Mùa đông tại nước ta thường có nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài, nhiệt độ giảm thấp từ 10 - 15 độ C cùng với gió mùa Đông Bắc liên tiếp sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất chăn nuôi. Gia súc, gia cầm giảm khả năng sinh trưởng phát triển, giảm năng suất, tiêu tốn nhiều thức ăn, sức đề kháng giảm sút, dễ bị mắc bệnh…
Đặc biệt, vào mùa đông thường có những đợt mưa phùn kéo dài, ẩm độ không khí tăng cao. Đây là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại virus, vi khuẩn, nấm trong môi trường sinh sôi, phát triển và gây bệnh cho vật nuôi nói chung, thủy cầm nói riêng như bệnh E.coli, hen suyễn, cúm gia cầm...

Tiến sĩ Vương Lan Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên (Viện Chăn nuôi) tư vấn bà con thực hiện tốt một số biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng thủy cầm trong mùa mưa rét. Ảnh: Duy Học.
Tiến sĩ Vương Lan Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên (Viện Chăn nuôi) lưu ý một số biện pháp chăm sóc để thủy cầm sinh trưởng, phát triển tốt trong những ngày mưa rét, hạn chế mầm bệnh và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Về chuồng trại
Cần che chắn kĩ, không để vật nuôi nhiễm lạnh, tránh hiện tượng gió lùa và nước mưa hắt trực tiếp vào chuồng trại. Bổ sung thêm chất độn chuồng để giữ ấm đàn vật nuôi. Đối với đàn thủy cầm non, cần sử dụng thêm bóng úm hồng ngoại để tăng nhiệt độ chuồng nuôi, hạn chế rửa chuồng. Giữ chuồng luôn khô thoáng. Độ ẩm tối ưu trong chuồng trại là 60 - 70%. Vào những ngày mưa ẩm, độ ẩm cao trên 90% cần dãn mật độ nuôi, dùng quạt hút thông gió tạo thông thoáng trong chuồng nuôi
Về chăm sóc, nuôi dưỡng
Cung cấp cho vật nuôi khẩu phần ăn đầy đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng. Có kế hoạch dự trữ và sử dụng thức ăn chăn nuôi. Khi thời tiết lạnh, gia cầm sẽ ăn tăng khẩu phần hơn so với lượng ăn hàng ngày. Không nên thay đổi thức ăn cho đàn vật nuôi đổi đột ngột mà thay đổi từ từ (để thủy cầm làm quen với thức ăn mới), đồng thời phải cung cấp đầy đủ số lượng cũng như đảm bảo chất lượng thức ăn (theo từng loại, từng giai đoạn phát triển) cho đàn vật nuôi, từ đó nâng cao sức đề kháng, hạn chế dịch bệnh phát sinh trên đàn thủy cầm.
Cung cấp đầy đủ nước sạch cho thủy cầm nuôi, nhiệt độ nước không quá lạnh (dưới 10 độ C). Đối với đàn thủy cầm nuôi bán chăn thả trong giai đoạn con non, không nên thả ra ngoài chuồng từ sớm để tránh nhiễm lạnh.
Thủy cầm nuôi trong hệ thống chuồng kín sẽ kiểm soát tốt hơn về tiểu khí hậu, an toàn dịch bệnh so với chuồng hở, tuy nhiên độ thông thoáng sẽ kém hơn so với chuồng hở, vì thế cần bật quạt hút gió để tạo độ thoáng. Chuồng nuôi luôn phải đảm bảo về nhiệt độ, ẩm độ và thông thoáng. Nên bổ sung chế phẩm sinh học, men vi sinh vào nền chuồng để đảm bảo độ tơi xốp, thông thoáng trong chuồng và giảm bớt mùi hôi.
Thực hiện tốt biện pháp vệ sinh thú y trong chăn nuôi
Định kỳ 1 tuần/lần tiêu độc khử trùng chuồng trại, trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi bằng hóa chất (Benkocid, Clorin…) hoặc dùng vôi bột, nước vôi…
Thường xuyên khơi thông cống rãnh, xử lý phân, nước tiểu, chất thải bằng các biện pháp cơ học (thu gom, đào sâu chôn chặt); hoá học (xử lý bằng hoá chất); sinh học (xây hầm biogas, đệm lót sinh học, chế phẩm vi sinh…) nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường sống của gia cầm cũng như môi trường sống của con người.

Thủy cầm non cần sử dụng thêm bóng úm hồng ngoại để tăng nhiệt độ chuồng nuôi trong mùa mưa rét. Ảnh: Duy Học.
Chủ động phòng bệnh cho đàn thủy cầm bằng thuốc, vacxin theo quy định của thú y. Cụ thể, tiêm phòng đầy đủ các bệnh do virus và vi khuẩn gây nên trên ngan, vịt như E.coli, bại huyết, viêm gan, dịch tả, cúm H5N1, H9N2, hội chứng lật ngửa trên vịt. Ngoài ra dùng kháng sinh như Flocol, Doxy-Flo, Amoxicillin, Enrocin… để phòng bệnh đường tiêu hóa, hô hấp cho đàn thủy cầm theo quy định. Bổ sung thêm các loại khoáng, vitamin, điện giải, men tiêu hóa và giải độc gan… giúp thủy cầm tăng sức đề kháng, chuyển hóa thức ăn tốt.
Hàng ngày kiểm tra chuồng nuôi, trường hợp thấy đàn thủy cầm có những biểu hiện không bình thường cần tách đàn nhốt riêng để kiểm tra, theo dõi và điều trị, nếu số lượng nhỏ (một vài con) và không thấy biểu hiện lây lan thì cho uống thuốc trợ sức, tạo sự thoáng mát cho con vật, khi con vật khoẻ mạnh thì cho nhập đàn. Trường hợp thấy thủy cầm có triệu chứng nặng (sốt, khó thở, ủ rũ, đi lại không bình thường…) và có biểu hiện lây lan, cần báo ngay cán bộ thú y cơ sở để can thiệp kịp thời.
Khi đàn thủy cầm có biểu hiện không bình thường, nhất là các triệu chứng ốm, chết nhiều, hàng loạt, tuyệt đối không bán chạy, cần báo ngay hệ thống thú y cơ sở. Đồng thời thực hiện nghiêm hướng dẫn của chính quyền địa phương và cán bộ chuyên môn để khống chế, ngăn chặn dịch, không để bùng phát, lây lan trên diện rộng.