| Hotline: 0983.970.780

Khởi sắc mía đường: [Bài 2] mía ngọt trở lại

Thứ Sáu 21/02/2025 , 08:49 (GMT+7)

SÓC TRĂNG Nhờ liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp, vùng nguyên liệu mía Cù Lao Dung dần lấy lại vị thế, giữ vững hơn 4.000ha, người trồng có thu nhập ổn định.

Nông dân quay lại với cây mía

Thời điểm này, vùng mía nguyên liệu lớn nhất nhì miền Tây này đang vào chính vụ thu hoạch. Những ghe mía đầy ắp nối đuôi nhau chở về nhà máy. Không giấu được niềm vui, chị Trương Hồng Phượng ở ấp Đoàn Văn Tố A, xã Đại Ân 1 (huyện Cù Lao Dung) khoe vụ mía năm nay mang lại nguồn thu đáng kể cho gia đình với mức giá trung bình khoảng 1.150 đồng/kg.

Vùng nguyên liệu mía Cù Lao Dung đang bước vào chính vụ thu hoạch, kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Ảnh: Kim Anh.

Vùng nguyên liệu mía Cù Lao Dung đang bước vào chính vụ thu hoạch, kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Ảnh: Kim Anh.

“Vài năm trước giá mía thấp, nhà máy chậm trả tiền, nhân công đắt đỏ khiến nhiều hộ bỏ mía chuyển sang trồng cây khác. Tuy nhiên 2 - 3 năm trở lại đây đã có nhiều thay đổi, doanh nghiệp cam kết bao tiêu, đầu tư đầu vào, giá mía ổn định, người dân sống khỏe hơn, nông dân vì thế an tâm sản xuất”, chị Phượng chia sẻ.

Nhìn lại chặng đường phát triển, có thể thấy vùng nguyên liệu mía Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Trước năm 2010 là thời hoàng kim của cây mía với diện tích lên tới gần 9.000ha nhưng sau đó sụt giảm dần về mức hơn 3.000ha vào năm 2024.

Giai đoạn này, nhiều hộ nông dân như chị Phượng đã chuyển đổi hàng chục công đất trồng mía sang trồng dừa hoặc nuôi tôm nhưng hiệu quả không như mong đợi. Sau nhiều năm bấp bênh, cây mía Cù Lao Dung đang bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển ổn định nhờ chính sách đầu tư hợp lý từ doanh nghiệp và sự đồng hành của chính quyền địa phương.

Chị Phượng cho biết thêm, so với giai đoạn trước năm 2010, hiện chi phí trồng mía đã tăng lên đáng kể, từ mức 3 – 4 triệu đồng/công lên gần gấp đôi. Tuy nhiên, nhờ doanh nghiệp hỗ trợ vốn, giống và phân bón, cộng với kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác tiến bộ hơn của bà con nông dân, lợi nhuận từ cây mía vẫn hấp dẫn hơn so với nhiều cây trồng khác. Đặc biệt, giá mía khởi sắc trở lại, nhiều bà con đã quay lại với cây trồng truyền thống này.

Chị Trương Hồng Phượng có hơn 25 năm gắn với nghề trồng mía, dù trải qua nhiều thăng trầm, chị vẫn quyết tâm giữ vững diện tích hơn 20 công mía. Ảnh: Kim Anh.

Chị Trương Hồng Phượng có hơn 25 năm gắn với nghề trồng mía, dù trải qua nhiều thăng trầm, chị vẫn quyết tâm giữ vững diện tích hơn 20 công mía. Ảnh: Kim Anh.

Anh Trương Văn Bảnh - Phó Giám đốc HTX mía Cù Lao cho biết, niên vụ mía 2024 – 2025 năng suất đạt khá tốt, chữ đường cao, đạt từ 10,5 - 12 CCS. Những hộ có kỹ thuật tốt, cây mía có thể cho chữ đường lên tới 13 CCS. Đặc biệt, trồng mía lưu gốc giúp bà con tiết kiệm chi phí, lợi nhuận cao hơn 50 - 60% so với trồng mới.

Nhờ sự hỗ trợ từ doanh nghiệp, HTX Mía Cù Lao đã thu hút được nhiều nông dân tham gia, mở rộng diện tích sản xuất, tạo thành chuỗi liên kết chặt chẽ. Từ quy mô hơn 30 thành viên thời điểm đầu thành lập, niên vụ mía 2024 – 2025 số lượng thành viên HTX được mở rộng lên 55 hộ, canh tác hơn 50ha mía.

Hiện giá mía được doanh nghiệp thu mua ở mức 1.150 đồng/kg (10 CCS), cao hơn 100 đồng/kg so với năm ngoái. Với năng suất đạt từ 11 - 12 tấn/công, nông dân có thể thu về lợi nhuận từ 6 - 7 triệu đồng/công.

Không chỉ người trồng mía hưởng lợi, lao động địa phương cũng có việc làm ổn định hơn từ cây mía. Trung bình mỗi ghe mía 30 tấn cần đến 12 – 13 cặp nhân công thu hoạch trong ngày, mỗi cặp có thu nhập khoảng 500.000 – 600.000 đồng/ngày. Nhờ đó, đời sống khấm khá hơn, người dân càng có động lực gắn bó với cây mía.

Doanh nghiệp đồng hành, nông dân được trợ lực

Theo ông Nguyễn Văn Đắc - Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cù Lao Dung, địa phương xác định mía vẫn là cây trồng chủ lực. Nhờ sự liên kết và những chính sách hợp lý của Công ty Cổ phần Mía đường Sóc Trăng (SOSUCO), tình hình sản xuất mía trên địa bàn huyện đang có chuyển biến tích cực.

Ghe chở mía tập nập, nối đuôi nhau chờ đưa mía vào nhà máy. Ảnh: Kim Anh.

Ghe chở mía tập nập, nối đuôi nhau chờ đưa mía vào nhà máy. Ảnh: Kim Anh.

Chỉ riêng năm 2024, SOSUCO đã đầu tư khoảng 35 tỷ đồng cho vùng nguyên liệu mía Cù Lao Dung. Doanh nghiệp thực hiện chính sách hỗ trợ rõ ràng, bao gồm cung cấp giống, phân bón, ứng vốn và cam kết bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó, nông dân không còn lo lắng về đầu ra, có thể tập trung vào nâng cao năng suất, chất lượng mía.

Đặc biệt, một thay đổi quan trọng trong chính sách của SOSUCO là việc giảm bớt khâu trung gian. Nếu như trước đây doanh nghiệp phụ thuộc vào các đại lý khiến chuỗi liên kết lỏng lẻo thì hiện nay đội ngũ kỹ thuật viên của SOSUCO được bố trí trực tiếp tại các xã, đồng hành cùng nông dân từ đầu vụ đến cuối vụ, đảm bảo sản xuất đúng quy trình, hạn chế tình trạng bán mía non cho thương lái bên ngoài.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ chưa tham gia liên kết do lo ngại về yêu cầu kỹ thuật của doanh nghiệp. Theo ông Đắc, đặc điểm của Cù Lao Dung là có nước quanh năm làm cho chữ đường trong mía thấp hơn so với những vùng khác. Trong khi đó, doanh nghiệp đặt trọng tâm vào chữ đường, còn nông dân quan tâm nhiều đến năng suất. Do đó, doanh nghiệp cần có chính sách phù hợp để cân bằng lợi ích đôi bên.

Theo dự báo của một số chuyên gia, thời gian tới, ngành mía đường vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là sự cạnh tranh của đường sản xuất từ củ cải đường trên thế giới. Vì thế, nếu doanh nghiệp và địa phương không có chiến lược phát triển bền vững, vùng nguyên liệu mía tại Cù Lao Dung có thể bị ảnh hưởng.

Từ nay đến năm 2030, huyện Cù Lao Dung quyết tâm giữ vững diện tích mía nguyên liệu hơn 40.000ha. Ảnh: Kim Anh.

Từ nay đến năm 2030, huyện Cù Lao Dung quyết tâm giữ vững diện tích mía nguyên liệu hơn 40.000ha. Ảnh: Kim Anh.

Trong giai đoạn 2025 – 2030, huyện Cù Lao Dung đặt mục tiêu quyết giữ vững diện tích mía nguyên liệu từ 4.000ha trở lên. Để đạt được điều này, huyện đang phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để phát triển mô hình HTX và tổ hợp tác (THT), giúp nông dân sản xuất theo chuỗi khép kín, giảm chi phí đầu tư, tăng chữ đường và ổn định đầu ra.

Toàn huyện hiện đã thành lập gần 30 THT và 1 HTX chuyên trồng mía, giúp việc sản xuất trở nên bài bản hơn. Đồng thời, lãnh đạo ngành nông nghiệp huyện cũng đề xuất doanh nghiệp nghiên cứu thêm các giống mía mới có năng suất và chữ đường cao hơn. Hiện nay, giống mía KK3 được sử dụng rộng rãi nhưng có nguy cơ thoái hóa, do đó cần có kế hoạch lai tạo, thử nghiệm giống mới để đảm bảo hiệu quả sản xuất lâu dài.

Ngoài ra, với sự đầu tư của trung ương và chính quyền tỉnh Sóc Trăng, các công trình hạ tầng giao thông ở Cù Lao Dung đang được đầu tư mạnh mẽ. Điển hình như công trình cầu Đại Ngãi 2 đã hợp long và dự kiến thông xe vào dịp lễ 30/4 tới. Khi đó, việc vận chuyển, tiêu thụ mía nói riêng và nông sản nói chung sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, giảm đáng kể chi phí logistics.

Với những tín hiệu tích cực, ngành mía đường Cù Lao Dung đang từng bước khôi phục vị thế. Từ diện tích 3.309ha trồng mía vào niên vụ 2023 - 2024, bước sang niên vụ 2024 – 2025, diện tích mía ở huyện Cù Lao Dung đã tăng lên hơn 4.000ha. Đây là con số cho thấy sự phục hồi rõ rệt của ngành mía đường địa phương này.

Xem thêm
Vì đâu cơ sở giết mổ lớn phải 'đắp chiếu', hoạt động cầm hơi?

Cũng phần lớn là giết mổ nhỏ lẻ nhưng nay ở Trung Quốc giết mổ không đăng ký là phạm pháp. TS Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam thông tin.

Tây Ninh phân bổ 58.400 liều vacxin lở mồm long móng

Tây Ninh có tổng đàn gia súc tương đối lớn. Nhằm chủ động phòng chống bệnh lở mồm long móng, tỉnh đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã là trái tim của chuyển đổi công nghệ

Trưởng nhóm nông nghiệp của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) cho biết trong chuyển đổi công nghệ, trái tim của hệ thống chính là nông dân.

Bình luận mới nhất