"Một tiểu đội trưởng được miễn mang ba-lô để ôm chú vện. Đến trạm đã bảy giờ tối.
Trong chốc lát triển khai xong kế hoạch. Tôi được phân công gác máy bay. Một cậu nữa gác trạm (gác "đằng mình"). Bộ phận chủ công thịt cầy dưới lòng suối cạn. Phải che kín ngọn lửa, đề phòng máy bay địch và các đồng chí trong trạm phát hiện. Hơn nửa giờ sau, mọi việc đã hoàn tất.
Có cả dồi, nướng, luộc. Có cả thứ rau rừng thơm mùi húng quế. Có cả bi-đông rượu "đồng bào" hơi nhạt nhưng cũng gây được không khí. Chúng tôi hể hả liên hoan". (Trích nhật ký).
Từ ba chục năm nay, tôi tuyệt đối không ăn thịt chó, nhưng phải thú thật, bữa "hạ cờ tây" trên Trường Sơn năm ấy là bữa liên hoan ngoại hạng, ngon nhất mà tôi được ăn từ trước đến nay. Ngon và vui.
Anh đã bao giờ thấy một đàn công rực rỡ bảy màu đột ngột bay lên trước mắt mình? Anh đã thấy một cánh rừng đầy những giò hoa phong lan nở thơm ngát? Anh đã thấy... Nếu không gặp những cái đẹp nho nhỏ, những niềm vui nho nhỏ như thế, làm sao chúng tôi đi qua được Trường Sơn”. (trích “Lang thang qua chiến tranh”)
Tôi cũng nghĩ, mình sẽ khó qua Trường Sơn nếu thiếu những người đồng đội giỏi giang, tháo vát và chân tình như vậy. Những đồng đội ấy của tôi, hầu hết họ là con em nông dân, ra lính từ một vùng quê nào đó trên miền Bắc. Hầu hết họ là học sinh, tốt nghiệp hoặc chưa tốt nghiệp trung học (hồi ấy, chương trình phổ thông ở miền Bắc là 10 năm).
Là học sinh, nhưng họ thật tháo vát, thật năng động, nhiều sáng kiến, và rất có kỹ năng trong cuộc sống. Những điều đó, nhà trường chỉ dạy họ một phần, phần lớn còn lại họ học được từ đời sống ở nông thôn. Dù còn trẻ, họ là những nông dân thứ thiệt. Họ tham gia vào công việc đồng áng từ khi còn khá nhỏ.
Ngay như tôi, vốn là học sinh miền Nam trên đất Bắc, ở tập trung trong trường nội trú, nhưng ngay từ tuổi 12, 13, tôi đã quen với việc đồng áng do được nhà trường thường xuyên đưa chúng tôi về quê mỗi vụ gặt cùng tham gia công việc nông trang với bà con nông dân. Đó thực sự là những cơ hội “đi thực tế” bằng vàng để những đứa trẻ chúng tôi làm quen với những kỹ năng nông nghiệp, được những bà con nông dân hướng dẫn, bày vẽ cho.
Bây giờ nhớ lại, tôi vẫn có cảm giác lâng lâng hạnh phúc khi mình lần đầu biết gặt lúa, biết gánh lúa từ ruộng về sân kho hợp tác. Ban đầu tôi chỉ gánh bằng quang, sau tiến tới gánh bằng đòn xóc. Gánh đòn xóc thì không thể đặt hai bó lúa nghỉ dọc đường, mà phải gánh một mạch từ ruộng về nhà. Khi gánh lúa được bằng đòn xóc, coi như mình đã trưởng thành, đã gần như một nông dân thực thụ. Còn gì tự hào hơn!
Những đồng đội của tôi, dĩ nhiên họ là những “nông dân thứ thiệt” bẩm sinh, vì thế họ quen cả với những việc bếp núc mà ở nhà quê thỉnh thoảng họ vẫn tham gia, như… làm thịt chó, chẳng hạn.
Vào Trường Sơn, họ phát huy những kỹ năng ấy của mình trong hoàn cảnh khó khăn hơn nhiều, đòi hỏi phải có những sáng kiến, phải đạt hiệu quả tối đa trong điều kiện tối thiểu. Và họ đã làm thật tốt, khiến một người không hề xa lạ với đời sống nông thôn như tôi phải ngạc nhiên và thán phục.
Những người nông dân mặc áo lính ấy, không phải chỉ Việt Nam mới có, nhưng tôi nghĩ, chỉ ở Việt Nam mới xuất hiện những người lính năng động đến như vậy, nhiều sáng kiến nhỏ đến như vậy, và thích nghi với hoàn cảnh sống nhanh đến như vậy.
Tôi đã có dịp trò chuyện với một số cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam từ khi còn rất trẻ, chỉ ở độ tuổi 20. Họ nói với tôi khi tới chiến trường Việt Nam, họ rất lớ ngớ, rất nhiều cái họ không biết, nhiều bài học nhỏ họ đã phải trả giá lớn. Họ được huấn luyện rất kỹ ở trại lính, nhưng lại thiếu những kỹ năng bẩm sinh cơ bản của một người nông dân như lính Việt.
Về sự năng động “phi bài bản” thì phải nói, người lính Mỹ thua xa người lính Việt. Chính xác hơn, là thua người nông dân Việt mặc áo lính. Ở xứ mình, hay gọi những hành động phát huy kỹ năng trong cuộc sống như thế là “sự tháo vát”.
Nếu những bà mẹ nông dân ở miền Nam khi tham gia đấu tranh chính trị chống quân xâm lược đã có bao nhiêu những sáng kiến vừa thông minh vừa hiệu quả, thì con cái họ - con những bà mẹ nông dân - cũng tháo vát và thông minh không kém khi trực tiếp chiến đấu ở chiến trường:
“những người mọc thẳng giữa đời
như rừng dương
chắn ngang trời cát bay
những người bền tựa rễ cây
luồn trong đất đá cánh tay trụi trần
họ dò tới những mạch ngầm bí mật
đã nuôi được xương rồng
trên trảng cát
với xương rồng họ tìm cách nở hoa"
("Trẻ con ở Sơn Mỹ" - Thanh Thảo)
Đó là hình ảnh những người du kích ở Sơn Mỹ - địa danh nổi tiếng thế giới vì vụ tàn sát 504 người dân do quân đội Mỹ tiến hành nhưng cũng là địa danh nổi tiếng vì sự quả cảm và đức hy sinh. Đó chính là hình ảnh những người nông dân khi thề quyết bảo vệ đất đai quê hương mình...
Ngay trong thời bình, nông dân vẫn chiếm một số lượng lớn trong quân đội. Và mỗi khi Tổ quốc lâm nguy, lại vẫn những người nông dân mặc áo lính xông ra tuyến đầu. Họ chiến đấu vì đất nước, vì quê hương, nhưng cũng chiến đấu vì đất đai của họ. Và chỉ như thế, họ mới như cây xương rồng mọc trên cát, luôn tự "tìm cách nở hoa".