
TS Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam. Ảnh: Dương Đình Tường.
Giữa Thủ đô vẫn kiểu cắt tiết, vặt lông ở đầu đường, xó chợ
Hoạt động giết mổ vật nuôi là ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện. Tất cả các nước đang làm như thế và Việt Nam cũng muốn làm như vậy. Ta hô khuyến khích giết mổ tập trung, công nghiệp song thực tế lại không được như vậy vì muốn khuyến khích giết mổ tập trung, công nghiệp thì phải yêu cầu giết mổ nhỏ lẻ đủ điều kiện mới được làm. Thực tế thì sao? Bây giờ giết mổ nhỏ lẻ kiểu “cắt tiết, vặt lông” vẫn tràn lan khắp nơi và thịt vẫn bán giữa đường cả ngày thì lấy đâu ra mà sạch, mà chả lây lan dịch bệnh?
Giết mổ công nghiệp 1m3 nước sạch chỉ được 3 con lợn nhưng giết mổ thủ công chỉ 1 gáo nước là được 1 con lợn rồi, đương nhiên là bẩn. Tại sao ta không đi kiểm tra, đánh thuế những cơ sở giết mổ nhỏ lẻ mà chỉ tập trung kiểm tra, đánh thuế các cơ sở giết mổ lớn thôi? Không những thế, giết mổ công nghiệp hiện nay phải đáp ứng đủ điều kiện và còn phải nộp thuế 5% cho sản phẩm thì sao cạnh tranh nổi?
Như Tập đoàn Masan có 2 cơ sở giết mổ lớn ở Hà Nam và Long An đầu tư hàng ngàn tỷ đồng nhưng mới chỉ hoạt động được 30 - 40% công suất. Công ty C.P có 1 cơ sở giết mổ lợn ở Hà Nội quy mô xấp xỉ 1 triệu con/năm cũng mới chỉ hoạt động được khoảng 30% công suất và toàn bộ tổ hợp chăn nuôi và xuất khẩu gà trị giá gần 200 triệu USD ở Bình Phước đang gần như đắp chiếu.

Cảnh giết mổ mất vệ sinh rất thường thấy. Ảnh: NNVN.
Cách đây 30 năm Trung Quốc và Việt Nam không khác xa nhau lắm về hoạt động giết mổ vật nuôi, cũng phần lớn là giết mổ nhỏ lẻ. Nhưng nay thì họ khác quá rồi, nếu giết mổ vật nuôi mà không đăng ký, đủ điều kiện là phạm pháp chứ không phải là “lợn nhà tôi nuôi thì tôi có quyền thịt”… Còn ta giữa Thủ đô vẫn để tồn tại kiểu cắt tiết, vặt lông ở đầu đường, xó chợ mà lại đang nói đến năm 2030 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp.
Thịt nhập khẩu đang lấn át
Bây giờ thịt bò, thịt trâu nhập khẩu chiếm cỡ 60%, thịt gia cầm nhập khẩu chiếm cỡ 30%, thịt lợn nhập khẩu chiếm cỡ gần 20% tổng lượng tiêu thụ nội địa. Trong khi ta vẫn bàng quan về chăn nuôi trong nước, vẫn tưởng nó đang phát triển tốt và còn nhiều dư địa. Phát triển và dư địa còn nhiều làm sao nổi khi mà lượng sản phẩm nhập khẩu tăng mỗi năm 15 - 20%, còn lượng sản phẩm trong nước chỉ tăng 2 - 3% thì không lâu nữa thịt các loại nhập khẩu sẽ lớn hơn chăn nuôi trong nước. Nhất là khi các dòng thuế quan của các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu theo các FTA mà Việt Nam cam kết về 0% và người Việt Nam ăn quen thịt nhập khẩu rồi thì không biết tình hình còn như thế nào?

Dù có rất nhiều chính sách khuyến khích nhưng các cơ sở giết mổ quy mô lớn, hiện đại ở nước ta chỉ đang hoạt động cầm hơi hoặc thậm chí "đắp chiếu".
Khi thịt nhập khẩu về ồ ạt, thứ nhất sẽ cướp đi thị trường chính đáng của người chăn nuôi trong nước. Thứ hai là chất lượng và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng có đảm bảo không? Như thực tế hiện nay Việt Nam đang nhập khẩu một lượng rất lớn thịt trâu từ Ấn Độ về tiêu thụ nhưng hỏi cơ quan quản lý và người tiêu dùng “thông thái” có thấy mấy nơi trưng biển bán thịt trâu Ấn Độ không?
Vấn đề nữa là tại sao thịt nhập khẩu về Việt Nam bán rẻ hơn cả nước xuất xứ? Đó là những vấn đề đòi hỏi các cơ quan chức năng phải vào cuộc và người tiêu dùng phải tỉnh táo. Thói quen tiêu dùng cũng cần thay đổi. Phần lớn các nước phát triển đều xem lòng, mề, cổ, cánh, chân giò… là những thứ phẩm của lò mổ nên bán rẻ như cho, nhưng khi nhập về ta lại thành thứ khoái khẩu. Đó không phải là những thói quen tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.
Xu thế tiêu dùng thực phẩm của các nước văn minh hiện nay là khuyến khích phát triển hình thức tiêu dùng thịt mát, vừa đảm bảo chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng, vừa hỗ trợ được chăn nuôi trong nước phát triển. Việt Nam rất cần đi theo hướng này để kiểm soát tốt hoạt động giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi và khuyến khích phát triển chăn nuôi bền vững.

Bày bán gia cầm ở một chợ tại Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.
Quy định hình thức dạy người ta nói dối
Quy định phải công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa trong Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã tồn tại gần 20 năm nay rất hình thức, chỉ khiến người dân và doanh nghiệp nói dối và gây ra tình trạng lãng phí hàng ngàn tỷ đồng và hàng triệu ngày chờ đợi. Cụ thể, nhà nước yêu cầu hàng hóa nhóm 2 phải có quy chuẩn kỹ thuật để quản lý là hoàn toàn cần thiết và nước nào cũng phải làm nhưng không có nước nào quy định sản phẩm, hàng hóa phải công bố hợp quy như Việt Nam hiện nay.
Nó quá hình thức, chồng chéo trong quản lý và phát sinh những tốn kém, tiêu cực không đáng có. Cụ thể, muốn công bố hợp quy sản phẩm, cơ quan chuyên môn phải đến đánh giá nhà xưởng, lấy mẫu kiểm tra, thử nghiệm mất 3 - 5 triệu đồng/sản phẩm và hoàn tất các thủ tục công bố hợp quy sản phẩm gửi đến cơ quan chức năng tiếp nhận.
Thông thường toàn bộ quy trình này nếu làm đúng phải mất 15 - 30 ngày/sản phẩm. Nhưng lấy gì để đảm bảo rằng những lô sản phẩm sau doanh nghiệp phải làm hoàn toàn như vậy, vì họ phải tùy theo điều kiện cụ thể để lựa chọn các loại nguyên liệu phù hợp, miễn là sản phẩm đầu ra của họ không vi phạm quy chuẩn kỹ thuật của nhà nước ban hành.
Mặt khác về thời gian và quy trình đánh giá công bố hợp quy theo quy định hiện nay đối với sản phẩm trong nước là theo phương thức 5 và sản phẩm nhập khẩu là theo phương thức 7. Theo phương thức 5 thì cơ quan đánh giá hoặc doanh nghiệp tự đánh giá phải tiến hành đánh giá điều kiện cơ sở nhà xưởng, quy trình sản xuất và lấy mẫu kiểm nghiệm tốn từ 15 - 30 ngày/sản phẩm. Một cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi hoặc thuốc thú y quy mô trung bình có 300 - 500 sản phẩm phải làm đến bao giờ mới xong và phải tốn cả bạc tỷ.

Thịt nhập khẩu. Ảnh: NNVN.
Để tồn tại, các doanh nghiệp sẽ tìm mọi cách để “lách”, gây phát sinh tiêu cực và sau cùng là họ đưa toàn bộ những chi phí vô hình này vào giá thành sản xuất để con gà, con lợn và người tiêu dùng Việt Nam phải hứng chịu. Vậy nên mới có thực trạng giá lợn nước khác 30 - 40.000đ/kg là người chăn nuôi đã có lãi, còn ở Việt Nam giá lợn lên 50 - 60.000đ/kg người chăn nuôi vẫn than lỗ. Riêng nhà nước thì không thu thêm được gì cho ngân sách vì phí đánh giá, công bố hợp quy là do các tổ chức chứng nhận thu.
Trong khi đó, Đảng và Nhà nước đang tìm mọi phương kế để hoàn thiện thể chế, phát huy tối đa vai trò chủ động, sáng tạo và sự tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp cho sản phẩm của mình. Miễn là họ làm đúng như tiêu chuẩn chất lượng đã công bố và quy chuẩn kỹ thuật của nhà nước ban hành, nếu cơ quan kiểm tra nhà nước thấy sai thì xử phạt.
Nhà nước chỉ xây dựng và ban hành hệ thống tiêu chuẩn chất lượng quốc gia mang tính chất khuyến cáo dưới dạng khung, còn tiêu chuẩn chất lượng cụ thể của sản phẩm, hàng hóa để cho người sản xuất, doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức hiệp hội ngành hàng tự quyết định. Cũng do quan niệm và cách tiếp cận chưa phù hợp nên phần lớn hoạt động của các hiệp hội ngành hàng của ta vẫn mang tính hình thức, chưa thực sự đại diện cho lợi ích chính đáng của hội viên.
Dương Đình Tường (ghi)