khoảng 98%, xã Nam Phong khoảng 90% diện tích cấy máy.

“Từ năm 2024 đến nay tôi đã được hỗ trợ 50% giá trị của 7 máy cấy 6 hàng, tương đương 200 triệu đồng/máy để thay thế toàn bộ các máy cũ. Thủ tục hỗ trợ rất đơn giản, chỉ cần thông qua Phòng Kinh tế huyện. Mạ khay - cấy máy rất hợp với đồng vàn và đồng cao. Vụ xuân này chúng tôi làm 270ha không chỉ cho huyện mình mà còn cả các huyện như Thường Tín, Thanh Oai, Chương Mỹ và hợp đồng với các công ty giống”, anh Đức cho biết.

Các đội thi thực hiện phần thi cấy máy tại hội thi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Các đội thi thực hiện phần thi cấy máy tại hội thi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bứt phá sau Nghị quyết 08

Theo ông Nguyễn Mạnh Phương - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội, những năm qua, nhờ việc đưa các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất, các địa phương đã từng bước hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung gắn với tiêu thụ. Tuy nhiên, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp của Hà Nội vẫn còn gặp nhiều hạn chế, đặc biệt là khâu gieo cấy lúa.

Xác định được điểm nghẽn đó, năm 2023, Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 08 để tháo gỡ. Tính đến hết năm 2024, tổng số máy cấy hỗ trợ cho các tổ chức trên địa bàn là 48 cái với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 8,5 tỷ đồng.

Ngoài ra Thành phố còn hỗ trợ kinh phí cấy máy, phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái, cụ thể: Đối với hỗ trợ kinh phí cấy máy, UBND các huyện, thị xã đã triển khai trên diện tích 3.054ha với kinh phí 5 tỷ 766 triệu đồng; đối với hỗ trợ kinh phí phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái UBND các huyện, thị xã đã triển khai trên diện tích 2.371ha với kinh phí 610 triệu đồng. Nhờ đó chỉ sau 2 năm, đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất của Hà Nội đạt 100%, khâu thu hoạch đạt trên 90%, khâu gieo cấy tăng 15% (trước năm 2024, khi chưa có Nghị quyết số 08 thì tỷ lệ cơ giới hóa khâu gieo cấy chỉ đạt xung quanh 2 - 3%).

Với mục tiêu đưa Nghị Quyết số 08 đi vào thực tiễn một cách nhanh chóng và hiệu quả, năm 2024, Sở NN-PTNT Hà Nội đã phối hợp với UBND huyện Phú Xuyên tổ chức hội thi người vận hành máy cấy giỏi có sự tham gia của 10 đội thi của 3 huyện Phú Xuyên, Thường Tín, Ứng Hoà. Năm nay, Sở NN-PTNT Hà Nội tiếp tục phối hợp với UBND huyện Phú Xuyên tổ chức hội thi “Cơ sở sản xuất mạ khay và người vận hành máy cấy giỏi thành phố Hà Nội năm 2025” với sự tham gia của 12 đội thi đến từ 10 huyện: Phú Xuyên, Thường Tín, Ứng Hòa, Quốc Oai,Thạch Thất, Phúc Thọ, Ba Vì, Sóc Sơn, Mê Linh và Đông Anh.

Trao giải nhất và giải đặc biệt của hội thi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trao giải nhất và giải đặc biệt của hội thi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Nguyễn Trọng Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho biết những năm qua, ngoài nguồn hỗ trợ của Thành phố (50% giá trị máy cấy), ngân sách huyện hỗ trợ 10% giá trị máy cấy, ngân sách xã hỗ trợ thêm 15% trở lên giá trị máy cấy giúp số lượng máy tăng nhanh. Riêng giai đoạn từ 2012 đến nay, tổng kinh phí hỗ trợ cho đề án cơ giới hóa trong khâu mạ khay, cấy máy của huyện đạt hàng chục tỷ đồng.

Hiện nay, UBND huyện Phú Xuyên còn hỗ trợ hộ dân áp dụng phương pháp cấy máy với mức 75.000 - 100.000 đồng/sào. Việc hỗ trợ này đã trở thành nguồn động viên người dân trong sản xuất. Thực hiện Nghị quyết 08 của Thành phố, tính đến hết năm 2024, toàn huyện đã có 80 máy cấy 6 hàng, 100 máy cấy 4 hàng giúp diện tích cấy bằng máy mỗi vụ đạt khoảng 1.500ha.

Để đạt mục tiêu trong năm 2025 là có từ 50% trở lên diện tích áp dụng mạ khay - cấy máy, huyện Phú Xuyên đang đẩy mạnh hỗ trợ các HTX liên kết trong cung ứng dịch vụ mạ khay, cấy máy. Đồng thời, tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu cho người sử dụng máy móc, thiết bị, kỹ thuật sử dụng, sửa chữa máy cấy, dây chuyền gieo mạ. Phối hợp với các đơn vị, tổ chức để hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn, kỹ thuật và mô hình sản xuất tiên tiến, góp phần phát triển nông nghiệp hiện đại và bền vững. Huyện cũng kiến nghị Thành phố có chính sách hỗ trợ địa phương thành lập thêm trung tâm sản xuất mạ khay đồng bộ ở tất cả các khâu.

Ưu điểm mạ khay - cấy máy là giảm chi phí công lao động, giảm sâu bệnh nhờ cấy mật độ thưa, lúa trổ tập trung, số nhánh hữu hiệu nhiều hơn, năng suất cao hơn 5 - 10% so cấy truyền thống, hiệu quả cao hơn khoảng 4 - 5 triệu đồng/ha.

Xem thêm
Những lưu ý chăm sóc thủy cầm khi giá rét

Chuyên gia lưu ý bà con các biện pháp chăm sóc đàn thủy cầm trong thời tiết rét và mưa ẩm để hạn chế dịch bệnh, nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

Tây Ninh phân bổ 58.400 liều vacxin lở mồm long móng

Tây Ninh có tổng đàn gia súc tương đối lớn. Nhằm chủ động phòng chống bệnh lở mồm long móng, tỉnh đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã là trái tim của chuyển đổi công nghệ

Trưởng nhóm nông nghiệp của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) cho biết trong chuyển đổi công nghệ, trái tim của hệ thống chính là nông dân.

Bình luận mới nhất