| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 25/08/2014 , 08:15 (GMT+7)

08:15 - 25/08/2014

Xin đừng tự dối mình

Trên 80%, cụ thể là 86% số người được hỏi đều có câu trả lời là hài lòng và… rất hài lòng với nền hành chính công của ta hiện nay. 

Đó là kết quả do Bộ Nội vụ vừa công bố, sau cuộc khảo sát tại 3 tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa và Bình Định, được thực hiện từ giữa năm 2013 đến giữa năm 2014.

Một con số lý tưởng? Một con số đẹp như mơ? Thôi nhé, từ nay, những ai còn phàn nàn về chất lượng của công chức Việt Nam cũng như thái độ phục vụ của họ. Hãy nhìn con số này.

Chỉ có điều cuộc khảo sát đó lại được tiến hành bằng một cách không giống ai. Số người được chọn tại mỗi tỉnh chỉ trên 1.500 một chút, đa số là người ít học. Nhiều người cầm tờ phiếu ghi những câu hỏi còn chưa hiểu, chưa biết điền vào phiếu thế nào, cán bộ khảo sát phải cầm tay chỉ việc.

Theo phát hiện của PV Báo Lao động, thì tại Phú Thọ, 46% số người được hỏi đều thừa nhận là người nhà của công chức. Và quan trọng hơn nữa, những người được hỏi đều được… trả tiền.

Với người lao động nghèo, ít  học thì tiền là một động lực vô cùng mạnh mẽ. Trả lời xong rồi được tiền thì… OK. Trả lời đại đi để còn nhận tiền ra quán nhậu.

Những câu hỏi mang tính “định hướng” rõ ràng, chưa cần hỏi đã biết trước câu trả lời là thế nào rồi. Như khi hỏi về việc có hài lòng hay không trong lĩnh vực y tế công, câu hỏi là: “Khi có việc, thì ông, bà có quay trở lại đó không?”. Trời ôi! Khi ốm đau, người dân không “quay trở lại” những bệnh viện công thì còn biết đi đâu? Ai cho họ quyền lựa chọn? Dù họ biết rất rõ rằng đã vào đến đó là “Mỗi bước anh đi, một bước tiền”.

Với một bộ máy khổng lồ, cồng kềnh đến mức một Phó Thủ tướng phải thốt lên rằng đến 30% số người trong bộ máy đó có cũng được mà không có cũng chẳng sao (khác hẳn với con số do Bộ Nội vụ đưa ra là 99% công chức hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ).

Một nền hành chính mà để tồn đọng đến năm bảy vạn vụ khiếu kiện, trong đó bảy tám chục phần trăm là khiếu kiện về đất đai, nhiều vụ kéo dài cả chục năm trời, từ dưới đẩy lên trên. Thế mà lại có đến 89% số người được hỏi trả lời rằng hài lòng và rất hài lòng đối với dịch vụ hành chính công trong lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường, thì thật lạ lùng.

Không chỉ bây giờ, mà cách đây mấy năm, một cuộc khảo sát tương tự cũng được tiến hành ở TP. Hồ Chí Minh. Và kết quả thu được còn vượt xa trí tưởng tượng của mọi người: Số người hài lòng và rất hài lòng về lĩnh vực Giao thông Công chính là 99%; về lĩnh vực Lao động - Thương binh Xã hội là 100% và về lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường là 90% (riêng quận Tân Bình, số người hài lòng và rất hài lòng về lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường đạt mức kỷ lục: 99,58%).

Muốn cải cách hành chính, thì bệnh thành tích, bệnh vẽ ra những con số đẹp để tự lừa mình và lừa người, là căn bệnh phải bị tiêu diệt đầu tiên. Thế nhưng chính cơ quan chủ trì việc cải cách lại cũng mắc căn bệnh đó, thì cải cách làm sao được?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm